Chuyện về người đàn ông hơn 40 lần hiến máu

Chuyện về người đàn ông hơn 40 lần hiến máu
TP - Tự mình tìm đến trung tâm hiến máu nhân đạo để xin được hiến máu. Ông còn vận động cả con cái và người thân trong nhà đi hiến máu, rồi “lôi kéo” cả đồng nghiệp đi cho máu cứu người.
Chuyện về người đàn ông hơn 40 lần hiến máu ảnh 1
Anh Bùi Công Minh đang tham gia hiến máu tại trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM

Trong căn phòng ấm cúng của một ngày cuối tuần, anh Bùi Công Minh, 54 tuổi ở phường Cầu Kho, Q.1 TP.HCM - người có dòng máu rất hiếm: Máu  Rh- - ngồi tâm sự với tôi.

Hơn 40 lần tự mình tình nguyện đi cho máu, cứu sống hơn 20 bệnh nhân nhưng với anh cái quan trọng là “còn máu thì mình vẫn còn hiến, phải cứu người. Cuộc đời đang cần chúng ta”.

Thực ra anh cũng không còn nhớ rõ mình đã tình nguyện làm công việc này chính xác từ khi nào. Anh chỉ nhớ một điều: Hễ ai cần, hễ thấy mình cần phải cho máu là anh đi hiến máu, vậy thôi.

Anh kể: “Nhiều người cứ thắc mắc tại sao tôi lại hiến máu nhiều và tích cực như vậy. Có phải tôi hoặc người thân của tôi đã từng được cứu sống nhờ người khác cho máu hay tôi bán máu để kiếm tiền?”.

Nhưng thực ra họ đã nghĩ sai. Năm 1982, khi anh là bộ đội tình nguyện làm nhiệm vụ ở Campuchia, anh đã từng chứng kiến rất nhiều đồng đội bị thương hy sinh do mất quá nhiều máu.

Điều đó cho đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh anh. Anh nói khi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má: “Tôi rất đau đớn khi chứng kiến nhiều đồng đội bị thương nhưng không thể nào cứu họ được. Và từ đó cho tới tận bây giờ, tôi chỉ nghĩ làm sao cho được nhiều máu để cứu được nhiều người”.

Nghĩ vậy nên dù bộn bề công việc, đi lại cho máu gặp rất nhiều khó khăn anh cũng chẳng nản lòng. Hiện anh Minh đang công tác tại Phân xưởng 218 thuộc Cty Xi măng Hà Tiên 1 ở Bình Dương.

Mỗi lần cho máu anh phải đi xe ôm ra bến xe buýt về chợ Bến Thành, đi xe ôm đến nơi cần cho máu, sau đó lại bắt xe ôm về nơi làm việc. Vừa vất vả, khổ cực vừa tốn cả tiền bạc mỗi khi cho máu nhưng đã hơn 40 lần cho máu, anh Minh không hề nhận một đồng tiền bồi dưỡng nào.

Cũng giống bố, 2 người con trai của anh Minh cũng thích hiến máu nhân đạo. Người con trai lớn là Bùi Minh Huy, năm nay 29 tuổi, cũng đã 35 lần cho máu cứu người. Cậu con trai nhỏ Bùi Minh Hoàng, 19 tuổi cũng đã 6 lần tình nguyện cho máu.

Đó là chưa kể anh đã vận động chị gái và cháu của mình với hơn 30 lần hiến máu. Vận động gia đình chưa đủ. Anh còn “lôi kéo” cả nhiều người cùng Cty đi hiến máu và cho đến bây giờ  đã có hơn 100 đồng nghiệp của anh mỗi năm cứ đều đặn 2 lần đi hiến máu nhân đạo.

Nửa đêm đi... hiến máu

Chuyện về người đàn ông hơn 40 lần hiến máu ảnh 2

Vừa mới bưng chén cơm tối, cả nhà đang quây quần, bỗng điện thoại reo vang, đầu dây bên kia giọng của một người phụ nữ, thảng thốt, khẩn thiết:

“Anh ơi! Có một cháu bé sơ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ có nhóm máu Rh-, đang thiếu máu trầm trọng khó có thể sống qua đêm nay, nhờ anh giúp cho”.

Anh buông chén cơm ăn dở, lao đi như một con sóc tới bệnh viện. Đó là lần cho máu đầy ý nghĩa của anh, bởi trước đó 10 ngày anh mới vừa tình nguyện hiến máu cứu sống một bệnh nhân nguy kịch đang cấp cứu tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

“Ở Việt Nam cứ 10.000 người mới có 1 đến 2 người có dòng máu hiếm Rh-, tại TP.HCM con số đó càng khiêm tốn hơn nhưng đây là nơi rất cần dòng máu hiếm.

Anh Minh đã mang lại sự sống cho 20 bệnh nhân. Đã làm nên những câu chuyện mà không dễ ai cũng dám làm. Và hy vọng anh sẽ còn mang đến những điều hy vọng cho mọi người”

Bác sĩ Bùi Văn Thêm - Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM

Dẫu vậy, anh vẫn đi, vẫn hiến máu cứu sinh linh bé bỏng. Anh kể lại: “Sau khi cho xong, tôi lẳng lặng ra về không để lại danh tánh và yêu cầu nhân viên bệnh viện không nên tiết lộ làm gì”.

Thế nhưng một tuần sau thì anh nhận được điện thoại của bố cháu Nguyễn Thị Nhàng, vừa được cứu sống bằng những giọt máu của anh, cám ơn anh là “người thứ 2 đã sinh ra cháu bé”.

Anh Minh đã hiến máu hơn 40 lần, cứu sống trên 20 bệnh nhân. Thế nhưng theo anh “một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”, việc cứu người phải cần thêm nhiều và thật nhiều người khác nữa.

Anh kể, cách đây một năm có một đồng nghiệp của mình phải cấp cứu, cần máu Rh-, gọi anh vào lúc nửa đêm.Anh không nề hà gì, một mình vẫn băng đi trong bóng đêm. Đ

ến nơi, sau khi cho máu, anh sợ thiếu lại vận động thêm nhiều người thân khác nửa đêm đi cho máu.

Anh nói: “Họ bảo mỗi lần cho máu phải cách nhau từ 3- 4 tháng, nhưng khi có người cần gấp chẳng lẽ mình làm lại ngơ. Tôi không bao giờ đắn đo trước việc cứu người”.

MỚI - NÓNG