Chuyện về người viết "Những việc cần làm ngay"

Chuyện về người viết "Những việc cần làm ngay"
Trong những ngày này, mọi người dân và đảng viên đều nhớ đến đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986-1991).
Chuyện về người viết "Những việc cần làm ngay" ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên theo dõi báo chí. Ảnh: Lao Động

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chuẩn bị khai mạc, đánh dấu một trang sử mới của Đảng và đất nước. Hơn bao giờ hết, tinh thần đổi mới cần được đẩy mạnh hơn nữa sau 20 năm đổi mới thành công, song cũng còn bộn bề những vấn đề khó khăn cản trở bước đường đi lên của đất nước.

Trong những ngày này, mọi người dân và đảng viên đều nhớ đến một người đảng viên cộng sản hết lòng hết sức với vận mệnh của Đảng và đất nước. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Đảng nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986-1991) - người được coi là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới. Đến 27.4 này, đồng chí đã chia tay chúng ta tròn 8 năm.

Người nói và làm

Để kỷ niệm giỗ đầu một năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, năm 1999, NXB Trẻ biên soạn cuốn sách "Nguyễn Văn Linh hành trình cùng lịch sử" và chúng tôi may mắn được tham gia phỏng vấn một số nhân vật đã cùng hoạt động với đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Nói theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (nhóm chủ biên) thì cuốn sách này mang tính chất bày tỏ tấm lòng chứ chưa phải là một công trình nghiên cứu.

Song qua đó, cuốn sách cũng đã nêu bật lên chân dung một trong những người cộng sản chân chính mà tên tuổi gắn bó với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mỗi đảng viên đều nhớ mãi vì đức tính liêm khiết cương trực thẳng thắn của ông.

Một người đảng viên cộng sản để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc với bút danh N.V.L (nói và làm) thay đổi được tư duy trì trệ của một nếp nghĩ cách làm. Và sự khảng khái không tham quyền chức, coi trọng sự kế thừa cũng là một tấm gương sáng cho đến bây giờ vẫn được mọi người nhắc đến.

Nhà báo Kim Hạnh đã kể lại trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ: Năm 1982, có hai nhà báo đến tìm gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh tại nhà riêng, cớ là đi phỏng vấn, nhưng thực lòng là muốn đến thăm và chia sẻ. Đây cũng là suy tư của nhiều người dân lúc đó.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đang là Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh, đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, một sự kiện ít thấy trong Đảng ta.

Thế nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, các nhà báo chỉ thấy: "Một nét cười nhẹ nhàng, thanh thản và tự tin". Người cộng sản đó luôn day dứt trước thực tế khó khăn của đất nước và dám nói thẳng về việc phải đổi mới. Và đó là người đã nói một câu nổi tiếng: "Phải tự cứu mình trước khi trời cứu!".

Sự kiện Đà Lạt

Chuyện về người viết "Những việc cần làm ngay" ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Văn Linh về thăm địa đạo Củ Chi năm 1990. Ảnh: Lao Động

Một trong những sự việc mà mọi người lúc ấy không phải ai cũng biết, nhưng có mối liên quan mật thiết đến công cuộc đổi mới sau này của Đảng. Đó là cuộc họp tại Đà Lạt mà nhiều người quen gọi là "sự kiện Đà Lạt".

Đại tá, bác sĩ Lê Hồng Quang đặc trách chăm sóc sức khoẻ đồng chí Nguyễn Văn Linh, kể lại: Chiều 11/7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh dặn chuẩn bị xe và đưa danh sách đoàn và nói đi họp ở Đà Lạt khoảng 10 ngày.

Thì ra đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xin phép tổ chức một cuộc họp để các giám đốc một số Cty, xí nghiệp quan trọng đến Đà Lạt gặp ba đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Đó là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công.

Các giám đốc đã báo cáo tình hình thực tế trong sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn và các cách tháo gỡ mà TPHCM và một số địa phương khác đã táo bạo tìm hướng đi mới (lúc đó bị coi là "không giống ai").

Sau "sự kiện Đà Lạt" này, tác phẩm "TP.Hồ Chí Minh 10 năm" của đồng chí Nguyễn Văn Linh ra đời, cung cấp thêm thực tế và lý luận, góp phần vào những quyết định đổi mới đất nước của Đại hội VI của Đảng.

Như chúng ta đều biết, đến năm 1986, tại Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương Đảng tín nhiệm cao, bầu làm Tổng Bí thư và đồng chí đã góp phần rất lớn trong việc lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.

Năm 1987, trên báo Nhân Dân xuất hiện loạt bài dưới đầu đề "Những việc cần làm ngay" ký bút danh N.V.L được dư luận chú ý và bạn đọc hưởng ứng.

Nhà báo Hữu Thọ (TBT Báo Nhân Dân - Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng lúc đó) đã kể lại: "Chiều chủ nhật, 24/5/1987, đồng chí thường trực đưa đến Ban biên tập một phong thư, nói là của "một người đứng tuổi" nhờ đưa ngay cho Tổng Biên tập. Trong phong bì có một bức thư và một bài báo, cả hai đều viết tay. Sau này, chúng tôi mới biết chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đến Toà soạn Báo Nhân Dân đưa bài báo ấy.

