Có hay không việc xã tiếp tục cho đốt than giữa làng?

Các lò than tại thôn Minh Quang, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vẫn hoạt động bình thường. Ảnh chụp chiều ngày 16/3/2017. Ảnh: Hoàng Lam
Các lò than tại thôn Minh Quang, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vẫn hoạt động bình thường. Ảnh chụp chiều ngày 16/3/2017. Ảnh: Hoàng Lam
TPO - Sáng 16/3, dù khẳng định không chống lệnh chỉ đạo dừng hoạt động, tháo dỡ các lò đốt than gây ô nhiễm môi trường giữa làng, nhưng ông chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân vẫn tự quyết định cho các hộ tiếp tục đốt than.

Cụ thể, khi được hỏi vì sao cơ quan chức năng của huyện đã có chỉ đạo dừng hoạt động, tháo dỡ các lò đốt than trong khu dân cư trước ngày 30/6/2016 mà đến nay (ngày 16/3/2017) UBND xã vẫn để các lò than hoạt động, ông Lê Văn Hùng – chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Chúng tôi không chống lại chỉ đạo của UBND huyện và đã có thông báo tới chủ các lò đốt than củi về việc dừng hoạt động, tháo dỡ các lò. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số lò đang hoạt động. Dự kiến, chúng tôi tiếp tục để các hộ than đốt hết đợt này (hết tháng 3/2017), đầu tháng 4/2017, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm.

Trước đó, từ ngày 7/6/2016, UBND huyện Thường Xuân đã có văn bản yêu cầu UBND xã Lương Sơn chỉ đạo dừng hoạt động đốt than, tháo dỡ lò đốt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, lập biên bản và xử lý nghiêm nếu chủ lò than tái phạm, hoạt động đốt than. Việc này phải thực hiện và báo cáo với chủ tịch UBND huyện trước ngày 30/6/2016. Thế nhưng, không thực hiện nghiêm chỉ đạo này mà chủ tịch UBND xã Lương Sơn lại tổ chức họp dân, xin ý kiến, kéo dài thời gian cho các lò hoạt động.

Ngoài ra, dù đã có kết quả kiểm tra, chỉ đạo xử lý vi phạm các lò đốt than, nhưng UBND xã Lương Sơn tự gửi đơn phản ánh ô nhiễm môi trường từ lò đốt than của công dân về Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) để đưa ra báo cáo về hoạt động của lò đốt than. Cụ thể: Tại văn bản ngày 20/9/2016 do ông Lê Văn Hùng – chủ tịch UBND xã Lương Sơn ký, có ghi: UBND xã đã phối hợp với cơ quan Cảnh sát môi trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động đốt than gây ra xung quanh khu vực đốt. Qua kiểm tra xác minh, mức độ ô nhiễm môi trường không như nôi dung trong đơn kiến nghị của công dân nên cơ quan Cảnh sát môi trường tỉnh không tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Văn Hùng cho rằng việc xã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường để làm rõ nội dung phản ánh của công dân có đúng là mức độ độc hại của khói, khí lò đốt than thải ra không?

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ phòng Cảnh sát môi trường cho biết: Khi tiếp nhận đơn của UBND xã Lương Sơn, chúng tôi có về hiện trường để nắm bắt thông tin. Sau đó, chúng tôi được biết, việc này đã có kiểm tra, chỉ đạo, xử lý của UBND huyện nên chúng tôi không tham gia thêm, không đưa ra kết luận gì nữa.

Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, ban đầu ông Lê Văn Hùng khẳng định khói từ lò đốt than củi được cơ quan chức năng khẳng định không ô nhiễm như đơn phản ánh. Nhưng một lúc sau thì ông Hùng lại cho biết, khi đến kiểm tra lò đốt than tại một hộ dân tại thôn Minh Quang thì chúng tôi thấy mùi, khí than thải ra rất khó chịu. Chúng tôi chỉ ngồi được 5 phút tại gia đình này là phải rời đi.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Đình Minh, phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện Thường Xuân nói: Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự thiếu sót khi không thực hiện kiểm tra việc dừng, tháo dỡ các lò than tại xã Lương Sơn sau chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện. Chúng tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo về việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan của UBND xã Lương Sơn về việc không thực hiện chỉ đạo, để tình trạng các lò than vẫn hoạt động cho đến tận hôm nay.

Qua điện thoại, ông Cầm Bá Xuân – chủ tịch UBND huyện Thường Xuân khẳng định: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo Tiền Phong, ngay trong chiều 16/3, tôi đã chỉ đạo phòng chức năng có ngay văn bản chỉ đạo dừng ngay hoạt động của các lò than. Không có chuyện xã không thực hiện chỉ đạo của huyện như thế này.

MỚI - NÓNG