Có giàu mạnh mới giữ vững được độc lập

Đất nước đang phát triển từng ngày (cầu Nhật Tân, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đất nước đang phát triển từng ngày (cầu Nhật Tân, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Mất độc lập không phải chỉ là chuyện chủ quyền, lãnh thổ mà còn, thậm chí quan trọng hơn nữa là câu chuyện lệ thuộc. Nếu lệ thuộc về kinh tế sẽ dễ dẫn đến lệ thuộc về chính trị. Do đó, để nền độc lập bền vững thì phải học cha ông về văn hóa giữ nước, phải phát triển mạnh lên, không để đất nước tụt hậu”, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói về  ý nghĩa và bài học từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Chiến thắng của một nền văn hóa

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc?

Trước Cách mạng Tháng Tám (CMT8) và Quốc khánh 2/9/1945 thì người Việt Nam đã mất nước, dân tộc bị nô lệ. Với sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc CMT8 giành lai được đất nước. Ngày mùng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nhà nước của nhân dân. 

Nước mất được lấy lại, từ một xứ thuộc địa thành quốc gia độc lập, một dân tộc từ nô lệ đã thành chủ nhân của đất nước. Từ đó, quyền lực đã được xác định thuộc về nhân dân (chứ không còn của vua và tập đoàn phong kiến, thực dân như trước đó nữa). Với ý nghĩa lớn lao đó nhân dân ta coi sự kiện Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là ngày Tết Độc lập. Ngày Tết Độc lập trở thành văn hóa chứ không phải đơn thuần là chuyện chính trị.

Tuy nhiên để bảo vệ được nền độc lập đó cũng không hề đơn giản chút nào, thưa ông?

“Phải  phát triển mạnh lên, không để đất nước tụt hậu. Nếu không phát triển thì khó mà giữ được độc lập lâu bền. Ngày nay phải giàu mạnh lên mới giữ vững được độc lập. Muốn giàu mạnh thì phải phát huy dân chủ, phải có những con người năng động và tự chủ; không phải thụ động chỉ biết nói theo, làm theo; phải có tư duy phản biện, biết đổi mới, biết nghĩ khác và làm khác cha anh, để đất nước phát triển”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương 

Đúng thế! Chỉ ít lâu sau ngày giành được độc lập, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Dân tộc Việt Nam lại phải trải qua một thời gian dài kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng (tháng 5/1954), dân tộc Việt Nam đã góp phần quan trọng làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của thực dân phương Tây. 

Nhưng sau đó nền độc lập của chúng ta lại bị thử thách bởi sự xâm lược của Mỹ. Với tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cuối cùng chúng ta cũng giành thắng lợi, thống nhất đất nước. Việc thống nhất đất nước ngày đó vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh có những “thế lực mạnh” không muốn ta thống nhất. 

Họ muốn ta vẫn còn chịu cảnh chia cắt hai miền Bắc - Nam. Đó là chưa kể một cuộc chiến tranh biên giới nữa (Tây Nam và phía Bắc) cũng cam go, đầy thử thách đối với độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam… Nhắc lịch sử để thấy rằng CMT8, Quốc khánh 2/9 và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau đó có ý nghĩa lớn lao và gian khó như thế nào đối với dân tộc Việt Nam.

Theo ông điều gì đã giúp cho dân tộc Việt Nam phát huy được sức mạnh lớn lao trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc đến như vậy?

Bài học ở đây chính là sự gắn bó máu thịt giữa một Đảng chân chính, có lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, có nhân dân với truyền thống yêu nước nồng nàn. Vai trò lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong công cuộc giành độc lập là đã khơi dậy, nhân lên và phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa dân tộc của Việt Nam.

 Những chiến thắng mà dân tộc Việt Nam giành được chính là chiến thắng của một nền văn hóa. Nói như thế không phải là xem nhẹ vai trò của chính trị, quân sự, mà trong chính trị ấy, quân sự ấy có cái lõi của văn hóa dân tộc. 

Ngày ấy, những đảng viên Cộng sản bước lên pháp trường, những sĩ quan và chiến sĩ  quân đội nhân dân Việt Nam bước ra chiến trường bằng sức mạnh của một nền văn hóa ở bên trong mỗi người, đã ngấm vào xương cốt máu thịt. 

Một nền chính trị chân chính bao giờ cũng trên nền tảng văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân. Khi mục tiêu chính trị trùng với mục tiêu văn hóa của dân tộc, mà chính trị lại đi tiên phong trong mục tiêu văn hóa ấy thì chắc chắn sẽ có sức mạnh lớn lao, sẽ giành được thắng lợi.

Cho nên, nếu như ngày nào đó mà cán bộ, đảng viên để cho Đảng không còn chân chính nữa, mục tiêu chính trị xa rời và phản lại mục tiêu văn hóa của dân tộc thì sẽ hỏng hết, không thành công được nữa.

Có giàu mạnh mới giữ vững được độc lập ảnh 1 Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Như Ý.

Khơi dậy sức mạnh dân tộc

Trong tiến trình phát triển, bên cạnh những thành tựu lớn lao, đất nước còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trì trệ. Chúng ta có thể học và vận dụng được những kinh nghiệm gì từ cha, anh để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, rào cản hiện nay, thưa ông?

