Cô dâu Việt - Những chuyện chưa ai kể

Cô dâu Việt - Những chuyện chưa ai kể
Trong số gần 100.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Đài Loan, ước chừng khoảng 20% cô dâu gặp trục trặc trong gia đình. Đây là con số ước lượng chưa thật chính xác của tổ chức E-den tại Đài Loan.
Cô dâu Việt - Những chuyện chưa ai kể ảnh 1
Quán ăn Việt Nam có món bánh cuốn Bắc này đã bị nhiều người Đài Loan phản ứng vì có hiện tượng mở sòng bạc, karaoke và nhiều tệ nạn khác

Rất nhiều trường hợp cô dâu Việt bị đánh đập, bị lừa đảo, bị ép bán dâm, chịu đựng sự hành hạ về thể xác và tinh thần.

Chắc chưa ai quên trường hợp cô Đoàn Thị Nhật Linh bị chồng ngược đãi đầu năm 2004 mà người Đài Loan gọi đó là “nỗi xấu hổ của Đài Loan”.

Tuy nhiên cũng có những sự thật khác với những gì người ta thường nghĩ. Đại đa số cô dâu Việt đã tìm được cuộc sống hạnh phúc xứ người, tuy rằng cũng có không ít người sa ngã.

Hạnh phúc mỉm cười

Tôi gặp Nguyễn Thị Thu Thảo, cô dâu Việt Nam quê Long An ở khu Mộc Tra, thành phố Đài Bắc. Không thể hình dung bảy năm trước Thảo sang Đài Loan, một chữ tiếng Hoa bẻ đôi không biết, mà nay đọc thông viết thạo, đánh máy vi tính văn bản tiếng Trung, xử lý giấy tờ và làm tư vấn viên cho tổ chức E-den, giúp đỡ các cô dâu Việt gặp khó khăn quanh vùng.

Thảo còn là phát thanh viên cho chương trình Việt ngữ của Đài Lao động Đài Bắc, đã ba lần được làm khách mời cho chương trình phỏng vấn của Đài truyền hình Hoa Thị. Tôi gặp Thảo lần đầu khi cô đang cùng chồng khai trương quán ăn nhỏ dọc đường Cảnh Mỹ, thành phố Đài Bắc.

Thảo cho biết, chị chồng và mẹ chồng đều là giáo viên tiểu học, những ngày đầu về làm dâu, gia đình chồng luôn chú ý dạy nàng dâu Việt cách ứng xử và những chú âm tiếng Hoa bập bẹ đầu tiên, những chữ Hán đơn giản. Hai năm trước, khi con đủ cứng cáp, Thảo bắt đầu đến lớp.

Thảo là học viên khoá đầu tiên trong các lớp bổ túc miễn phí do Trung tâm E-den tổ chức tại khu Trung Sơn, Đài Bắc. Mỗi trưa nắng, cô cần mẫn tay dắt đứa con lớn bốn tuổi, ngực ấp đứa bé vừa đầy năm, đi hai chặng xe bus từ nhà đến lớp học. Sau hai năm Thu Thảo đã trưởng thành.

Được sự hỗ trợ của nhà chồng, cô vừa tham gia các hoạt động xã hội, vừa làm nhân viên tư vấn cho E-den, làm phát thanh viên, thu nhập một tháng hơn 2,2 vạn Đài tệ, tương đương với thu nhập của người chồng đang chạy taxi ở sân bay Trung Chính. Thảo đã cố gắng để làm chủ cuộc đời mình từ những nỗ lực và lý lẽ rất đơn giản: “Em đi đường nhìn những bảng hiệu quảng cáo tiếng Hoa mà không đọc được họ viết gì, em cảm thấy khó chịu lắm. Em muốn biết, vì thế em phải học”. 

Giáo sư Lý Mỹ Hiền, công tác tại Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan cho biết, bà đã gặp những cô dâu Việt Nam cả ngày nhàn rỗi, chỉ biết ăn mặc đẹp, đeo đầy đồ trang sức và đi ăn ở các quán Việt để tán gẫu với người Việt. Song họ vẫn than thở là không hạnh phúc.

