Chuyện thần kỳ ghi ở Dublin

Chuyện thần kỳ ghi ở Dublin
TP - Trong bài phát biểu tại trường Đại học Tổng hợp Dublin (UCD), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói đến hai chữ "thần kỳ". “Một đất nước phát triển thần kỳ, một mô hình để nhiều quốc gia học tập”.

Biểu trưng của sự thần kỳ là tháp SDIRE ở ngay trung tâm thủ đô Dublin. Tôi chưa thấy ở đâu có cái tháp lạ lùng như vậy. Thực ra, nó là một cái cột màu ánh bạc cao trên 300m vụt lên trời xanh.

Nó giống cái cần ăngten khổng lồ như đang thu mọi thông tin tiến bộ của thời đại. Nghe nói mỗi lần thay ngọn đèn trên đó người ta phải dùng máy bay lên thẳng.

Lúc chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp xuống sân bay Dublin, gió lộng như bão. Gió thổi bay chiếc mũ đội đầu của tôi. Vừa chạy nhặt mũ, vừa nhìn những hạt mưa đá bé li ti đổ ràn rạt xuống sân băng.

Gió mang theo vị mặn của biển cả, mùi cá tanh nồng. Và tôi hiểu, đâu đây như đang hiện ra những mái nhà lợp rạ, những cánh đồng khô cằn hai mươi năm trước…

Với diện tích trên 70 ngàn km2, dân số 4 triệu người, có đến gần 90% theo Thiên chúa giáo, xứ sở yên bình này thực ra đã trải qua nhiều biến động. Cuộc nội chiến kéo dài hơn một thế kỷ đã làm đất nước kiệt quệ.

Ngày 6/12/1921, ngày độc lập (tách ra từ nước Anh) nhưng từ đó đến nay không biết bao thăng trầm. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, đói ăn, thiếu mặc, điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho là: “Tương đồng với Việt Nam”.

Qua hai mươi năm (Việt Nam cũng đã vươn lên sau 20 năm đổi mới), một nước Ailen đói nghèo đã trở nên giàu có, phát triển, làm nên những chuyện thần kỳ. Tính đến năm 2005, GDP đã lên tới con số 167,9 tỷ USD.

Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm (2005) là 39.000 Euro. Năm 2007 này đã tăng lên 45.000 Euro (tương đương với 70.000 đô la Mỹ). Trong lúc thu nhập bình quân đầu người Việt Nam bây giờ mới có 830 USD.

Chuyện thần kỳ ghi ở Dublin ảnh 1
Trung tâm thành phố Dublin về đêm

Tối Chủ nhật, VCCI tổ chức cho doanh nhân Việt Nam đến một quán ăn dân tộc Ailen. Trong ánh đèn mờ tỏ, đâu đâu cũng chật ních người, tiếng nhạc như một làn sóng cuốn tất cả vào cơn lốc của màn đêm.

Điệu nhạc có trên ba trăm năm nhịp gót giầy tạo nên một tầng nhạc mới, hòa vào bài hát, mà lời của nó một người bạn dịch ra như sau: Hát lên, hát lên, ta đợi ánh mặt trời. Nhảy đi, nhảy đi, ta đợi ánh mặt trời. Hồn ta là cây đàn muôn điệu…

Quốc huy của Cộng hòa Ailen hình cây đàn Harp. Theo truyền thuyết, cây đàn Harp đại diện cho các sư quốc thời trung cổ, ra đời từ năm 1270.

Đến tòa nhà trụ sở quốc hội, nơi diễn ra cuộc gặp của Chủ tịch Hạ viện John O’Donoghue và Chủ tịch Thượng viện ngài Pat Moylan với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi lại nhớ tới cây đàn Harp biểu trưng cho lòng yêu đời của người dân Ailen in trên hình quốc huy.

Tôi hỏi chuyện mấy sinh viên Việt Nam đang theo học ở trường Đại học Tổng hợp Dublin Trương Hồng Linh, Hà Văn Thuận cho biết, tổ chức ICOS của người Ailen tình nguyện giúp sinh viên Việt Nam làm thủ tục giấy tờ, tìm giúp nhà ở, tìm nơi cho sinh viên Việt Nam làm thêm…

Hồng Linh nói: Người Ailen có nhiều điểm tương đồng với ta, họ cũng đi lên từ nông nghiệp, từ nghèo đói, từ chiến tranh… nên rất hiểu, rất thông cảm với người Việt Nam…

Sinh viên Ailen học ở các trường đại học đều được miễn phí. Ở một đất nước chỉ có 4 triệu dân mà có cả một nhà máy sản xuất máy tính xuất khẩu, tất cả các hãng máy tính lớn của thế giới đều đặt ở đây…

Giáo dục và thu hút đầu tư là những quốc sách làm nên sự thịnh vượng của Ailen. Hiện có trên 1.100 Cty nước ngoài đầu tư vào Ailen, chiếm 70% lượng hàng xuất khẩu: Mỹ 450 Cty, Đức 175, Anh 160, Thụy Điển 40, Nhật 38, Pháp 35…

Nhờ có sự đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế của Ailen đạt mức cao nhất thế giới: 10%/năm trong giai đoạn 1995 – 2000.

Trở lại quán ăn dân tộc tối Chủ nhật, chúng tôi phải đợi cả tiếng đồng hồ mới được ăn một bát xúp (giống như bát cháo kê)… mọi người nói đùa là đến ăn “mầm đá”, nhưng thực ra đến đây là để nhảy, để hát, để tay nắm tay, mắt nhìn vào mắt nhau… mà thứ ấy ở nơi công cộng thì người mình… ngại lắm, nên chỉ nhìn và nhìn…

Có một buổi chiều rỗi, hôm đầu tiên đến Dublin, chúng tôi đi bát phố. Cánh nhà báo vốn ít tiền nên vào các shop chỉ để “lấy thực tế” là chủ yếu. Dẫu vậy, cũng phải mua vài thứ để làm kỷ niệm, để người nhà thấy được một chút cái xứ sở thần kỳ này.

Tôi cầm lên một đôi giày rất vừa ý, giá 30 Euro, rẻ, định mua, chợt nhìn vào trong đế giày: Made in Việt Nam. Việt Nam càng tốt chứ sao! Nhưng chẳng lẽ mua giày từ Dublin mang về Việt Nam, nên lại thôi.

“Việt Nam nhà mình cũng ghê đấy chứ!” - một nhà báo nói. Giày dép, áo quần Việt Nam đến được tận xứ sở thần kỳ này… y như chuyện cổ tích vậy!

Tôi cứ nghĩ mãi về một điều, một câu hỏi vì sao? Vì sao? Và vì sao? Một đất nước cũng từ nghèo đói, lạc hậu, chiến tranh, cũng từ nền nông nghiệp đã đi lên, làm nên chuyện thần kỳ chỉ sau 20 năm!

Hai mươi năm, từ thu nhập bình quân đầu người mỗi năm trên 1.000 USD đã vươn lên 70.000 USD. Và tôi biết rằng, điều kỳ điệu ngày nay không chỉ có trong chuyện cổ tích.

Mà chuyện cổ tích thì ở đâu cũng kết thúc có hậu.

MỚI - NÓNG