Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:

Cơ chế nào giám sát, phản biện hoạt động của Đảng?

Cơ chế nào giám sát, phản biện hoạt động của Đảng?
TP - Hôm qua 3/7, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức Hội nghị góp ý kiến xây dựng “Đề án giám sát và phản biện xã hội” của MTTQVN, do Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức, với sự tham gia của nhiều đại biểu nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng.
Cơ chế nào giám sát, phản biện hoạt động của Đảng? ảnh 1
Các đại biểu tại Hội nghị góp ý kiến xây dựng đề án  Ảnh: Hoàng Long

Mặt trận phải “bênh” dân

Làm gì để Đảng lãnh đạo nhưng không bị quan liêu hóa, không vi phạm quyền làm chủ, quyền dân chủ chính đáng của nhân dân? Đây là yêu cầu trước hết trong Đề án do Chủ tịch MTTQVN Phạm Thế Duyệt trình bày.

Theo đó nội dung Đề án không những tạo điều kiện thuận lợi mà còn phải có cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện quyền phản biện của mình.

Ông Trần Trọng Tân - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ – cho rằng: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Vì vậy mặt trận phản biện với Đảng hay với chính quyền Nhà nước là để bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân”.

Theo Đề án, Mặt trận sẽ “bênh” dân bằng việc tham gia với Đảng những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách có liên quan đến quốc kế dân sinh, hay khi phát hiện những địa phương, ngành thực hiện sai đường lối chính sách của Đảng, có tham nhũng tiêu cực, cán bộ lãnh đạo quan liêu, xa dân, không được dân tin thì Mặt trận được quyền có văn bản phản ánh với Đảng, Nhà nước theo tổ chức.

Còn với chính quyền Nhà nước, việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo, HĐND, đại biểu Quốc hội cần tham khảo ý kiến của Mặt trận... Đặc biệt, khi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề bạt cán bộ thì cần hỏi ý kiến của Mặt trận và đoàn thể nơi cán bộ đó sinh sống, làm việc và sinh hoạt.

Coi sự phản ánh này là một trong những căn cứ để cấp lãnh đạo nghiên cứu quyết định đề bạt, sử dụng cán bộ. Đề án nêu rõ phương pháp phản biện “không nên duy trì tình trạng Đảng cử dân bầu mà không lắng nghe ý kiến đúng đắn của Mặt trận”.

Luật hóa cơ chế phản biện xã hội

Góp ý cho Đề án, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng trước hết MTTQVN cần thực hiện một báo cáo về thực trạng giám sát và phản biện xã hội hiện nay, ông đặt vấn đề:

“Mới đây, tại Đại hội Đảng khối Nội chính TƯ, có đồng chí đã phản ánh về việc một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bị chính quyền địa phương bắt giữ. Tôi bảo anh em xuống tìm hiểu, thì thấy chính quyền địa phương làm sai.

Đại thể là đất đai chia cho người ta rồi nhưng lại cưỡng chế đến mức áp giải lên trụ sở xã, mà đó là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chứ không phải là bình thường. Làm ngơ trước những thực trạng như vậy thì thử hỏi chúng ta có còn vì dân hay không?”.

Đồng tình với cách đặt vấn đề này, ông Trần Trọng Tân cho rằng: “Nhiều việc chúng ta có thể thực hiện dân chủ tốt hơn nhưng chúng ta đã không làm. Tại sao chỉ có một đề cử ở Quốc hội vào các chức danh lãnh đạo của Chính phủ?

Bầu cử là quyền lựa chọn, chúng ta có hơn ba triệu đảng viên, lẽ nào không tìm được hai người để đề cử ra Quốc hội? Anh Cù Huy Hà Vũ ứng cử với tư cách công dân sao không thấy Quốc hội trả lời?

Xử lý việc để quên va li tiền của anh Nguyễn Văn Lâm  (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – PV) rõ ràng là không thể làm cho người dân thỏa mãn...”.

Phát biểu tại Hội nghị, linh mục Trương Bá Cần tỏ ra bức xúc chỉ vì: “Vẫn thấy có công văn liên quan đến việc đời việc đạo do Phó Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm ký”.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, “Đề án cần làm rõ việc nội dung giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận có được công khai hay không, và quy trình xử lý nội dung đó như thế nào.

Để có một bước thay đổi về chất trong hoạt động của Mặt trận, cần chuyển vấn đề tài chính của Mặt trận sang Quốc hội chứ không nên để ở Bộ Tài chính như hiện nay”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: “Đề án được xây dựng trên nội dung của Báo cáo chính trị Đại hội Đảng X về việc xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN...

Đây là một vấn đề mới. Tôi đọc Luật MTTQVN, thấy có đề cập đến vấn đề giám sát nhưng phản biện xã hội thì chưa. Đã có chủ trương của Đảng, tới đây cần phải luật hóa vấn đề phản biện xã hội.

Sau đó Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể cứ theo luật mà làm”.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:

Ý kiến đóng góp nhiều nhưng tiếp thu còn yếu

Tại Hội nghị, nhiều vị đại biểu đã đề cập đến việc nhiều chức danh lãnh đạo của Chính phủ đã được phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội mới đây với một tỉ lệ phiếu không cao.

Tôi cho rằng đây là một biểu hiện của đòi hỏi về dân chủ rất mới đã xuất hiện ở nghị trường. Vấn đề cần quan tâm là, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều là đảng viên, như vậy trong số những lá phiếu không đồng ý hoặc phiếu trắng đối với sự đề cử của đảng nhất định sẽ có nhiều lá phiếu của các đảng viên.

Vậy thì Đảng xem xét vấn đề này hay bỏ qua?

Trước đây, từng có chuyện Quốc hội không thông với một số nhân sự do Đảng đề cử, trong đó có ông Đào Đình Bình. Có ý kiến đề nghị kiểm điểm các đồng chí trong Đảng đoàn Quốc hội vì không chấp thuận nguyên tắc tập trung, vi phạm kỷ luật Đảng.

Lúc bấy giờ anh Tư Thi là Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, đã không đồng ý với ý kiến này, anh Tư Thi nói: “Một là không thể biết ai không bỏ phiếu theo đề cử của Đảng vì đây là bỏ phiếu kín. Hai là tôi không đồng tình cách làm nhân sự như vậy vì mất dân chủ”.

Theo tôi, vấn đề nêu trên cho đến bây giờ cũng thế thôi. Đã đến lúc chúng ta phải thấy được những đòi hỏi dân chủ chính đáng của người dân.

Tại sao lại không đề cử hai người được trong khi chúng ta có thừa khả năng để làm điều đó?...

Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, vị trí của Mặt trận không những giảm đi mà ngày càng phải tăng lên. Mặt trận là nơi có thể tập hợp ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội, ý kiến của các vị lão thành cách mạng, của nhân sĩ trí thức, của nhân dân trong nước, của kiều bào, kể cả ý kiến của người nước ngoài nhưng mang tính chất xây dựng thì vẫn nên lắng nghe...

Chúng ta đang bàn đến giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, nhưng có một thực trạng mà anh Kiệt (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt-P.V) có trao đổi với tôi là, hiện nay ý kiến góp ý thì nhiều nhưng khâu tiếp thu còn yếu.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.