Chuyện về người liệt sỹ hy sinh cùng lúc với Hoàng Văn Thụ

Chuyện về người liệt sỹ hy sinh cùng lúc với Hoàng Văn Thụ
TP - Nhiều chục năm, liệt sĩ Lê Văn Chà không được công nhận, cũng vì ông đã… tuyệt đối không cung khai trước kẻ thù
Chuyện về người liệt sỹ hy sinh cùng lúc với Hoàng Văn Thụ ảnh 1
Mộ liệt sĩ Lê Văn Chà tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi - Hà Nội

Hàng năm cứ vào 24 tháng 5, Tỉnh ủy Lạng Sơn cùng gia đình anh Hoàng Văn Thụ, nguyên ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bí thư xứ ủy Bắc Kỳ lại tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm ngày anh hiên ngang hy sinh trước mũi súng của thực dân Pháp.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND quận Hai Bà Trưng Hà Nội cũng tổ chức lễ truy điệu trước đài kỷ niệm Hoàng Văn Thụ tại phường Tương Mai, nơi 60 năm trước, thực dân Pháp đã đưa anh Thụ tới đây thi hành án tử hình.

Không mấy người biết - cùng hy sinh với Hoàng Văn Thụ trong buổi sáng ngày hôm ấy còn có  Lê Văn Chà. Anh Chà cũng bị kết tội chết. Lính Pháp dẫn hai anh từ xà lim tử hình trong nhà tù Hỏa Lò ra trường bắn Tương Mai, đặt đứng bên cạnh nhau, sát hại cùng một lúc. Nhiều năm liệt sĩ, Lê Văn Chà không được công nhận, bị đồn là "cướp"

Một người tên là Nhiễu, năm đó là lý trưởng, kể lại rằng khi được giao đưa xác tử tù đi chôn (1), ông Nhiễu nhìn mặt người chết đã sửng sốt kêu lên:

- Cậu Chà! Đúng ông Chà người làng mình!

Một trong những người tuần đinh làng Tương Mai cũng nhận ra và sau này nói với một người cháu của Lê Văn Chà:

- Chính tôi hôm ấy kéo xác bác cậu đưa đi chôn. Khi ấy người ta bảo đây là "cướp", tuy không tin nhưng cũng không ai dám kể lại.

Còn gia đình Lê Văn Chà thì bao nhiêu năm âm thầm mang tiếng trong nhà có một người đi ăn cướp, bị xử tử. Hai con ông Chà, là Lê Văn Kiểm, thợ điện, và Lê Thị Nhu, nhân viên kế toán, cho đến khi về hưu vẫn chịu tiếng oan.

Năm 1944, Nhu mới 4 tuổi. Lớn lên, chị muốn biết về cuộc đời cha mình mà không biết bằng cách nào. Các ông chú, bác của Lê Văn Chà cũng nói nhất quyết gia tộc mình không có ai là người xấu, còn cho biết Chà là người có chí, ham học, giỏi tiếng Pháp, đi làm pha chế thuốc ở Pharmacie Vũ Đỗ Thìn tại Bờ Hồ.

Nhiều lần Chà đi làm về muộn, bị cha mắng, có ý trách anh mải chơi bời. Anh chỉ cười mà không nói gì. Đến khi một người làng là Hàn Toại kể rằng nhân một buổi xuống thăm ngôi chùa ở huyện Thường Tín, thấy nhà sư gọi chú tiểu ra rót nước, giật mình thấy người đứng trước mặt áo nâu, đầu cạo nhẵn chính là Lê Văn Chà. Chà được ông nội xuống tận nơi xin về và từ đấy anh lại đi làm, chăm chỉ, hiền lành.

Cách mạng tháng Tám thành công, tin tức về Lê Văn Chà vẫn không có gì thêm.  Ngay cả Lê Văn Thủy là em trai ông Chà, cán bộ tiền khởi nghĩa, có ảnh chụp rất rõ đứng dưới cột cờ trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn độc lập  ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình cũng không tìm được manh mối mặc dù biết rõ anh mình không phải "cướp" mà là người hoạt động trung thành với cách mạng.

Bao nhiêu năm gia đình tìm kiếm khó khăn có lẽ một phần vì khi bị bắt, dù bị tra tấn đủ mọi cực hình dã man nhưng Lê Văn Chà kiên quyết không khai báo điều gì. Ông không nói rõ gia đình, quê quán để tránh mọi phiền lụy cho người thân. Ông giữ kín những bí mật trong quá trình hoạt động cả đến lúc biết chắc mình đang trên đường bị dẫn ra trường bắn. Mật thám Pháp cũng phải bó tay.

