Hội nghị Đông Tây:

Cơ hội vận động PNTR đối với Việt Nam

Cơ hội vận động PNTR đối với Việt Nam
TP - Nhiều học giả cho rằng Hội nghị Đông Tây tổ chức lần đầu ở Việt Nam đầu tháng 12/2006 là dịp để tiếp tục vận động hành lang cho kỳ bỏ phiếu ở Quốc hội Mỹ về trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam.
Cơ hội vận động PNTR đối với Việt Nam ảnh 1
TS Nguyễn Mạnh Cường

Phóng viên Tiền phong có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng thời là Phó Trưởng Ban Tổ chức hội nghị.

Tiến sỹ có thể cho biết cơ hội vận động hành lang ở hội nghị như thế nào?

Trong số 600 - 800 đại biểu là các nhà khoa học đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có nhiều chính khách nổi tiếng của Mỹ và có ảnh hưởng khá mạnh trong giới chính trị Mỹ. Có thể kể đến Chủ tịch Trung tâm Đông Tây (East West Center – EWC) ngài Charles E.Morrison, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngài Raymond Burghardt,...

Việc các nhà khoa học và quan chức Mỹ lên tiếng ủng hộ PNTR còn có ý nghĩa quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt giới khoa học quốc tế mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội. EWC là tổ chức do Quốc hội Mỹ lập nên.

Hình ảnh về đối tác Việt Nam thân thiện, hữu nghị, cởi mở sẽ có tác động tích cực đến Quốc hội Mỹ. Vì thế, dù trực tiếp hay gián tiếp, hoạt động của hội nghị sẽ góp phần tích cực thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua quy chế PNTR.

Được biết, mỗi đại biểu tham gia phải đóng 200USD. Liệu đấy có phải là cản trở cho nhà khoa học trong nước?

Đúng là theo quy định, đại biểu khi tham dự phải nộp phí 200 USD. Tuy nhiên, VUSTA đang vận động tài trợ và miễn phí hội nghị cho tất cả đại biểu trong nước có bài tham luận đạt tiêu chuẩn trình bày trong hội nghị.

Đến nay có 40 nhà khoa học đăng ký tham dự và gửi bài tham luận cho Hội nghị. VUSTA rất mong nhận được sự tham gia và hợp tác nhiệt tình từ các nhà khoa học, cá nhân, đơn vị và tổ chức có quan tâm và gửi bài tham luận cho Hội thảo.

Cảm ơn Tiến sỹ!

Hội nghị diễn ra từ ngày 8-10/12 tại khách sạn Melia Sofitel, Hà Nội.

Chủ đề của hội nghị là “Xây dựng cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững”. Nội dung chính gồm: (1) Tương lai Việt Nam và khu vực sau Hội nghị APEC 2006; (2) Toàn cầu hóa và quan hệ quốc tế; (3) Quản lý bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; (4) Đa dạng sinh học; (5) Bảo tồn đa dạng văn hoá và nghệ thuật; (6) Kinh tế và phát triển kinh tế bền vững; (7) Kinh doanh; (8) Cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai; (9) Sức khoẻ và dân số; (10) Giáo dục thế kỷ 21; (11) Truyền thông; (12) Du lịch; (13) Phụ nữ và bình đẳng giới.

 
MỚI - NÓNG