Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn

Từ trái sang: Võ Hồng Nam, Đại tá Trần Tuấn Quảng, Chu Thành, Hạ Chí Nhân Ảnh: Xuân Ba
Từ trái sang: Võ Hồng Nam, Đại tá Trần Tuấn Quảng, Chu Thành, Hạ Chí Nhân Ảnh: Xuân Ba
TP - May mắn dịp kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn lại gập ghềnh một chuyến xe lên chiến khu xưa.  Trên xe là gần gụi những cự ly thương mến. Họ là con trai, con gái của các yếu nhân 80 năm trước từng trực tiếp can dự vào vận hội mới, một thử thách cam go của đất nước: Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Có một bộ phim về  Hùm xám Bắc Sơn

Bên tôi là Thương nhân Võ Hoài Nam (sinh 1956) con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Tuấn Quảng (sinh 1954) nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Cục Tác chiến điện tử Bộ Quốc Phòng, con trai đồng chí Trần Đăng Ninh Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương cử về Bắc Sơn lãnh đạo phong trào cách mạng. Chu Thành sinh năm 1947, thương gia, con trai Thượng tướng Chu Văn Tấn chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940. Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt một trong những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng Bắc Sơn.

Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn ảnh 1 Bà Hạ Chí Nhân may mắn được Bác Hồ bế và đặt tên

Ông Chu Thành, từng nhiều năm công tác ở Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, người hàng xóm bao năm (nhà tướng Chu Văn Tấn hồi ấy đối diện với tòa soạn báo Tiền Phong) vẫn nguyên vẹn tính xởi lởi mau mắn… Nhớ lần thượng sơn Bắc Sơn 6 năm trước, ông dẫn chúng tôi qua thăm căn nhà cũ của cha mình ở Phú Thượng Võ Nhai (Thái Nguyên). Lại được dịp ngắm ngó thêm những hình ảnh trưng trên tường toát yếu một quãng đời liệt oanh của Thượng tướng Chu Văn Tấn cùng vật dụng đơn sơ nhưng ẩn chứa một phần của lịch sử… Bất chợt nhớ đến năm đã xa ấy, tại một phòng tranh khá nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi có dịp gặp một nữ lưu người Việt, chủ phòng tranh.

Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn ảnh 2 Nhà Thượng tướng Chu Văn Tấn ở Võ Nhai Thái Nguyên

Đó là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, từng nhận Huân chương Sao Vàng trong thời gian phục vụ ngành Quân giới trong kháng chiến chống Pháp. Bà cũng là phiên dịch phụ quay phim cho đạo diễn Joris Ivens trong chiến tranh chống Mỹ. Và cũng chính đạo diễn tài năng người Hà Lan ấy là người đã truyền cảm hứng để sau này bà trở thành nhà quay phim chiến trường. Sau này do những cống hiến đặc biệt cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Pháp, bà được chính phủ Pháp tặng phần thưởng cao quý Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.

Chúng tôi may mắn được bà chia sẻ những kỷ niệm thời gian ở Hà Nội làm việc dưới bom Mỹ với nhiều nhà báo nước ngoài. Năm 1968, đạo diễn điện ảnh Gerald Guillaume (Pháp) sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ”. Quay xong bộ phim, Gerald Guillaume muốn làm thêm một bộ phim về một lãnh đạo khác, nhưng phải “rất Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, phiên dịch viên cho đạo diễn Gerald Guillaume tại cuộc gặp này. Nghe xong Bác Hồ cười, nói luôn, vậy thì ông nên làm về chân dung con “Hùm xám Bắc Sơn” đi! Đạo diễn Gerald Guillaume ngớ người, không hiểu… Cô phiên dịch Xuân Phượng cũng chưa rõ… Ông đạo diễn hỏi lại: Thưa Cụ, “Hùm xám Bắc Sơn” là ai ạ? Bác Hồ thong thả “Đó là người gây dựng lên lực lượng vũ trang Việt Nam. Đạo diễn cứ đi, gặp và tìm hiểu sẽ biết con người này!”. Đạo diễn Gerald Guillaume đồng ý. Bác Hồ vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”.

Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn ảnh 3  

Đạo diễn Gerald Guillaume lên Thái Nguyên. Vào Bộ Tư lệnh khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó Thượng tướng đích thân đưa đoàn làm phim về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng quê hương ông, rồi đưa đoàn tới các địa danh lịch sử mà Đội du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu quốc quân từng chiến đấu. Trở về Hà Nội, đạo diễn Gerald Guillaume tâm sự với Hồ Chí Minh: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”. Rồi sau này, phim “Con hùm xám Bắc Sơn” được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện và các trường quân sự tại Pháp. Vậy là phải hàng chục năm sau, những sĩ quan Pháp mới biết được chân dung “con hùm xám” từng làm cho họ mất ăn, mất ngủ một thời!

Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn ảnh 4 Con trai Chu Thành và Võ Hồng Nam, con trai Tướng Giáp bên mộ tướng Chu Văn Tấn

Chúng tôi theo Chu Thành ra nghĩa trang gia đình ở sườn đồi ven nhà thắp hương phần mộ Hùm xám Bắc Sơn. Trong ánh chiều vàng có làn gió thu lành lạnh như thoảng bên lời người cha dặn Chu Thành lúc lâm chung Tao 74 rồi. Dạo này mệt. Lỡ có việc gì thì… nhớ đưa tao về… nằm với các bác trên quê!

Nằm với các bác trên quê! Mong ước của một cựu binh thủ lĩnh Bắc Sơn, vị tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên đã thành hiện thực?

Đêm chiến khu xưa Bắc Sơn. Tôi thoáng nhanh một mong ước. Ấy là cái ý muốn thời tiết cữ thu này se se thêm chút nữa để có một bếp lửa bập bùng. Để mà những người con của các yếu nhân Bắc Sơn xích lại và quấn túm nhau bên ngọn lửa hồng cùng ôn lại bao kỷ niệm về tiền nhân? Nhưng chỉ là ước vậy thôi. Căn phòng khách dẫu hẹp cũng đủ cho cự ly thương mến nhích thêm những sự thân gần…

Vụ án Gián điệp H122

Tôi xích lại gần với người đàn ông ít nói, có cái cười hiền… Trần Tử Quảng, con trai duy nhất của cụ Trần Đăng Ninh.

Tháng 10/1940, xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp với các đồng chí đảng viên Bắc Sơn. Sau đó Đội du kích Bắc Sơn chính thức thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng.

Từng nghe nhiều chuyện về nhà cách mạng Trần Đăng Ninh, nhất là những khúc nhôi cam go của cách mạng, ông thường được Bác Hồ tin cẩn, giao phó nhiều việc trọng. Từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ bí mật ở lại xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Được Bác tin cẩn giao việc bố trí địa điểm làm việc bí mật ở Hà Nội, Hà Đông. Từng giữ chức Trưởng ban Kiểm tra Đảng kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Tham gia chuyến đi bí mật cùng Hồ Chí Minh sang Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao… Bây giờ nghe thêm chuyện anh Trần Tử Quảng và chuyện của Chu Thành thấy dậy lên bao sự cảm phục!

Hồi mới về Hà Nội, gia đình Trần Đăng Ninh được bố trí chỗ ở là một căn biệt thự trên phố Phan Đình Phùng. Vướng phải bạo bệnh, biết mình không còn sống được bao lâu nữa, ông đã dành thời gian dặn dò vợ con rất kỹ: sau khi ông qua đời, phải trả lại toàn bộ biệt thự, xe cộ cho nhà nước. Vợ ông đã làm đúng di nguyện của ông. Bà trả lại nhà, trả lại xe rồi cùng hai con về sống trong một căn hộ tập thể nhỏ.

Khi ông mất ở tuổi 45, bà Nguyễn Thị Hồng cũng mới 35 tuổi, con gái Châu Nguyên 4 tuổi, con trai Tuấn Quảng mới được 1 tuổi. Dù vẫn còn trẻ, nhan sắc, nhưng sau ngày chồng mất, bà một mình ở vậy nuôi con, không đi bước nữa. Bà sống đến giờ phút cuối cùng trong đời với nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng đã khuất.

Đã khuya nhưng câu chuyện về vị yếu nhân Khởi nghĩa Bắc Sơn Trần Đăng Ninh vẫn được anh Chu Thành nhắc đến. Đó là chuyện Bao Công Trần Đăng Ninh. Thời điểm ấy, Trần Đăng Ninh được Bác Hồ và Trung ương giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an.

Trần Đăng Ninh chỉ học hết phổ thông và chỉ là một công nhân xưởng in trước khi tham gia cách mạng. Ông không học luật một ngày nào, cũng không phải một vị quan tòa, nhưng ông lại từng được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam!

