Có kho báu của vua Hàm Nghi không?

Có kho báu của vua Hàm Nghi không?
Ngày 21-6, ông Hoàng Ngọc Hòa, phó văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, UBND tỉnh vừa nhận được bản tường trình đề ngày 16-6-2011 của ông Nguyễn Hồng Công về việc “khái quát tìm kiếm phát hiện kho báu của vua Hàm Nghi tại xã Hóa Sơn, Minh Hóa”.

> Người ‘thu gom’ vàng của vua Hàm Nghi

Trong văn bản, ông Công nói “nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi” và “đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng giá trị thu nhập của kho báu”.

Theo ông Hòa, những điều ông Công đưa ra trong văn bản không có tính khoa học, cũng không hề có cơ sở nào cho thấy đã tìm thấy kho báu ở xã Hóa Sơn. Và đây không phải là lần đầu tiên ông Công nói về chuyện này với UBND tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, tỉnh chưa thể có văn bản hoặc quyết định nào về việc này.

Thật sự có kho báu của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn hay không?

Ông Nguyễn Khắc Thái - tiến sĩ sử học, người có nhiều nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử cận đại, trong đó có vấn đề về kho báu của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình - khẳng định: “Bản thân tôi từng làm nhiều việc liên quan đến chuyện tìm vàng của ông Công. Chúng tôi đã đào hố thám sát tại ngọn đồi ông Công đang đào tìm kho báu, kết quả không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó từng bị xáo trộn, như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh".

"Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, lực lượng đi theo vua Hàm Nghi khi hành tẩu không đông và thường xuyên bị truy đuổi, đường đi rất dài (Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào, Hà Tĩnh...) và toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một kho của cải nặng đi theo. Việc vua Hàm Nghi rời Huế trong hoàn cảnh bị Pháp kiềm tỏa như thế thì chuyện mang cả kho báu là không thể”, ông Thái cho biết.

Lại rộ tin tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Công - người đã cất công đào xuyên núi tìm kho báu của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình từ năm 1982 đến nay - có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở tỉnh về việc ông đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.

Đồng thời ông cũng đề nghị tỉnh cho phép ông được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu.

Tuy nhiên, ngày 19-6, các ông Bàn Văn Sơn - bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn - và Đinh Xuân Đại - chủ tịch UBND xã Hóa Sơn - cho biết, đến nay, xã chưa nhận được văn bản nào của ông Nguyễn Hồng Công về việc tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Quý Nhân khẳng định: “Huyện chưa hề nhận một văn bản nào của ông Công về việc tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi”.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định, đến ngày 19-6, UBND tỉnh không có thông tin gì về vấn đề trên.

Được biết, tháng 3-2010, ông Nguyễn Hồng Công (sinh năm 1952, quê ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã tuyên bố dừng việc đào bới tìm kiếm kho báu ở xã Hóa Sơn. Nhưng đầu năm 2011, ông Công quay lại xã này tiếp tục tìm kiếm.

Theo Lam Giang
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...