Chuyện về Đền thờ Bác ở Bạc Liêu

Chú Bảy Khoa trước ngôi đền được tôn tạo, gìn giữ cẩn. trọng Ảnh: Trọng Duy
Chú Bảy Khoa trước ngôi đền được tôn tạo, gìn giữ cẩn. trọng Ảnh: Trọng Duy
TP - Một ngôi đền ra đời trong khói lửa chiến tranh, được bảo vệ bằng tình yêu và máu của nhân dân, nay tiếp tục được chăm sóc bởi những người đã dựng lên và cháu con của họ.

Đến thăm Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), được các cán bộ ở đây đón tiếp và nghe một cô gái nhỏ nhắn giới thiệu lịch sử ngôi đền, tôi có cảm giác đặc biệt: vẫn là cái không khí trang trọng pha chất cảm động như ở nhiều địa chỉ thờ phụng hoặc lưu niệm về Bác, nhưng ở đây có cái gì đó khác thường, có lẽ là chất giản dị, chân thành và sâu lắng ít thấy. Chia sẻ với đồng nghiệp đi cùng, anh cũng thấy như vậy.

Bí mật nhanh chóng được giải tỏa. Ngôi đền gốc, rất đơn sơ, giản dị bằng các vật liệu như sắt, gạch, vôi được Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương dựng lên trong chiến tranh và đã được giữ bằng tinh thần bất khuất, bằng tình yêu và cả bằng máu. Khưu Ngọc Nữ - cô gái gốc Hoa thuyết minh cho chúng tôi nghe lịch sử ngôi đền có bác ruột Khưu Minh Chól là thành viên ban chỉ đạo của Đảng bộ địa phương dựng ngôi đền xưa. Ông nội của cô – Khưu Minh Khuôl là người vẽ mẫu và trực tiếp chỉ huy việc xây dựng. Còn bố cô – ông Khưu Minh Nghól là một trong những người thợ đã dựng nên ngôi đền đó. Và họ cũng là những người đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ ngôi đền. Chưa hết, người đàn ông dáng nhỏ nhắn, lam lũ cứ lặng lẽ đi bên cạnh chúng tôi, chú Bảy Khoa (Nguyễn Văn Khoa), thương binh 2/4, là chiến sĩ trong đội du kích đã chiến đấu nhiều trận bảo vệ Đền trong chiến tranh, nay làm nhân viên bảo vệ của khu di tích.

Chất khác lạ chúng tôi cảm nhận đến từ chiều sâu từ cuộc đời và những mối quan hệ sâu xa của những con người

như thế.

Năm 1969, sau khi Bác mất, Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi và xã Châu Thới đã lập bàn thờ Bác trong nhà ông Trần Văn Tới ở ấp Bà Chăng. Năm 1971, địch phát hiện đốt trụi nhà ông Tới. Đảng bộ huyện chỉ đạo dựng ngôi đền thờ Bác. Bộ đội huyện đã đánh một đồn địch để lấy sắt làm. Địch điều quân càn quét, dỡ lấy sắt bắt nhân dân chở về. Trên đường đi, chị em phụ nữ đã lợi dụng địch sơ hở cất giấu số sắt này, đưa về để dựng lại Đền. Đền khánh thành đúng kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1972. Lực lượng bảo vệ Đền được tổ chức và từ đó địch không bao giờ chiếm được Đền nữa mặc dù đã cố gắng nhiều lần.

Chuyện về Đền thờ Bác ở Bạc Liêu ảnh 1

Khưu Ngọc Nữ trước ảnh những người chủ chốt trong việc xây dựng và bảo vệ Đền trong chiến tranh, trong đó có ông nội, bác ruột và bố của cô. Ảnh: LXS

Có những câu chuyện cảm động về những gương anh dũng quyết giữ nơi thờ Bác vẫn được truyền tụng. Như câu chuyện về 4 chiến sĩ dùng súng bộ binh vừa bắn vào máy bay địch vừa chạy ra đồng trống đánh lạc hướng để địch không ném bom vào Đền. Hay câu chuyện hàng trăm người dân địa phương trước họng súng của tên thiếu tá Mã Thành Nghĩa, chỉ huy trưởng Tiểu khu 411 và đám lính của hắn đã nhất loạt và kiên quyết thà chết nhưng từ chối vào phá Đền, viện cớ Đền được cài mìn dày đặc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Đền suốt mấy năm trời, du kích xã Châu Thới và đội bảo vệ Đền đã diệt và bắn bị thương hàng trăm tên địch.

Đền thờ Bác ở xã Châu Thới là báu vật của Bạc Liêu, của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Năm 1998, Đền được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Dự án trùng tu, tôn tạo khu di tích Đền thờ Bác tại xã Vĩnh Lợi được thực hiện xong với diện tích lên đến 45.000m2 vuông, với nhà trưng bày lớn có nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, về lịch sử hình thành và bảo vệ Đền. Ngôi đền được bảo tồn và xây dựng mái che bên trên.

Những ngôi Đền thờ Bác vững bền trong khói lửa

Ở miền Nam có nhiều Đền thờ Bác ra đời trong khói lửa như vậy. Chỉ riêng ở miền Tây Nam Bộ, ngoài ngôi đền trên, có thể kể ra hàng chục ngôi đền khác ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang,Trà Vinh... Có tỉnh có đến ba đền thờ Bác. Cách đây 20 năm, tôi đã được thăm một ngôi đền Bác rất đặc biệt làm bằng tôn,cây và lá ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã (nay là thành phố) Trà Vinh. Ngôi đền được dựng xong năm 1971, chỉ cách đồn địch có vài trăm mét. Đền bị địch đốt cháy nhiều lần, lần cuối là ngày 9/4/1975. Một ngày trước giải phóng, 29/4/1975, Đền lại bị bom đạn làm hư hỏng. Sau mỗi lần như thế, nhân dân lại khôi phục lại Đền để thờ Bác.

MỚI - NÓNG