Năm 1948, cơ quan Quân báo nhận được tin phòng Nhì Pháp đã gài một gián điệp mang bí số H122 vào cơ quan chỉ huy của ta ở Liên khu Việt Bắc.

Hôm ấy, ở một đơn vị nọ, có một anh giám mã (chuyên làm nhiệm vụ chăn, dắt ngựa) giữa trưa chạy ra sân lấy cái khăn mặt màu trắng đem vào nhà. Vừa đúng lúc ấy có máy bay địch bay qua. Một anh trong đơn vị nhìn thấy, đã vội quy ngay rằng là anh đang dùng “cờ trắng” làm ám hiệu báo cho máy bay giặc! Ngay lập tức anh chăn ngựa bị bắt. Người ta khẳng định, đó chính là gián điệp H122!

Quá nôn nóng, các cán bộ thẩm tra đã bức cung, mớm cung và cả thượng cẳng chân cẳng tay. Chú chàng giám mã đau quá đành đánh liều nhận mình là… H122. Và anh ta còn chỉ ra thêm những cán bộ khác trong đơn vị cũng là “gián điệp” của phòng Nhì Pháp cài vào.

Cứ như vậy, cán bộ này khai ra cán bộ kia, người này “chỉ điểm” người kia, dần dần vụ án mở rộng ra, trong đó có cả cán bộ cấp cao làm việc ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Nhiều người công tác ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên… cũng bị liên đới. Nhiều người dân bình thường, trong đó có những người phụ nữ bán xôi rong, cũng bị gán tội “làm gián điệp” do bị người quen “khai” ra.

Nghi ngờ vụ án có gì đó uẩn khúc, Bác Hồ đích thân cử ông Trần Đăng Ninh - khi đó là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương coi sóc vụ án nghiêm trọng này. Ông đã tổ chức một đoàn kiểm tra. Đồng chí Lê Giản được lệnh phải chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiểm tra.

Tất cả thành viên đoàn kiểm tra đều được Trần Đăng Ninh quán triệt: “Phải thật cụ thể, khách quan, thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác”.

Bắt tay điều tra vụ án gián điệp H122, ông Trần Đăng Ninh ngay từ đầu cảm thấy rất không ổn. Bởi quy kết cho nhiều người tội gián điệp, nhưng các cơ quan Liên khu đều không thể chỉ ra được tài liệu bị mất là tài liệu nào. Và khó hiểu nhất là H122 - một “gián điệp” do phòng Nhì Pháp cài vào lại chỉ là một anh giám mã không biết chữ, ngày ngày chăm sóc ngựa, không có điều kiện tiếp xúc với những hồ sơ, tài liệu quân sự quan trọng.

Trần Đăng Ninh đã đích thân đến tận cái sân mà “H122 vẫy máy bay”, ông lập tức thấy khoảng sân chỉ rộng bằng hai manh chiếu nhỏ, nằm trong một khu rừng rậm. Từ đây mà ra dấu, báo hiệu cho máy bay được sao?

Từ nghi vấn này, ông đã vận động “H122” và những cán bộ bị bắt do có liên quan đến vụ án mạnh dạn khai nhận sự thật. Đến lúc này, họ mới thú nhận do không chịu nổi áp lực của một số cán bộ thi hành nhiệm vụ, nên họ đã đành phải khai sai, khai liều và làm oan thêm những người vô tội khác. Lập tức Trần Đăng Ninh ra lệnh thả những cán bộ bị bắt trong vụ án gián điệp H122 và chính thức khép lại vụ án. Những người bị oan đã được trả tự do, phục hồi công tác. Những cán bộ mắc sai lầm trong vụ án này bị kiểm điểm xử lý xác đáng.

Tiếc khuôn khổ bài báo này có hạn nên xin khất bạn đọc một dịp khác sẽ thêm những dòng thú vị về người con trai cụ Trần Đăng Ninh, cựu đại tá nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Cục Tác chiến điện tử Bộ Quốc phòng!

Những cái tên

Được ngồi với Võ Hồng Nam, con trai út của Tướng Giáp, tôi biết thêm chút những người con của Đại tướng. Hai người con gái là Võ Hòa Bình (sinh năm 1951) và Võ Hạnh Phúc (1952), hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn HIPT.

