Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Có chuyên môn cao, dễ dàng từ chối phong bì

Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM luôn làm việc trong không khí tập trung, căng thẳng, cứu chữa từng ca bệnh thập tử nhất sinh. Ảnh: Quốc Ngọc.
Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM luôn làm việc trong không khí tập trung, căng thẳng, cứu chữa từng ca bệnh thập tử nhất sinh. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Có thể ở TPHCM, khó tìm ra bệnh viện nào mà trăm phần trăm bác sĩ không nhận phong bì của bệnh nhân. Tuy nhiên, ở phạm vi hẹp hơn, có một khoa bệnh không bao giờ nhận phong bì từ người bệnh hoặc thân nhân. Đó chính là khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi chứng kiến những tích tắc giành giật giữa sự sống và cái chết.

Chiều 26/2, một ngày trước Ngày Thầy thuốc Việt Nam, không khí làm việc tại khoa vẫn hết sức căng thẳng. Các giường bệnh nêm chặt bệnh nhân. Kẻ tỉnh, người mê.

Trưởng kíp trực vừa ký, vừa đóng dấu hồ sơ bệnh án, vừa cho biết “đến giờ có 102 ca, hôm nay đông” mà cũng không thể ngước nhìn chúng tôi vì ngay lập tức phải quay sang bên cạnh xem phim X-quang vừa chụp của một ca cấp cứu. “Có bữa còn không có chỗ đứng”, ông mím môi rồi rảo qua các giường bệnh. Mỗi ngày, khoa cấp cứu chia 3 ca trực. Mỗi ca có gần 10 bác sĩ, hơn 20 điều dưỡng phục vụ trung bình gần 200 ca cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết: “Khoa cấp cứu của chúng tôi là khoa đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân nặng, nguy kịch và cũng là tuyến cuối cùng của cả khu vực phía Nam. Bệnh nhân đông nên không khí làm việc rất khẩn trương. Người nhà thì thường rất lo lắng. Nhưng không bao giờ có chuyện nhân viên y tế tại đây nhận phong bì để ưu tiên, ưu ái cho ai đó…”.

“Hơn nữa, tại đây thường xuyên có các chuyên khoa khác đến hội chẩn và tham gia cấp cứu, nên cơ hội để có thể nhận phong bì là không thể”, bác sĩ Sơn cười nói.

Một lý do nữa, theo ông Sơn, các bác sĩ và điều dưỡng được phân công về khoa cấp cứu phần lớn có trình độ chuyên môn cao. Nhiều bác sĩ trẻ mới tuyển dụng cũng được luân phiên qua “lò đào tạo” này. Do đó, ban giám đốc bệnh viện có chế độ đãi ngộ đặc biệt. “Ngoài công việc trong giờ tại khoa, một số bác sĩ và điều dưỡng cũng tham gia các dịch vụ ngoài giờ của bệnh viện cũng như các cơ sở y tế khác để tăng thêm thu nhập chính đáng. Khi đã có chuyên môn cao, sẽ dễ dàng từ chối phong bì”, ông Sơn nói.

Trả lời câu hỏi “bản thân ông có bao giờ nhận phong bì không?”  bác sĩ Sơn cười nói: “Với bệnh nhân, thân nhân và cả những người tôi đang tuyển dụng, tôi tuyệt đối từ chối tất cả các loại quà tặng và phong bì”.

MỚI - NÓNG