PGS.TS Đỗ Văn Ninh:

Chuyện 'Thánh vật': Ông Cường kể bịa đến 90%

Chuyện 'Thánh vật': Ông Cường kể bịa đến 90%
TP - "Tôi rất lấy làm lạ là ai đó đã “phát động” nên chuyện này. Tôi tưởng rằng mọi chuyện hồi đó đã dừng lại từ lâu, và người ta đã xây dựng kè sạch đẹp cho người dân đi dạo, nào ngờ lại “thành chuyện” như hôm nay". - PGS.TS Đỗ Văn Ninh (Viện Sử học) nói. 

>> Chưa tìm thấy hiện tượng trấn yểm nào trong lịch sử

Chuyện 'Thánh vật': Ông Cường kể bịa đến 90% ảnh 1

Ngay từ ngày đó, tôi đã nói rằng tôi không tin có trấn yểm. Vì việc trấn yểm đã lụi tắt từ trước CN rồi. Trong sử sách từ Lý - Trần và mãi sau này có thấy ai viết về trấn yểm.

Thời xưa người ta chỉ trấn yểm ma tà bằng những loài động vật như rắn, ngựa, bò, trâu… chứ có trấn yểm bằng người đâu. Ông Nguyễn Hùng Cường nói có thấy hình bát giác. Theo tôi hiểu là ông ta định nói tới trận đồ bát quái tại khúc sông này.

Nhưng xin thưa, ngày đó, tôi đếm thì chưa đến 8 cột gỗ do máy xúc lấy lên từ sông (tôi nghi ngờ là mấy cột gỗ này được đóng xuống để kè sông). Cột gỗ dài nhất cũng chỉ vài mét.

Hơn nữa, hôm đó các nhà khảo cổ có ai dám lội xuống sông Tô Lịch đen ngầu để kiểm tra xem có phải là bát quái không.

Chỗ khác, ông Cường lại nói là phát hiện được 8 bộ di cốt người. Khi chúng tôi đến đã đem đi chôn rồi. Vậy thì dựa vào đâu để ông Cường xác định là 8 bộ di cốt.

Chuyện 'Thánh vật': Ông Cường kể bịa đến 90% ảnh 2
PGS.TS Đỗ Văn Ninh

Ngành khảo cổ chúng tôi muốn nhận định đấy đúng là một bộ di cốt người, nam hay nữ thì còn phải nghiên cứu chán, các nhà nhân chủng học phải đối chiếu, so sánh nghiên cứu mới đưa ra được kết luận. Còn nữa, dựa vào đâu để xác định niên đại là sáu, bảy trăm năm.

Xác định niên đại đâu phải dễ, dựa vào hiện vật chỉ là một phần còn phải kiểm tra đủ thứ nữa mới có kết quả chứ. Cho nên nói vậy là thiếu căn cứ.

Còn nhớ ngày đó, tôi và TS Vũ Quốc Hiền đi khảo sát một vài điểm xung quanh, khi phát hiện ra chỗ này thì tôi cùng TS Hiền đi khảo sát một vài điểm gần đó và đã phát hiện một ngôi mộ.

Không phải là nhận định nữa, cách đây vài chục năm, bờ bên này của sông Tô Lịch rộng lắm, cây cối xum xuê nên người ta thường tổ chức chôn cất người thân sau khi mất.

Sau này có kế hoạch mở rộng nên nhiều ngôi mộ phải bốc đi nơi khác. Từ thực tế đó cộng với lịch sử ghi nhận sự đổi dòng của dòng sông Tô và khi mùa lũ về nên rất có nhiều khả năng là không ít ngôi mộ ở trên bờ bị sạt lở xuống sông.

Cũng vì thế, những di cốt người phát hiện ở chỗ đấy là do sạt lở ở trên bờ mà thôi. Nói tóm lại, những chuyện anh Cường kể là bịa đến 90%.

Ng.Th (ghi)     

GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam):

Nói đến vấn đề tâm linh phải khách quan

Chuyện 'Thánh vật': Ông Cường kể bịa đến 90% ảnh 3
GS.TS Đỗ Quang Hưng

Chuyện tâm linh hay một niềm tin đặc biệt nào đó nó luôn biến đổi và ngày càng phức tạp. Nhưng dù gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng phải nên tôn trọng nó.

Tôi đồng tình với quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng trong đời sống tâm linh có những mặt tích cực của nó để góp phần cho xã hội ngày càng tốt hơn.

Thế giới tâm linh từ Á sang Âu đang trở thành vấn đề của nhân loại, có liên quan mật thiết, gần gũi với đời sống tôn giáo. Trong cái thế giới ấy, có những điều có thể thấy ngay, nhận thức ngay được nhưng cũng có những điều cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Tôi lấy thí dụ, người ta bảo có hồn, nhưng người khác lại bảo không có. Cho nên nghiên cứu về đời sống tâm linh thực sự rất khó. Vì vậy, cũng phải ghi nhận những tình tiết đó để xem xét, nghiên cứu, nhất là ở khúc sông Tô Lịch đó có liên quan đến không gian, văn hóa lịch sử Hoàng thành Thăng Long.

Hiện nay đời sống tâm linh phong phú đang quay trở lại. Một số cũng tin vào điều đó nhưng cũng có không ít người không tin. Vấn đề nằm ở chỗ phải tiếp tục nghiên cứu.

Nhưng trong khi giới khoa học chưa thể khẳng định, kết luận chuyện đó là A hay là B thì không nên phản ánh như thế. Bản thân tâm linh là cái hộp đen mà người ta đang nghiên cứu.

Anh phản ánh, tuyên truyền điều gì liên quan đến tâm linh thì phải hết sức khách quan và cần tôn trọng nó. Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân chứ không thể đưa ra kết luận để mà dấy lên điều gì đó. Như thế là không được.

Trong đời sống tâm linh có mối quan hệ với môi trường xã hội dân sự. Khi những thông tin về tâm linh chưa được nghiên cứu, kiểm chứng mà vội tuyên truyền thì ngay lập tức ảnh hưởng đến môi trường xã hội.

Tôi lấy ví dụ, bây giờ giả sử UBND thành phố cho nạo vét lòng sông để tăng lưu lượng dòng chảy, làm cho nước sạch hơn thì cũng sẽ bị thánh vật và không làm nữa hay sao? Và khi thông tin chưa được kiểm chứng mà bị lan truyền rộng thì trở thành thứ siêu hình.

Cuộc sống là một dòng chảy liên tục trong đó có cả xã hội dân sự và đời sống tâm linh. Nhưng trong cuộc sống đó không thể đề cao yếu tố nào hơn yếu tố nào mà cần phải có sự hài hòa.

Ng.H (ghi)

MỚI - NÓNG