Chính vì thế trong bản phụ lục Báo cáo hàng ngày số 4221.S/S của Sở Liêm phóng Bắc Kỳ ngày 24/5/1944 về vụ xử bắn Hoàng Văn Thụ, ở đoạn cuối có ghi thêm "Cùng bị bắn với Hoàng Văn Thụ còn một nhân vật tên là Lê Văn Cha (nguyên bản không có dấu) đến nay chúng ta chưa rõ lai lịch".

Khi được đọc mẩu tin này in trên tạp chí Xưa & Nay số tháng 1 năm 1994, trong bài báo Những giây phút cuối cùng của một người cộng sản kể về anh Hoàng Văn Thụ, bà Nhu mừng rỡ tìm ngay đến tác giả, ông Triều Hiên, làm ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Hành trình giải oan cho người cha dần sáng tỏ. Bà Nhu đã tìm được đến ông Vũ Minh Chí tức Trị người hoạt động cùng thời với cha mình.

Chuyện về người liệt sỹ hy sinh cùng lúc với Hoàng Văn Thụ ảnh 2
Bà Lê Thị Nhu tức Liên con gái liệt sĩ Lê Văn Chà

Ông Chí đã viết giấy chứng nhận sau đây: "Thời gian 1939, tôi làm giao liên ở tòa soạn báo Le Travail (Lao động) của Đảng tại Hà Nội, ông Lê Văn Chà là người làm thuốc của hiệu dược phẩm Vũ Đỗ Thìn ở Bờ Hồ (Hoàn Kiếm).

Ông thạo tiếng Pháp, bán thuốc, pha chế thuốc, thường đến làm việc ở tòa báo Le Travail gặp gỡ trao đổi công việc với các cán bộ Đảng ở tòa báo như  các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp…

Ông Chà ngoài công việc ở tòa báo có tham gia giao liên, quyên tiền mua sắm vũ khí cho cách mạng, đi tuyên truyền ủng hộ Khởi nghĩa Nam Kỳ, Đô Lương, Bắc Sơn…

Năm 1941 ông Chà bị bắt. Ông bị bắt trong khi làm nhiệm vụ ở phố Thuốc Bắc, trong người có súng lục (gia chủ phản bội, ngầm báo mật thám ập đến bắt khi đang quyên tiền họ)".

Vậy là mọi điều sáng tỏ. Ngày 14 tháng 12 năm 1998, Thành ủy Hà Nội đã làm giấy chứng nhận đề nghị công nhận liệt sĩ, ghi rõ: "Đồng chí Lê Văn Chà, nguyên quán xóm Đông, thôn Tương Mai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã hy sinh ngày 24/5/1944 tại trường bắn Tương Mai, trong trường hợp bị bắn cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ".

Tháng 3/1999, gia đình nhận được bằng Tổ quốc ghi công, Quyết định số 348/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký. Vừa đúng 55 năm chịu đựng âm thầm, oan ức.

Và mới đây, năm 2008, gia đình bà Nhu, nhân dịp thành phố đào móng dựng tượng Hoàng Văn Thụ, đã bốc cốt liệt sĩ Lê Văn Chà, đưa vào nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi phía nam thủ đô Hà Nội.

Điều người viết bài này muốn đề cập là đã mười năm, kể từ ngày được truy tặng danh hiệu liệt sĩ, trong các bài báo, buổi lễ tôn vinh tấm gương Hoàng Văn Thụ, thì liệt sĩ Lê Văn Chà vẫn chưa hề được nhắc tới. Và cho đến nay, trên bảng vàng ghi danh các chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò vẫn chưa có tên Lê Văn Chà.

Sắp tới rồi, ngày hai liệt sĩ Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Chà hy sinh, 24 tháng 5; Sắp tới rồi, ngày 27-7 chăm sóc thương binh, bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ và tiếp nữa, ngày 4/11/2009 là Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đừng để câu chuyện về liệt sĩ Chà rơi vào quên lãng.

Tháng 3 năm 2009

--------------------------

1) Xác anh Hoàng Văn Thụ được bí mật đưa đi chôn ở nơi khác (xem Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò, trang 62-68, NXB Văn hóa Dân tộc, 2006).

MỚI - NÓNG