Người con trai trưởng của Đại tướng được ông đặt tên Võ Điện Biên (1954), hiện là Giám đốc Công ty CP Đông Sơn. Con trai út là Võ Hồng Nam (1956), hiện là Giám đốc Công ty CP Máy tính Truyền thông Hồng Nam.

Chuyện với các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn ảnh 5

Lương Mạnh Chiến ( từ trái qua) cháu gọi Lương Văn Tri là bác ruột, một yếu nhân của Khởi nghĩa Bắc Sơn     

Chuyện của Võ Hồng Nam đang đưa tôi về ngôi nhà 36 Hoàng Diệu. Nơi đó có Hường, vợ anh Nam, con dâu Đại tướng. Anh Nam nhắc lại lời bộc bạch của chị Hường với mấy nhà báo nước ngoài: "Tôi gần gũi với ba Giáp còn hơn bố đẻ vì bố tôi mất từ trước khi tôi lấy chồng. Tôi sống với ba đã hơn 30 năm. Ba là người rất tuyệt vời, yêu vợ và các con, các cháu. Với tôi, ba luôn coi như con gái".

Người con dâu ấy thường xuyên chăm chút khu vườn vì ba Giáp thích cây cối, chim muông: "Tôi trồng cây, làm hồ cá, chăm sóc phong lan… nhưng giờ ba đâu còn để ngắm nữa".

Những cái tên Tướng Giáp đặt cho con cháu cũng hàm nhiều nghĩa. Người con trai cả Võ Điện Biên được lấy tên theo sự kiện lịch sử 1954. Hai con gái Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc thể hiện mơ ước về ngày hạnh phúc của đất nước. Người con út Võ Hồng Nam là niềm mong ước một miền Nam sạch bóng thù.

Hai con của Võ Hồng Nam được đặt tên là Võ Hoài Nam - nhớ mong miền Nam và Võ Thành Trung như lời thề nguyền tận trung với nước. Hoài Nam và Thành Trung được cha dạy võ từ năm 3 tuổi theo truyền thống con nhà võ nên khi lớn lên đều trở thành những thanh niên cường tráng.

Sinh thời, tướng Giáp luôn canh cánh tâm nguyện giúp đỡ con em các vùng chiến khu nghèo khó. Con cháu ông, đặc biệt là con út Võ Hồng Nam, thường làm từ thiện âm thầm, lặng lẽ không trống giong cờ mở, với sự giúp đỡ của bạn bè doanh nghiệp.

Tôi ngước cái nhìn sang người phụ nữ có dáng đầm đậm. Có thể nói bà là người phụ nữ may mắn nhất nước Nam mình? Bởi mới sinh đầy tháng ở trên Chiến khu Việt Bắc, bé gái đã được Bác Hồ bế và đặt tên. Con gái Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt có cái tên Bác đặt là Hạ Chí Nhân. Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín… Nhớ thêm, Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 8 từ ngày 10 đến 19/5/1941, Trung ương đã ủy thác đồng chí Hoàng Quốc Việt thành lập trung đội Cứu Quốc quân hai và ba. Trung đội thứ hai gồm 47 chiến sĩ, thành lập ngày 15/9 cùng năm ở Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên). Tám năm sau sự kiện Bắc Sơn, bé Nhân mới chào đời. Có một chi tiết,  Bảo tàng Hồ Chí Minh từng xếp bà là đứa trẻ được chụp ảnh chung với Bác Hồ nhiều nhất.

Sau mấy năm du học ở Hung, với mong muốn nghiên cứu về ngành mới là vô tuyến điện - công nghệ thông tin, bà Nhân về công tác tại khoa Toán Lý, ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 1984, bà rút khỏi công việc nghiên cứu kỹ thuật, về làm ở Nhà xuất bản Hà Nội. Năm 2004, bà nghỉ hưu.

Lần lên Bắc Sơn dịp 80 năm Kỷ niệm Khởi nghĩa Bắc Sơn này, tôi may mắn gặp thêm người cháu gọi cụ Lương Văn Tri là bác ruột tên là Lương Mạnh Chiến cùng cô vợ. Cụ Tri từng phụ trách một đội cứu quốc quân với Phùng Chí Kiên. Cả hai trong một trận đánh ở Bắc Sơn đã bị bắt bị giặc giết hại.

Chuyện về các hậu duệ yếu nhân Bắc Sơn, dịp khác xin nối tiếp…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.