Ngay sáng hôm sau, trên báo Nhân Dân xuất hiện bài báo có tựa đề in đậm: "Những việc cần làm ngay" và lập tức trở thành một chuyên mục được bạn đọc yêu thích.

Mọi người phỏng đoán bút danh N.V.L là viết tắt ba chữ Nguyễn Văn Linh, nhưng sau này đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích đó là ba chữ viết tắt của cụm từ "Nói và làm". Hàng ngày, toà soạn nhận được hàng trăm bức thư hưởng ứng. Nhiều tỉnh, thành tổ chức hưởng ứng tinh thần N.V.L.

Thế nhưng mấy năm sau, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xin nghỉ. Nhà báo Xuân Cang - Tổng Biên tập Báo Lao Động - lúc đó đã tường thuật lại lời bộc bạch của đồng chí: "Tôi làm cách mạng từ năm 15 tuổi, nay đã 76 rồi, sức khoẻ yếu, tôi xin rút. Nếu được tín nhiệm thì tôi sẽ tham gia vào hội đồng cố vấn, nhưng nếu hội đồng cố vấn lại thành Bộ Chính trị cũ chồng lên Bộ Chính trị mới thì tôi sẽ xin không tham gia...".

Nói về sự việc này, nhà báo Thép Mới đã viết trên báo Nhân Dân: "Đó là cử chỉ cao đẹp tạo cái trớn không thể đảo ngược để khắc phục dần tư tưởng cũ. Thói thường quen nghề lãnh đạo, mấy ai dễ dàng rời bỏ chức vụ cao".

Bà Đỗ Duy Liên - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã nói về tâm trạng của những người cộng sự nhỏ tuổi của đồng chí thời đó như sau: "Khi hết nhiệm kỳ, anh đã có một quyết định tuyệt đẹp, khiến chúng tôi tự hào về anh".

Một con người mẫu mực

Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đã từng làm Chủ tịch Tổng Công đoàn một thời gian. Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Linh mất, hai phóng viên Báo Lao Động là Huỳnh Dũng Nhân và Nguyễn Hữu Tính đến phỏng vấn đồng chí Phạm Thế Duyệt - lúc đó là Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt kể: Là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, anh Linh luôn yêu cầu cán bộ công đoàn phải sâu sát cơ sở, không được xa rời công nhân. Chính anh trực tiếp chỉ đạo cho tất cả cán bộ Tổng Công đoàn phải đi xuống thực tế ở cơ sở.

Bản thân anh khi đến với Dệt Nam Định cũng chú ý từng mẫu vải; đến với Phan Thiết, anh xem xét chất lượng từng chai nước mắm. Anh đặc biệt chú ý đến việc phát triển công đoàn trong lĩnh vực ngoài quốc doanh.

Sau mỗi việc, anh đều yêu cầu phải có tổng kết rút kinh nghiệm, không bỏ qua việc gì. Làm việc chung với anh Linh, tôi kính trọng tính cách kiên định, quyết đoán nhưng biết lắng nghe, thấy đúng thì làm, không sợ sức ép dư luận và biết phát huy trí tuệ tập thể, nhất là phong cách giản dị, ghét hình thức, luôn chú ý bồi dưỡng đội ngũ kế thừa, những cán bộ trẻ có năng lực...".

Nhiều cán bộ làm việc cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh, cũng thường nhắc đến những mẩu chuyện nói lên đức tính liêm khiết, tấm lòng nhân hậu, giản dị và gần gũi với mọi người của đồng chí Nguyễn Văn Linh: Đồng chí là người đã đề ra phương án mua vé một khoang trong chuyến bay để đi công tác chứ không dùng cả chuyến máy bay chuyên cơ rất lãng phí.

Đi công tác bằng xe ôtô, đồng chí cũng yêu cầu không tổ chức long trọng, tiền hô hậu ủng và tổ chức bảo vệ hợp lý, khéo léo để khỏi ảnh hưởng đến người dân...

Ngày 27/4/1998, đồng chí Nguyễn Văn Linh từ trần ở tuổi 83, trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng và nhân dân, khi vừa nhận được huy hiệu 60 năm tuổi Đảng được ba tháng.

Đồng chí mất khi gia đình đang có ý định chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới theo gợi ý của những người con. Những hạnh phúc thường chưa thể trọn vẹn với cuộc sống riêng của đồng chí.

Quãng đời hơn 60 năm hoạt động cho Đảng, cho dân, 10 lần bị địch cầm tù, hàng chục năm hoạt động xa gia đình, vợ con... mấy lần vào đến những chức vụ cao nhất của Đảng, nhưng có những lần tự rời vị trí để cho những người xứng đáng hơn điều hành công việc...

Một người đảng viên được người dân cũng như các đảng viên kính trọng tin tưởng đặt tên là "Ông đổi mới" cho đến nay vẫn chiếm trọn lòng tin yêu của mọi người.

Hiện nay, tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được đặt cho đại lộ lớn nhất đi qua nam Sài Gòn, một khu đô thị hiện đại nhất của TP.Hồ Chí Minh sau 30 năm giải phóng và sau 20 năm đổi mới...

Nói như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, đất nước tự hào vì có một công dân như thế, một đảng viên như thế. 

Theo Huỳnh Dũng Nhân
Báo Lao Động

MỚI - NÓNG