Cơ bản phá xong rừng nghiến

Ông Hoàng Dần xót xa trước cây nghiến bị hạ
Ông Hoàng Dần xót xa trước cây nghiến bị hạ
TP - Thời gian gần đây, hàng nghìn ha rừng nghiến ở khu vực giáp ranh ba tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên bị lâm tặc cạo trọc để lấy gỗ xuất lậu.
Ông Hoàng Dần xót xa trước cây nghiến bị hạ
Ông Hoàng Dần xót xa trước cây nghiến bị hạ . Ảnh: Phạm Anh

Rừng nghiến kêu cứu

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn, toàn tỉnh có trên 94.000 ha rừng phòng hộ, trong đó 19.000 ha rừng giáp ranh (khu bảo tồn Kim Hỷ, huyện Na Rì) có gỗ quý hiếm, đặc biệt là gỗ nghiến nhưng nay bị phá tan hoang. Tuyến đường 279 thường được sử dụng vận chuyển thớt nghiến từ Na Rì tập kết về Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn) rồi xuất lậu hoặc chuyển về Bắc Giang.

Lạng Sơn: Từ đầu năm đến nay, công an huyện Bình Gia đã mật phục vào các buổi đêm, ngăn chặn 36 vụ vận chuyển, tịch thu 300 cục thớt nghiến, trên 15m3 gỗ nghiến, tạm giữ ba ô tô là phương tiện vận chuyển.

Có mặt tại Trạm kiểm lâm Cư Lễ (thuộc Hạt kiểm lâm Na Rì, trên quốc lộ 279), chúng tôi thấy hàng trăm thớt nghiến, hàng chục xe máy bị bắt giữ chất thành dãy.

Ông Vũ Trọng Quang, Đội phó đội cơ động 1 Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, đơn vị tăng cường cho Trạm kiểm lâm này cho biết: “Thớt nghiến vận chuyển từ khu bảo tồn Kim Hỷ như ong vỡ tổ, bịt đường này lại chạy lối khác. Đối tượng vận chuyển chủ yếu bằng xe máy, mỗi xe 5-7 thớt, từ 1 đến 3 giờ sáng. Khi bị bắt, đối tượng còn lao thẳng vào barie kiểm lâm, tìm cách thoát. Nếu bị bắt, đối tượng bỏ xe, gỗ chạy thoát thân”.

Tại khu vực xã Thiện Hòa (Gia Bình), Tân Hòa (Bắc Sơn) Lạng Sơn, vùng giáp ranh với các xã ở huyện Na Rì (Bắc Kạn), Võ Nhai (Thái Nguyên) có khoảng 400 ha gỗ nghiến. Tuy nhiên, nạn săn thớt nghiến xuất khẩu khiến diện tích rừng nghiến, nhất là cây có chất lượng gần như không còn.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, nhiều cây nghiến ở khu rừng này đã bị đốn hạ không thương tiếc. Đi sâu vào trong rừng, nhiều tấm, thanh gỗ nghiến dài thải loại, nằm chỏng chơ vì bị xẻ thịt trước đó. Men theo lối mòn, lách qua những thung ngô của bà con người Dao, chúng tôi vẫn nghe tiếng réo ầm ĩ của cưa xăng đang thịt cây gỗ nghiến giữa rừng.

Ông Hoàng Dần, Bí thư Đảng ủy xã Thiện Hòa trên đường dẫn chúng tôi vào xem rừng đau xót: “Xã có diện tích tự nhiên hơn 8.500 ha, trong đó có 400 ha rừng nghiến nhưng đến nay chỉ còn rất ít, cây to, có chất lượng đã bị hạ lấy gỗ”.

Thiện Hòa có 10 bản (4/10 bản chưa có điện, gần 46% là hộ nghèo theo tiêu chí mới), trong đó có 3 bản người Dao, nằm trong khu vực rừng nghiến. “Từ năm 2005, diện tích rừng nghiến được giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ, nhưng do không được kiểm soát chặt chẽ nên giờ cây gỗ nghiến còn ít lắm.

Cao điểm, vào hai tháng trở lại đây, lâm tặc vào rừng oanh tạc liên tục. Dưới gầm nhà sàn của các hộ người Dao, ván gỗ nghiến chất đống. Họ nói để làm nhà cho con, nhưng có người hỏi, họ lại bán” - Ông Dần nói.

Tại Hạt kiểm lâm Bình Gia (Lạng Sơn), cũng nằm trên quốc lộ 279, chúng tôi thấy nhiều thớt nghiến bị bắt giữ chất đầy trong sân của trụ sở hạt. Theo lãnh đạo Hạt này, thớt nghiến chủ yếu từ Na Rì. Tình trạng khai thác nghiến trong khu vực Bình Gia đã giảm nhiều, vì rừng nghiến đã... cơ bản được phá xong.

Khó kiểm soát thớt nghiến xuất lậu

Theo tìm hiểu của PV, cây gỗ nghiến sau khi được đốn hạ, sẽ cắt thành thớt (không lấy chính tâm), có đường kính 40 - 45cm, cao 18 - 15 cm. Sau đó, thớt mang xuống núi và bán bán từ 150.000 - 200.000 đồng/thớt, qua các trạm chốt của kiểm lâm có thể lên tới 400.000 - 450.000 đồng/thớt, xuất tại các cửa khẩu sang Trung Quốc có thể lên tới 800.000 - 900.000 đồng/thớt.

Giá thớt xuất khẩu cao ngất ngưởng khiến giới buôn lậu săn lùng khắp nơi và tìm mọi cách để đẩy hàng qua biên giới. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn, tỉnh này có hơn 250 km đường biên với hàng trăm lối mòn nên rất khó kiểm soát gỗ nghiến xuất lậu.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) gỗ nghiến vẫn có thể đàng hoàng qua biên giới, nếu được giấu trong những chuyến hàng nông sản. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh cho biết, trên 90 % hàng xuất qua cửa khẩu là nông sản, trong đó có khoảng 3-4 xe hàng thủ công mỹ nghệ.

“Hàng thủ công mỹ nghệ hoàn thiện không phải kiểm tra xuất xứ; hàng nông sản xuất hầu hết không cần kiểm hóa, nên việc có giấu thớt nghiến trong xe hàng nông sản hay không rất khó phát hiện nếu không có tin báo đáng tin cậy” - Ông Nghĩa nói.

Đại diện Chi cục hải quan Cốc Nam cũng xác nhận, chưa phát hiện một vụ xuất lậu nghiến nào trong thời gian qua.

Chưa lật tẩy được đầu nậu

Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng khai thác gỗ nghiến ở khu vực giáp ranh ba tỉnh trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn m3 nghiến, bị chặt hạ rất đau xót. Cần phải phân hóa đối tượng, vì lâu nay bắt được chủ yếu là dân. Có hiện tượng các trạm kiểm lâm lơ là, “thông đường” cho gỗ lậu. Các địa phương vẫn chưa lật tẩy được các đầu nậu gỗ lậu.

Theo thống kê, từ năm 2006 đến tháng 4-2010, cả nước phát hiện xử lý gần 172.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khởi tố hình sự gần 1.400 vụ; tịch thu gần 179.400 m3 gỗ; 40.360 cá thể, trên 254 tấn động vật hoang dã. Tổng số tiền thu qua xử phạt, bán lâm sản tịch thu là 860 tỷ đồng, nộp nhân sách hơn 717 tỷ đồng.

 
MỚI - NÓNG