Có điểm không phù hợp với các luật khác

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết
TP - “Tôi cho rằng luật cũng phải phù hợp với đạo đức nghề nghiệp của các ngành nghề, không thể buộc những người làm nghề đi trái với lương tâm đạo đức nghề nghiệp của họ...”.

> Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng chống tham nhũng

GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) đã nói như vậy, khi trao đổi với Tiền Phong về một quy định mới trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo đó, “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Theo quy định của Luật Báo chí, cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình, không chỉ nguồn tin về tham nhũng, mà còn các nguồn tin khác. Quy định như dự thảo Luật PCTN chưa phù hợp với quy định của Luật Báo chí, thậm trí trái với cả đạo đức của người làm báo.

Hiện công cuộc đấu tranh PCTN do Đảng ta phát động, bảo đảm bằng luật pháp, được nhân dân ta rất quan tâm. Nếu chúng ta đấu tranh PCTN mà không tốt chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Trong suốt thời gian vừa qua, kể từ khi có Luật PCTN tới giờ, tham nhũng không bị đẩy lùi mà còn phát triển rất mạnh, các vụ tham nhũng ngày càng lớn.

Có thể nói báo chí hiện nay là một địa chỉ cho người dân trông cậy vào để đẩy mạnh đấu tranh PCTN, nhất là khi hiệu quả đấu tranh PCTN của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả cao.

Thực sự quá trình đấu tranh PCTN từ trước tới nay có những đóng góp rất lớn, rất nhiều vụ do báo chí phanh phui ra. Nếu dự thảo Luật PCTN lại quy định rằng các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, thực chất là nguồn tin cho các cơ quan có thẩm quyền, đã thực sự “bó tay” báo chí. Điều này sẽ dẫn tới hạn chế đấu tranh chống tiêu cực trong báo chí.

Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo Luật PCTN và Quốc hội nên xét kỹ vấn đề này và nên bỏ quy định cung cấp nguồn tin. Có thể có quy định, khi cơ quan báo chí có thông tin về tham nhũng thì cơ quan chức năng coi đấy là nguồn tin để mà kiểm tra.

Bởi thực ra quy định này cũng không phù hợp với cả Luật Khiếu nại tố cáo. Khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan nhận được đơn không được phép cung cấp thông tin về người tố cáo cho mọi người biết người tố cáo là ai”.

Nói đến nguồn tin là nói đến đạo đức báo chí. Vậy theo ông, việc xây dựng luật phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp ra sao?

Tôi cho rằng nghề nào cũng có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp và coi đó là điều thiêng liêng. Nếu anh vi phạm đạo đức nghề nghiệp có nghĩa là tự đào hố chôn sự nghiệp của mình, tờ báo của mình.

Tôi được biết Hội Nhà báo cũng đang tổ chức biên soạn bộ quy tắc nghề nghiệp báo chí, trong đó chắc chắn phải có nguyên tắc bảo vệ nguồn tin của mình.

Tôi nghĩ không có lý do gì anh em báo chí lại hy sinh danh dự, nghề nghiệp của mình và hy sinh cả những người đã tin cậy gửi gắm cho mình.

Tôi cho rằng luật cũng phải phù hợp với đạo đức nghề nghiệp của các ngành nghề, không thể buộc những người làm nghề đi trái với lương tâm đạo đức nghề nghiệp của họ.

Thực ra có cung cấp nguồn tin thì cũng không có ích gì nhiều cho các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc thì họ cũng có nguồn tin của mình.

Ông nghĩ sao khi mà dự thảo Luật PCTN vẫn quy định báo chí phải có trách nhiệm cung cấp nguồn tin?

Nếu bắt buộc phải cung cấp nguồn tin thì lần sau ai còn dám tố cáo nữa. Và như thế sẽ dẫn đến chuyện người tố cáo bị trả thù. Trên thực tế đã xảy ra việc người đấu tranh chống tham nhũng đã bị trả thù.

Nếu quy định không khéo sẽ hạn chế cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thậm chí triệt tiêu sự tham gia của báo chí.

Có thực tế, khi một cán bộ bị phát hiện tiêu cực tham nhũng đưa lên báo chí, thay vì họ phải có trách nhiệm giải trình thì đằng này họ đi đòi xem báo chí lấy tin ở đâu ra, từ nguồn nào… Ông có cho rằng sự thật sẽ khó được làm rõ khi nhiều người tìm cách xác định và đối phó với nguồn tin?

Đúng là có khá nhiều trường hợp, nhất là những người có địa vị cao trong xã hội, khi bị báo chí nêu về những hành vi tham nhũng, đáng lẽ phải giải trình với báo chí, cơ quan chức năng thì họ làm ngược lại là truy tìm nguồn tin.

Nếu có thêm quy định này nữa sẽ tạo điều kiện cho những người không chịu hối cải, gọi điện cho chỗ này chỗ kia gây sức ép với báo chí.

Xin cảm ơn ông.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo:

Báo chí sẽ khó tiếp cận nguồn tin

Đây là một vấn đề phải bàn tính kỹ để làm sao vừa phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), quan trọng là vấn đề thông tin, phải công khai, minh bạch.

Khi phát hiện ra tiêu cực, người dân có nhiều kênh để phản ánh, trong đó có báo chí. Yêu cầu báo chí cung cấp rõ nguồn thông tin cũng là để đảm bảo tính chính xác của thông tin, nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng tới nguồn tin.

Có người tố cáo họ sẵn sàng đối mặt, nhưng có người thì không vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, vợ, con họ. Những quy định về bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo hiện chưa đủ sức mạnh.

Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng quy định trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) để vừa khuyến khích được những người tham gia PCTN, vừa đảm bảo được sự minh bạch của thông tin.

Cần lưu ý là nếu quy định không khéo sẽ làm người dân ngại, không muốn phiền phức, không muốn cung cấp thông tin về các vụ việc tiêu cực cho báo chí nữa.

Hà Nhân
ghi

 

Hoàng Long
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG