'Chuyện tình' của Phùng Quán ở Sầm Sơn

TP - Sầm Sơn vừa kỷ niệm chẵn một hoa giáp sự kiện từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam tại Cảng cá Lạch Hới, Sầm Sơn.

Ít người biết, trước thời điểm ấy 3 tháng, cũng tại Lạch Hới đã có những cuộc trao đổi tù binh Pháp Việt. Anh lính trẻ Phùng Quán khi đó được phân công về Sầm Sơn…

'Chuyện tình' của Phùng Quán ở Sầm Sơn ảnh 1

 Thi sĩ Phùng Quán (bìa trái) và ông Nguyễn Viết Kiểm (ngoài cùng bìa phải) nhân vật chính Phan Du trong Vượt Côn Đảo. Ảnh: XB 

Tấm ảnh kèm bài đây gợi những năm đã xa. Và những đêm rủ rỉ trong Chòi Ngắm sóng chỗ ở của thi sĩ Phùng Quán lối bên Trường Chu Văn An, Tây Hồ.

Tôi về Đại Kim Thanh Trì để có một buổi ngồi với ông Nguyễn Viết Kiểm là tù binh Côn Đảo được trao trả tháng 9/1954 ở Sầm Sơn. Ông Nguyễn Viết Kiểm nguyên là chiến sĩ biệt động đội Hải Phòng bị địch bắt năm 1950 rồi bị đày ra Côn Đảo.

Hàng trăm cán bộ chiến sĩ nhiều năm bị đày ải ở địa ngục trần gian Côn Đảo lần ấy đã trù liệu một cuộc vượt ngục ghê gớm.

Đó là vào trưa ngày 12/12/1952. Trong buổi lao công khổ sai tại bến Đầm, sau hiệu lệnh tụt chiếc khăn trắng trên đầu của Nguyễn Viết Kiểm, một yếu nhân của cuộc vượt ngục, cứ ba đến năm tù binh xông vào áp chế một tên lính gác. Bị hoàn toàn bất ngờ, bọn địch bó tay chịu trói. Năm chiếc thuyền (dùng để vượt bể tự tạo bằng song mây rồi bí mật lấy nhựa đường phết lại. Buồm là hàng trăm bộ quần áo của tù nhân đan lại) được lấy ra hạ thủy. Ban đầu những chiếc thuyền buồm lướt đi phần thuận gió, phần khí thế hăng hái của một cuộc vượt ngục vĩ đại! Nhưng có ai học hết chữ ngờ. Do việc chế thuyền trong điều kiện hết sức bí mật nên không tránh khỏi những sơ suất. Sơ suất đó đã thành hiểm họa là không lâu sau cuộc hành trình, nước biển, đầu tiên là ngấm, sau đó tràn vào những chỗ thủng. Cả 5 chiếc thuyền đều rơi vào tình cảnh bi đát. Trước hết là bỏ vũ khí súng ống vừa đoạt được cho thuyền nhẹ bớt. Nhưng vẫn không ổn. Hàng chục cán bộ chiến sĩ quả cảm xung phong nhảy xuống biển tự tử để giảm tải trọng cho thuyền vẫn không cải thiện được tình hình. Sau một đêm lênh đênh số sống sót lại phải đối mặt với tàu chiến máy bay địch phong tỏa. Kết cục bi thương của cuộc vượt ngục là 81 đồng chí hy sinh, 117 người bị bắt lại đưa về Chí Hòa, trong đó có ông Kiểm. Trong Vượt Côn Đảo, Nguyễn Viết Kiểm trở thành nhân vật chính của cuốn sách với tên Phan Du. Năm ấy ông Kiểm còn khỏe…

Tôi cũng may mắn được ngồi chuyện với bà Thoan, vợ ông Kiểm, trong Vượt Côn Đảo. Bà Thoan đã hóa thân thành nhân vật Thơm… Cứ như trong câu chuyện của ông Kiểm, nhà văn Phùng Quán - khi ấy còn măng tơ lắm đã ở lỳ với anh em tù binh hơn một tháng trời ở địa điểm trao trả tù binh ở Sầm Sơn.

