Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn: Ly cà phê cuộc đời

Anh Vạn (trái) kiểm tra chất lượng hạt cà phê sau khi rang
Anh Vạn (trái) kiểm tra chất lượng hạt cà phê sau khi rang
TP - Trong một đêm mùa mưa Tây Nguyên, anh ngồi nhâm nhi vị thanh thanh chua chua từ ly Arabica khói tỏa. Sau ngần ấy năm, rút cuộc anh đang tìm kiếm cái gì cho cuộc sống, việc kiếm ra thật nhiều tiền đã không còn là lý do cho mỗi buổi sáng thức dậy. Và rồi cà phê đã thuyết phục anh bằng câu chuyện về chính cuộc đời mình.

Cuộc đời gắn với rẫy cà phê

Nguyễn Đình Vạn (SN 1989) mở đầu bằng câu chuyện cuộc đời: “Vạn là cử nhân Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), mọi người nói tôi bằng đại học treo chuồng gà. Với tôi việc ra trường không đi làm không có nghĩa bạn trở thành người thừa của xã hội. Bạn cần học và làm điều bạn thấy ý nghĩa”.

Vạn sinh ra ở Nghệ An, năm 1994 gia đình chuyển vào Đắk Lắk lập nghiệp. Bố mẹ anh làm lụng nuôi hai anh em ăn học đàng hoàng với hy vọng thoát cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Khi anh quyết định về mở quán cà phê và làm rẫy cùng bố mẹ, anh nhận không ít lời đàm tiếu xa gần của mọi người trong vùng. Điều đó khiến bố mẹ phiền lòng.

Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn: Ly cà phê cuộc đời ảnh 1 Anh Vạn giới thiệu cà phê của quán
Giữa cơn mưa dầm ở vùng đất đỏ Chư Kpô, ly cà phê khói tỏa ra hương thơm dịu nhẹ, anh trải lòng: “Tốt nghiệp ra trường, sau nhiều lần khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực đều thất bại, tôi ngậm ngùi tìm lại đam mê và tìm lại chính bản thân mình. Những ngày tháng rong ruổi được ngắm nhìn cuộc sống, được hòa thiên nhiên một cách chậm rãi, tôi thấy nhớ quê hương Đắk Lắk da diết, nhớ gia đình, nhớ vườn cà phê bạt ngàn, nhớ mùi hoa cà phê thơm ngát. Cái cảm giác đó đã không có được từ thời sinh viên”. Rồi Vạn trở về bên ngôi nhà nhỏ (thôn Kty 5, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) và những hec ta rẫy cà phê của bố mẹ. Từ nguồn vốn của gia đình cộng với vay mượn, Vạn đầu tư khoảng 300 triệu đồng mở quán cà phê nhỏ tại thôn Kty 5. Hai năm đầu, Vạn nhập cà phê bột từ thành phố Buôn Ma Thuột để kinh doanh, nhưng giá thành khá cao, giá cà phê thô liên tục biến động còn giá cà phê thương phẩm vẫn ổn định. Cùng với đó tình trạng cà phê bẩn tràn lan trên thị trường.

Sống ở vùng quê còn nhiều khó khăn, anh thấy người nông dân chỉ chăm bẵm vườn cà phê từ sáng sớm cho tới chiều muộn nhưng lợi nhuận thu về  chẳng bao nhiêu. Khi thu được những hạt cà phê do mình làm ra, anh nghĩ đến việc làm ra thương hiệu cà phê của chính mình để nâng cao giá trị sản phẩm.

Vạn theo học những khóa học chuyên về cách pha chế, chế biến cà phê và tìm tòi học hỏi thêm từ nhiều tài liệu chuyên môn khác, mong muốn tìm kiếm cơ hội, kinh doanh cho chính bản thân mình. Cuối năm 2017, đứa con tinh thần, niềm ấp ủ và đam mê cháy bỏng của Vạn, thương hiệu cà phê nguyên chất của anh xuất hiện trên thị trường ở một huyện vùng sâu này. Với Vạn, mục đích thay đổi lúc ấy chỉ là tìm cách để tăng giá trị thành phẩm cho gia đình, để thay đổi những nhận thức sai lầm trong chăm sóc cây trồng nông nghiệp. Bán ra những sản phẩm mà mình chắc chắn không gây hại cho sức khỏe người khác, để chính mình có thể sống an nhiên, đó là mục tiêu Vạn hướng đến.

