Có Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời né trách nhiệm

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ
TPO - Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, phiên chất vấn tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa 14 có tới 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng 2 Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.

19 tư lệnh ngành, 2 phó thủ tướng trả lời chất vấn

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/12, đánh giá tổng kết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới.

“Quốc hội đã lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cũng như kịp thời nắm bắt xu thế chung của thế giới, biến động tình hình trong nước, đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân”, ông Phúc cho hay.

Cũng theo Tổng thư ký, Đảng đoàn Quốc hội đã kịp thời báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về những vấn đề lớn, quan trọng, nhất là đối với những dự án luật có nội dung nhạy cảm, khó, mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về công tác nhân sự, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ. 

“Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ; việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm thận trọng; các tài liệu liên quan được chuẩn bị kỹ lưỡng, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết”, ông Phúc nói.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, ông Phúc cho rằng, vấn đề này luôn là nội dung đặc biệt, được cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi. Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan, không ấn định số người trả lời chất vấn cũng như không xác định nhóm vấn đề chất vấn.

Theo Tổng thư ký, phiên chất vấn có tới 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng 2 Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có chất vấn đối với Thủ tướng.

Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tăng sự tranh luận sâu sắc giữa các đại biểu Quốc hội, làm rõ nhiều vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành khi trả lời đã thể hiện việc nắm vững lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, cầu thị, không né tránh các câu hỏi của đại biểu, sẵn sàng nhận trách nhiệm về những vấn đề còn yếu kém của ngành.

Báo cáo tổng kết kỳ họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, chủ tọa phiên chất vấn (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân) kiên quyết, sắc sảo, uyển chuyển, tạo sự gắn kết giữa các vị đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc đưa ra giải pháp, được cử tri đánh giá cao. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác triển khai thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan. Tài liệu, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị đầy đủ và gửi sớm đến đại biểu Quốc hội để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, công tâm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là "thước đo" hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời, là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao sẽ phấn đấu khắc phục khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.  

Còn né trách nhiệm cá nhân

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Tổng thư ký, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm, điển hình như việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế. Chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội.

Một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng đại biểu vắng mặt khá nhiều trong một số phiên họp, nhất là các phiên họp vào chiều thứ sáu. Công tác bảo đảm phục vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm trong thời gian tới, theo Tổng thư ký, cần quan tâm tiếp tục đổi mới, cải tiến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tăng tính tranh luận, phản biện. Tăng cường thông tin về kỳ họp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ kỳ họp.

Các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".