Những ngày liên miên chiến dịch những Việt Bắc rồi Điện Biên Phủ, anh lính trẻ Phùng Quán vẫn chắc cái chân kéo phông màn cho Đoàn văn công Khu Tư do nhà thơ Thanh Tịnh làm đoàn trưởng. Điện Biên Phủ kết thúc, Đoàn về đóng quân ở Việt Bắc ngay chỗ cây đa Tân Trào. Tại đây, nhà văn Thanh Tịnh chợt nhớ ra vẻ nhanh nhẩu hoạt bát chứ chưa phải năng khiếu viết lách nào cả khi bất ngờ nhận được một cái lệnh! Lệnh ấy là cử gấp người bổ sung phục vụ đợt trao trả tù binh mãi tận Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Anh lính trẻ Phùng Quán có nhiệm vụ đặc biệt là đeo cái hòm gỗ to đùng cứ như trong đó đựng thứ phim ảnh máy móc chi đó ghê lắm? Để làm chi vậy? Phùng Quán có nhiệm vụ len người trong đám phóng viên Tây ta để che những ống kính của các phóng viên phương Tây mỗi khi họ hướng về đám tù binh thương tật ốm yếu. Do điều kiện khó khăn gian nan của kháng chiến, mặc dù đã cố hết sức nhưng việc chữa trị nuôi dưỡng thương bệnh binh đối phương chưa thể chu toàn được! Khi ấy quan niệm rằng hình ảnh ấy lọt vào tầm ngắm của nhà báo phương Tây sẽ bất lợi cho ta?

'Chuyện tình' của Phùng Quán ở Sầm Sơn ảnh 2

Nhưng khi biên chế vào tổ phóng viên phục vụ công tác trao trả do Nguyễn Trần Thiết phụ trách (sau này đại tá Nguyễn Trần Thiết đã trở thành cây viết tên tuổi với hơn trăm đầu sách bắt mắt) đã sớm phát hiện cái khiếu viết lách (mặc dầu khi đó Phùng Quán chưa viết được bài báo nào ra hồn mà mới chỉ có mấy bản tin và thơ báo liếp) của anh lính trẻ Phùng Quán. Nguyễn Trần thiết mạnh dạn bố trí Phùng Quán làm chân phóng viên hẳn hoi chứ chẳng phải làm cái việc đeo cái thùng gỗ rỗng ngáng trở việc người khác!

   

Anh lính trẻ Phùng Quán đã gặp được tù binh Nguyễn Viết Kiểm.

Công việc của anh phóng viên mới toe ấy là ban ngày gặp các anh em tù binh ta vừa được trao trả đang được an dưỡng ở lán trại hoặc ở nhà dân của các xã Quảng Tiến, Quảng Tường của Sầm Sơn. Gặp hỏi đủ thứ chuyện. Đêm về báo cáo lại việc đi thực tế- phỏng vấn ấy cho tổ trưởng và những anh viết có kinh nghiệm để có hướng xử lý tư liệu. Và sau đó thì viết…

Những câu chuyện liên tu bất tận về đời sống của tù binh Côn Đảo cùng thực tế bi hùng của cuộc vượt ngục đã bừng trong suy nghĩ tâm trí của Phùng Quán một cảm xúc rất lạ. Với những anh viết mới toe, những xô bồ ác liệt của những người tù binh phải nếm trải dễ bị choáng, bị lóa và bị những sự thật khủng khiếp ấy đè bẹp. Nhưng thực tế những năm tháng ác liệt ở Mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt mà chính bản thân từng nếm trải, Phùng Quán đã sớm vượt thoát khỏi sự kiện. Như một thứ men kết nối vô số những chi tiết chất liệu để Phùng Quán không sa đà vào kể lể mà làm thăng hoa, khơi dậy một mạch nguồn cảm xúc của văn chương. Mà hình như thứ men ấy người ta vẫn gọi là khiếu viết? Cứ thế, lúc thì báo cáo kết quả phỏng vấn với cán bộ phụ trách (cho phải phép?) khi thì không mà lặng lẽ suy ngẫm theo lối độc lập… Đêm về Phùng Quán chong đèn hoa kỳ cặm cụi, kỳ cạch những viết với gạch xóa…

Bừng sáng, Phùng Quán giật mình nghe âm thanh rọ rạy… Thoáng qua màn, thấy cô bé chủ nhà anh trọ vẻ tần ngần rụt rè khe khẽ tở ra những tờ giấy mà anh bộ đội đêm qua không biết viết những gì trong đó mà nhiều trang lại xóa rồi vo viên thảy vô xó nhà thế này? Cô bé giật mình khi nghe chất giọng miền trong quen thuộc kèm tiếng cười vui vẻ của anh bộ đội em đem mà nhóm bếp đi… Răng lại đốt đi, anh viết hay đó chớ… Rứa em đọc rồi à? Hai bữa nay em đọc rồi. Anh đang viết về chuyện của các anh tù binh vượt bể mà họ đã kể cho anh đúng không?… Cứ thế, những mẩu đối thoại cụt lủn nhưng vui vẻ. Phùng Quán hơi ngạc nhiên về cô bé chủ nhà mới 16 tuổi có cái tên ngồ ngộ là Nhủ này… Nhủ tiếng địa phương Sầm Sơn xứ Thanh na ná như là rủ, bảo vậy! Nhủ lanh lẹ. Thông minh. Chữ viết chưa thể nói là đẹp nhưng rõ ràng, dễ coi…

Nhủ đã lớn vổng. Nhổng hơn cái tuổi mười sáu chanh cốm. Tóc xõa ngang vai. Hai má lúc nào cũng hồng dậy. Ngay buổi đầu đến, Phùng Quán đã biết Nhủ là đội trưởng Thiếu nữ chim hòa bình Hải Thôn. Em Nhủ đang học lớp sáu. Mỗi khi có đợt tù binh nào trao trả thì Đội chim hòa bình do Nhủ phụ trách tổ chức múa hát để chào mừng.