Lan tỏa hương cà phê

Tiếng máy xay ồ ồ hòa lẫn vào tiếng mưa rả rích. Từng giọt cà phê đen tý tách rơi xuống ly. Nhấp một ngụm cà phê nhỏ xíu, sự nguyên chất của cà phê đậm đặc đánh thức cảm giác bồi hồi, trái tim loạn nhịp. Hương vị ấy được chắt chiu từ vùng đất ba zan màu mỡ, giữ lại vị đắng đặc trưng và hương thơm ngất ngây đắm say lòng người. Vạn nói: “Để tạo ra cà phê sạch phải cẩn trọng từng khâu. Cà phê phải chín hoàn toàn, sau khi thu hái về được đổ vào bể nước để chọn những trái chất lượng. Sau đó ủ hạt tách vỏ, phơi sấy và phân loại trước khi rang xay”.

Vị khách uống cà phê bàn bên cạnh bộc bạch: “Nếu có cơ hội trải nghiệm không gian văn hóa cà phê, cà phê sẽ vô tình trở thành thứ ngôn ngữ không lời truyền tải những rung động, thăng hoa cảm xúc của những người cùng thưởng thức. Bây giờ, nhiều người đã làm cà phê sạch nên người uống rất an tâm, sản phẩm pha chế từ cà phê cũng đa dạng hơn trước”.

Trồng một cây cà phê không hề đơn giản, việc tạo ra thương hiệu lại là chuyện khó khăn rất nhiều. Để tiến hành thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê sạch và chất lượng, Vạn bán đất vay tiền làm. Nhưng cái sạch, cái nguyên chất ở cà phê của Vạn không thay đổi được thói quen và lấy được lòng tin của khách hàng, đặc biệt ở huyện vùng sâu còn khó khăn này. Vạn quyết định tự mình đi lan tỏa hương thơm cho chính mình. “Có lẽ trong sự nghèo khó người ta thường nảy ra được nhiều điều tích cực hơn”, Vạn nói.

Vạn giới thiệu sản phẩm của mình bằng cách mang tặng cho bạn bè, người thân thử nghiệm. Ban đầu anh bán cho khách ở quán, khách quen và người dân trong vùng. Anh dành nhiều thời gian để tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê pha trộn. Áp dụng chương trình khuyến mãi khi mua cà phê của quán. Lâu dần, anh được mọi người tin tưởng, ủng hộ đến đặt hàng cũng như giới thiệu cho bạn bè, người thân tìm đến mua sản phẩm làm quà biếu.

Khi hỏi về thất bại, Vạn bảo để đạt được điều mình muốn điều đầu tiên là sự thất bại. Thất bại đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh, có khác là cách vượt qua. Thất bại thật sự khi chúng ta dừng lại.

Mọi người trong vùng nông thôn ấy từng nghĩ Vạn sẽ không làm nên điều gì thì bây giờ Vạn lại đang làm ra một quy trình sản xuất cà phê sạch đưa thương hiệu cà phê ở một xã vùng sâu ra thị trường khắp cả nước với cam kết không sử dụng bất cứ hóa chất hay phụ gia, phẩm màu. Chiều lòng được những khách hàng khó tính.

Ly cà phê ngon không chỉ đến từ tinh thần hay những người pha chế ra nó mà còn là công sức của những người nông dân làm ra hạt cà phê đến từ vùng đất khó. Thử một lần vào sáng sớm tiết trời se lạnh, ra vườn cà phê đặt đôi chân trần lên lớp đất để cảm nhận hương vị của đất trời, hương vị từ cây cà phê để thấm cái nhọc nhằn, bình dị của người nông dân. Cà phê đã thuyết phục Vạn bằng những câu chuyện về chính cuộc đời mình. Cứ như vậy, cà phê dẫn bước Vạn theo tháng ngày...               

Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Krông Búk nhận xét: “Nguyễn Ðình Vạn là thành viên của câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk. Vạn năng nổ nhiệt huyết, có trách nhiệm, có tâm trong sản xuất  cà phê sạch, xây dựng được thương hiệu có uy tín, và được nhiều người tin dùng. Hiện quán cà phê của Vạn được chọn là nơi trưng bày hơn 100 đầu sách của câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện”.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".