Bởi đơn giản là họ không được làm việc. Song giáo sư Lý cũng gặp những cô dâu Việt vất vả từ 5 giờ sáng, dậy giúp gia đình chồng kinh doanh chè đá bào thập cẩm. Tưởng là vất vả song cô dâu ấy lại cho rằng mình vô cùng hạnh phúc. Vì có vị trí trong gia đình, có công việc lương thiện, tự kiếm được tiền chi tiêu và gửi về Việt Nam.

Khái niệm hạnh phúc của mỗi cô dâu Việt thật khó có mẫu số chung. Song Đài Loan đã coi 100.000 cô dâu Việt là một phần gắn bó trong xã hội của mình. Và con số 80% gia đình cô dâu Việt hạnh phúc ít người biết tới bởi báo chí thường… quên không nhắc.

Và những chuyện không vui

Cô dâu Việt - Những chuyện chưa ai kể ảnh 2
Thu Thảo (trái) và phóng viên Tiền Phong trong tiệm ăn mới của cô

Tôi đang làm Admin quản trị một diễn đàn trên Internet dành cho các ông chồng Đài Loan cưới vợ Việt. Đây là diễn đàn lớn thứ hai của Đài Loan có khu vực “Thảo Luận” đầy mọi “hỉ nộ ái ố” trên con đường hôn nhân, được các ông chồng Đài Loan diễn tả sinh động và hấp dẫn đến mức, nếu được phép viết, không rõ sẽ được bao nhiêu bài báo.

Tháng 4/2005 khi một ông chồng tự xưng là X. (thành phố Đào Viên) lên diễn đàn khóc với mọi thành viên: “Vợ tôi người C.T., nhiều đêm lợi dụng lúc tôi đi làm vẫn bỏ đứa con bốn tuổi nằm ngủ một mình, lén lút đi bán dâm để lấy tiền mua điện thoại di động đời mới, vòng vàng, dây chuyền vàng và máy ảnh kỹ thuật số gửi về cho gia đình bên Việt Nam!”. Tôi đã tìm đến gặp gỡ người đàn ông ấy và vô tình bắt đầu một hành trình đi tìm những “địa chỉ đen” của cô dâu Việt trên đất Đài.

Theo địa chỉ của người chồng giấu tên kia, tôi và anh bạn Đài Loan bước vào một quán ăn của người Việt Nam tại một con phố ngoại ô Đào Viên. Địa chỉ này đã từng bị các ông chồng Đài Loan khác mách cho tôi biết, là tụ điểm cờ bạc, lừa đảo cô dâu Việt, rủ rê các cô bán dâm từ lâu và là điểm nóng từ đầu năm 2005 tại Đào Viên.

Quán ăn nằm ở ngoại vi huyện Đào Viên, địa điểm thuận lợi cho các cô dâu và người lao động Việt Nam từ Trung Li lên, từ Đào Viên xuống tụ tập. Chúng tôi gọi một bát phở và ngồi xuống. Cạnh bàn tôi là hai người đàn ông trung niên Đài Loan đang ăn dở. Bà chủ quán nói giọng Bắc, khoảng ngoài bốn mươi mặc áo lụa đang thân mật ngồi sát thực khách, mời chào khách dịch vụ karaoke với cô dâu Việt ở nhà trong.

Bà chủ dùng một thứ tiếng Trung rất ngọng song lưu loát để mách nhỏ (mà chẳng cần nhỏ giọng) với khách, muốn vào hát chỉ 200 Đài tệ một tiếng (khoảng 100 nghìn VNĐ). Đằng sau nhà còn chỗ chơi bài tốt lắm. Khách muốn vào thì cứ đi thẳng vào theo lối đi xuống bếp vào toa-lét. Sau đó “Bọn mày vòng đằng sau sang cái nhà bên cạnh mới vào được!”.