Phùng Quán đánh vật với những trang bản thảo không dễ dàng. Bóng tối bao phủ muỗi bu đầy. Trong quầng sáng ngọn đèn dầu, không ngó ra nhưng anh vẫn thoáng thấy ánh mắt bồ câu tròn xoe của cô bé chủ nhà hướng về phía mình…Chàng trai Phùng Quán khi đó tròn 20 không thể không chớm thoáng những bồn chồn xao động?

Một bữa, Phùng Quán giật mình khi Nhủ nhỏ nhẹ Chữ anh viết to phí giấy… Em cứ theo bản anh viết chép lại cho anh nhá?

Phùng Quán đã nhanh chóng tìm thấy niềm vui và nguồn cảm hứng trong công việc viết lách khổ sai là theo gợi ý của cô bé Nhủ, cô chép lại bản thảo cho anh.

Một tháng rưỡi vùn vụt đi…

Một hôm, thoáng qua Phùng Quán là cặp mắt bồ câu vốn trong veo bỗng sưng húp. Rồi anh cũng dần dà hiểu ra cơ sự. Bố mẹ Nhủ nhất mực gả Nhủ cho một đám xóm trên. Chồng tương lai Nhủ là một chàng trai biển nhà giàu. Nhưng Nhủ không ưng.

Ngọn đèn dầu không cháy sáng như mọi đêm mà thình lình phụt tắt. Trong tay Phùng Quán không chỉ có tập bản thảo Nhủ chép hộ (Vượt Côn Đảo đoạt Giải Ba Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam - 1954-1955) mà cả thân hình nóng rực của Nhủ…

Mặc dầu chỉ là cái hôn vội, vụng trộm nhưng cả đêm ấy Phùng Quán trằn trọc. Rồi anh vụt ra ngồi ngoài biển.

Quan hệ bất chính với con gái nơi đóng quân. Hậu họa kỷ luật không sớm thì muộn sẽ úp chụp lên cuộc đời anh bộ đội trẻ.

Phùng Quán đã quyết. Phải dứt thôi. Dù đau đớn. Tổ phóng viên đã thu xếp cho Phùng Quán một công việc mới. Tinh mơ, anh khoác ba lô trở lại đơn vị. Đang lóc cóc cuốc bộ cách Sầm Sơn khoàng dăm cây số bên hàng phi lao rậm rì, cô bé Nhủ bất ngờ òa ra, ôm lấy Phùng Quán mà khóc…

Em dứt khoát trả lễ rồi anh ạ. Em yêu anh mà anh không biết à?

Dùng dằng... Lời nối lời. Rồi cung bậc dứt khoát cũng át đi những thủ thỉ…

Vĩ thanh

Mấy năm có nhiều dịp ngồi rượu với thi sĩ Phùng Quán nhưng tôi chưa bao giờ nghe ông kể về kỷ niệm sâu nặng này ở Sầm Sơn?

Khi ông mất được vài năm thì chuyện này mới phát lộ! Bà Bội Trâm, vợ thi sĩ Phùng Quán đã tìm thấy những trang bản thảo của thi sĩ và đưa vào cuốn Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?

Viết đến đây, chợt nhớ câu thơ (vô tình thôi) của Hữu Thỉnh có thể Sầm Sơn anh còn trở lại/ Nhưng mây kia đã cổ tích xa vời. Nhưng như một thứ cổ tích có hậu, bà Bội Trâm đã nhờ người tìm bằng được cô bé Nhủ ngày xưa ấy… Cô bé Nhủ có tên khác là Như. Bà vẫn ở Sầm Sơn. Hai người đàn bà ấy đã gặp được nhau. Tất nhiên trong nước mắt. Bà Như thân thiết ra Hà Nội thăm hỏi mấy lần cho đến khi bà Bội Trâm mất.

Ân hận xen day dứt vì người viết bài này chưa có dịp gặp bà Như. Hiện không rõ bà có còn ở Quảng Tiến hay Quảng Tường? Thi sĩ Phùng Quán lẫn phần vĩ thanh của bà Bội Trâm không thấy nói cụ thể?
MỚI - NÓNG