"Có cán bộ đi xe công để thỏa mãn sở thích"

"Có cán bộ đi xe công để thỏa mãn sở thích"
"Một số cán bộ thường coi tài sản công, nhất là xe công như vật trang trí, thỏa mãn sở thích. Cá nhân tôi mong sớm khoán phương tiện đi lại vào lương. Những cuộc họp gần nhà, tôi vẫn đạp xe đi dự".
"Có cán bộ đi xe công để thỏa mãn sở thích" ảnh 1
Ông Nguyễn Viết Chức. Ảnh: VnExpress.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội trao đổi với phóng viên.

Theo dự thảo đề án về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công mà Bộ Tài chính soạn thảo, cấp Thứ trưởng sẽ không được sử dụng xe công thường xuyên và có thể khoán vào lương. Là người đang thụ hưởng chế độ xe công, ông nghĩ gì?

Theo tôi được biết thì đề án ấy không bắt buộc cấp từ thứ trưởng trở xuống không được đi xe công. Cán bộ nào cảm thấy tự đảm bảo được với phương tiện đi lại mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao cho sẽ thực hiện theo phương án khoán. Cá nhân tôi mong khoán kinh phí càng sớm càng tốt, tôi sẵn sàng sử dụng những phương tiện khác

Tuy nhiên, cũng có những người chưa thể thực hiện khoán vì nhiều lý do, ví dụ tuổi cao đi xe máy không tiện hoặc có thể chưa biết đi xe máy. Khi đó, vấn đề đặt ra là liệu hệ thống xe buýt hiện nay có đáp ứng được yêu cầu không? Mọi việc đều được cân nhắc trong hiệu quả đích thực của nó chứ không làm theo phong trào.

Hàng nghìn cán bộ không thuộc diện có xe đưa đón hằng ngày vẫn đến cơ quan đúng giờ. Việc viện lý do phương tiện công cộng chưa đáp ứng yêu cầu liệu có thoả đáng?

Thứ trưởng trở lên là cấp cán bộ nhiều người phải chờ đợi. Nếu họ chủ trì cuộc họp mà đến chậm thì không biết chuyện gì xảy ra. Chẳng lẽ khi đến họp muộn lại đứng lên thanh minh rằng bị chậm xe buýt. Như vậy, vấn đề ở đây là khả năng cung ứng dịch vụ giao thông công cộng. Các nước khác phương tiện giao thông công cộng thuận lợi nên việc khoán kinh phí đi lại sẽ dễ thực hiện hơn.

Có ý kiến cho rằng, cán bộ thích đi xe công nhiều khi là để giải quyết khâu "oai", bằng chứng là vừa qua một số cán bộ sử dụng xe công để đi học, đi chùa. Ý kiến của ông thế nào?

Đúng là một số cán bộ thường coi tài sản công, nhất là xe công không phải là phương tiện làm việc mà xem đó như vật trang trí, thỏa mãn sở thích, được đi mức xe này nhưng lại mua xe mức khác cho sang hơn, có vị xe chưa hỏng lại đổi xe mới. Nhìn vào những việc đơn giản ấy có thể đánh giá đó không phải là cán bộ tốt.

Vừa rồi, vụ PMU18, có hơn một trăm xe cho mượn lung tung. Do vậy, tôi cho rằng, trước mắt cần phải giải quyết việc đi xe không đúng tiêu chuẩn, mua xe không đúng tiêu chuẩn, sử dụng một cách lãng phí. Sau đó, chúng ta mới tính đến việc thu hẹp đối tượng thụ hưởng xe công.

Tôi luôn ủng hộ chủ trương khoán phương tiện đi lại vào lương, nhưng phải đi kèm đề án để đảm bảo giao thông cho cán bộ làm việc.

Ông nói rằng sẵn sàng sử dụng phương tiện khác để đi làm nếu khoán kinh phí đi lại. Ông dự kiến sử dụng phương tiện gì?

Hiện nay, những cuộc họp cách nhà khoảng 1 km tôi đi xe đạp. Người giữ xe nhìn tôi không hiểu sao ông này lại đến hội nghị bằng xe đạp. Tôi nghĩ mọi chuyện cũng bình thường thôi. Nhiều cuộc họp tôi chủ trì, tôi vẫn đi xe máy.

Theo tôi, phương tiện đi lại theo tiêu chuẩn nào thì phải thực hiện đúng mục đích và có hiệu quả. Sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm là một trong những thước đo phẩm chất cán bộ đó.

Nhiều khi đến các hội nghị, người ta thường hay hỏi anh có lái xe không? Lái xe đến thì cũng có bồi dưỡng cho cả lái xe. Thế tôi lái xe cho tôi thì không được gì à? Mà tôi còn đi xe máy nữa, tiết kiệm cả xe, xăng cho nhà nước. Cho nên các quy định, quy chế hiện hành vẫn còn nhiều bất hợp lý.

Theo Việt Anh
VnExpress

MỚI - NÓNG