Bà chủ vừa nói đến đó thì từ phòng trong ba cô gái trẻ xinh đẹp tóc nhuộm vàng duỗi thẳng tưng đến từng sợi, trang điểm cực kỳ kiểu cách và mặc hở nửa trên bó sát nửa dưới, khiêu khích đến không thể “khiêu khích” hơn từ hướng cái toa-lét đằng sau bước ra, đi thẳng ra chiếc Toyota Camry đời mới trước cửa, lên xe đi thẳng.

Tôi lấy cớ ra cửa xem bảng thực đơn, ngó sang căn nhà bên cạnh. Bên đó là một căn nhà lợp mái tôn lắp điều hoà kín mít. Cánh cửa sắt kéo im ỉm. Có lẽ đây chính là căn nhà “không bao giờ mở cửa trước” mà những ông chồng Đài Loan nhắc đến.

Tôi nháy bạn tôi ngồi lại hỏi chuyện bà chủ quán, rồi tỉ tê hỏi cô gái áo ngắn chỉ một gang tay đang đứng thâu ngân: “Em vừa bỏ nhà chồng, thằng bồ Đài Loan này “ki” quá, em vừa đọc thấy biển tuyển nữ nhân viên, em vào đây làm liệu chỗ chị có nhận người không?”

Cô gái nhìn tôi, hỏi có biết tiếng Trung không? Thẻ cư trú ở Đài Loan còn lâu không? Sau đó bảo, bọn em ở đây lương chỉ vạn rưỡi, ai cho thêm thì cho, bằng một phần nhỏ so với làm trong nhà máy. Nên nếu chị không biết “kiếm thêm” thì khó lắm! Sao chị không bảo thằng bồ Đài Loan kia bảo lãnh cho vào nhà máy mà làm?

Bà chủ bắt đầu cảnh giác, chạy sang cắt ngang và hỏi tôi cần gì? Tôi kiếm cớ rút lui ngay. Anh bạn Đài Loan đi cùng tôi cay đắng: “Vợ tôi đến đây đúng hai lần, chỉ hai lần đánh bạc đó mà thua cháy túi, rút hết thẻ tiết kiệm, vay ngân hàng, bán cả nữ trang của mẹ tôi đi. Món nợ một triệu rưỡi Đài tệ bây giờ hàng tháng tôi vẫn nai lưng ra trả ngân hàng! Còn cô ấy, thua bạc sợ hãi quá đã mang con tôi về Việt Nam trốn mất. Tôi mất cả tiền cả người!”.

Tại Đài Loan, những quán ăn Việt Nam là trung tâm văn hoá duy nhất của người Việt. Các cô dâu đến đó để gặp gỡ, trao đổi, tâm sự, than thân trách phận và… tiêu tiền trên chiếu bạc. Những ông chồng Đài có thể kể vanh vách những thú vui vợ thích: Bài ba lá, 21 điểm, tổ tôm, bầu cua cá, xúc xắc, tá lả v.v…

Râm ran các tin đồn một cô dâu Việt mang tiền bỏ mối trầu cau của nhà chồng đi đánh bạc, thua đến hơn một triệu tệ chỉ trong một đêm. Một cô dâu thua bạc đã đi bán dâm mỗi lần ba nghìn tệ cho… chính ông chủ tiệm cầm đồ, bắt đầu từ khi cô không còn cái gì có thể cầm cho ông ta lấy tiền nữa. Tháng trước, tại Tân Trang-Đài Bắc, cảnh sát Đài Loan đã bắt chín cô dâu Việt Nam với tang chứng là 240 nghìn Đài tệ (khoảng 120 triệu VNĐ) trên chiếu bạc.

Tôi tiếp tục hành trình với những quán có tên đẹp: Hồng Hạnh ở Trung Li, Thái Việt ở Đào Viên v.v… Những quán ăn kiêm sòng bạc, cho vay nặng lãi, môi giới cô dâu.

Bài 4: Kiếm tiền bằng mọi cách và cái giá phải trả

MỚI - NÓNG