Nếu so với chính mình, những thành tựu mà đất nước đạt được sau 70 năm là to lớn, thành tích 30 năm đổi mới là rất đáng kể. Nhưng nếu so với các nước trên thế giới, sự phát triển đó còn chậm lắm.

Bên cạnh đó, dù chúng ta đã giành được độc lập nhưng nếu nghĩ rằng độc lập dân tộc đã vững chắc rồi thì không phải. Ngày nay, việc một nước dùng sức mạnh quân sự để xâm lăng rồi cai trị nước khác đã lỗi thời. 

Mất độc lập ngày nay không phải chỉ là chuyện chủ quyền, lãnh thổ mà còn (thậm chí quan trọng hơn nữa) là câu chuyện lệ thuộc. Nếu lệ thuộc về kinh tế sẽ dễ dẫn đến lệ thuộc về chính trị. Do đó, để nền độc lập ấy bền vững, phải tiến hành đồng thời hai việc:

Thứ nhất là ra sức học tập kinh nghiệm của cha ông về văn hóa trong giữ nước. Học để tự hào, để kính trọng, để trung thành, và nhất là để giữ nước.

Thứ hai phải phát triển mạnh lên, không để đất nước tụt hậu. Nếu không phát triển thì khó mà giữ được độc lập lâu bền. Ngày nay phải giàu mạnh lên mới giữ vững được độc lập. 

Muốn giàu mạnh thì phải phát huy dân chủ, phải có những con người năng động và tự chủ; không phải thụ động chỉ biết nói theo, làm theo; phải có tư duy phản biện, biết đổi mới, biết nghĩ khác và làm khác cha anh, để đất nước phát triển.

 Không dân chủ không thể giàu mạnh được. Quyền lực thật sự là của nhân dân (không phải của cá nhân, của “nhóm lợi ích”...) thì khi ấy, về chính trị, mới đúng là theo hướng XHCN. 

Chứ không phải viết và hô khẩu hiệu nhiều là thành XHCN. Có dân chủ mới giữ được độc lập lâu dài. Vì suy cho cùng, giữ độc lập cũng là dân giữ, mà nước có giàu mạnh hay không cũng là do dân làm.

Chúng ta phải chuẩn bị cho lớp trẻ tư duy độc lập, có phản biện, có chính kiến, bản lĩnh, có cách nghĩ, cách làm khác cha anh, tránh những sai lầm mà cha anh đã mắc phải thì đất nước mới tiến lên được. 

Từng con người trưởng thành sẽ tạo ra một dân tộc trưởng thành. Đổi mới cách nghĩ cách làm để đất nước phát triển, thì đó cũng chính là trung thành, là giữ vững và phát huy được truyền thống. Dân tộc phát triển và dân chủ xã hội - đó cũng chính là tiếp tục mục tiêu và tinh thần của CMT8 và Quốc khánh 2/9.            

Là người có nhiều trăn trở với tình hình của đất nước, ông đặt hy vọng, tin tưởng gì về tương lai phát triển của nước nhà?

Câu hỏi của bạn cũng là câu hỏi mà một người nước ngoài đã nêu ra với tôi. Khi đó đang có đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi trả lời rằng, ông hãy nhìn vào đám tang của Đại tướng đó, người trẻ khắp nơi đổ về rất đông. 

Họ đi bộ một hàng dài 4 km, suốt 5 ngày đêm, đi rất trật tự, yên lặng, kính cẩn… Cứ thế từng bước, từng bước với mong muốn vào cúi lạy Đại tướng. Người giữ xe cũng miễn phí, người bán bánh mỳ, bán nước uống cũng miễn phí. 

Mấy người gánh hoa tươi đi bán cũng tặng cho mỗi người đi viếng một bông hoa vào viếng Đại tướng… Dân tộc chúng tôi vậy đó, một cộng đồng, một lớp trẻ vậy đó, luôn biết đâu là đạo nghĩa.

 Lớp trẻ đó biết quý trọng quá khứ, quý trọng nhân cách những vị tướng đã cầm quân giữ nước, đồng thời họ cũng gián tiếp nhắn gửi với hôm nay rằng họ chỉ kính trọng những con người có nhân cách, hết lòng với nước, với dân.

 Những điều đó khiến tôi tin rằng cộng đồng này, lớp trẻ này sẽ biết cách làm đúng để đưa đất nước, dân tộc này vượt qua những rào cản, phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.

Vấn đề là phải phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa, của dân chủ, khơi dậy cho đúng sức mạnh yêu nước của cả dân tộc thì đất nước sẽ bật lên.

 Người Việt vốn năng động, có tinh thần dân tộc yêu nước...Sức mạnh tiềm tàng của người Việt trong văn hóa dân tộc là rất lớn. Nếu chúng ta “chạm” đúng vào điều đó, phát huy tối đa được văn hóa dân tộc, thực hành dân chủ rộng rãi, chắc chắn đất nước này sẽ có sức mạnh phi thường để tiến lên.

Cảm ơn ông.


MỚI - NÓNG