Cơ hội vàng

Cơ hội vàng
TP - Trong khoảng thời gian không lâu, nhất là sau một năm phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, số người quan tâm, sử dụng hàng nội tăng từ 23% lên 58%.

Con số đầy ý nghĩa. Và, hơn bao giờ hết, đây đang là cơ hội vàng để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Không ít doanh nghiệp đã tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi như tinh thần dân tộc, thay đổi nhận thức tiêu dùng từ sính hàng ngoại sang chuộng hàng nội... của người dân để biến thành cơ hội thành công.

Song, trong niềm hân hoan vẫn hiển hiện những mối bận tâm lớn. Các nhà quan sát không khỏi lo ngại nhiều doanh nghiệp đang đánh mất cơ hội vừa có được. Đáng lo ngại nhất là tình trạng doanh nghiệp “gặm” vào lòng tự hào dân tộc và tình yêu hàng Việt của người tiêu dùng trong nước.

Nói một cách sòng phẳng, hiện tại chưa thể nói hàng Việt có sức cạnh tranh cao (ngoại trừ một số không nhiều sản phẩm, doanh nghiệp) nhưng khi đứng trước sự lựa chọn giữa hai hay nhiều món hàng khác biệt về xuất xứ, người tiêu dùng vẫn không ngần ngại chìa tay về phía món hàng sản xuất trong nước.

Hành động ấy phần nhiều vì lòng tự tôn dân tộc và cả ý thức trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và được gói gọn trong hai từ đơn giản, dễ hiểu: “ưu tiên” hay “ủng hộ”.

Đáng tiếc, không ít doanh nghiệp “trả ơn” sự ủng hộ ấy bằng những thái độ không mấy tích cực, thậm chí bằng cả những tiểu xảo.

Tự mãn là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp. Khi thấy người tiêu dùng chọn sản phẩm của mình, doanh nghiệp tự hài lòng, để rồi không nâng mình lên ngang tầm mong đợi của người tiêu dùng và sự phát triển của xã hội. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ không được cải thiện. Khi có sự cố hậu mãi, không ít doanh nghiệp tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm với thượng đế.

Thêm nữa, không ít doanh nghiệp xem thị trường nội địa và người tiêu dùng trong nước là “chỗ ở trọ”. Chỉ khi thị trường xuất khẩu khó khăn mới quay về “cầu cứu” sự ủng hộ của “người nhà”. Khi hết khó khăn lại lơ đi. Không có những gắn bó sắt son và sẻ chia sâu sắc với người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp sẽ rất khó giữ được những cơ hội vàng.

Chưa hết, với bài toán lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại bỏ rơi nhà máy, xí nghiệp và người lao động trong nước để sang láng giềng đặt hàng với chi phí thấp, sau đó gắn nhãn mác của mình rồi “tự hào” là hàng Việt và lớn tiếng kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Tiểu xảo thật tệ hại.

Ở chừng mực nào đó, người tiêu dùng đã “ứng trước niềm tin” cho hàng Việt, đúng hơn là doanh nghiệp Việt. Song, nếu niềm tin đó không được doanh nghiệp “trả lại” đúng nghĩa, và trả một cách nghiêm túc bằng chính việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng. Khi ấy, cơ hội vàng sẽ vĩnh viễn không trở lại.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.