Cò Lỳ - Nơi vùng lũ

Người dân Bản Cò Lỳ động viên cán bộ ngành Ðiện Yên Bái tới sửa điện cho bà con.
Người dân Bản Cò Lỳ động viên cán bộ ngành Ðiện Yên Bái tới sửa điện cho bà con.
TP - Chỉ trong 2 ngày, nước lũ đã ngập khắp nơi, chia cắt các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Nghĩa Lộ. Hệ thống lưới điện nhiều nơi bị nước lũ cuốn trôi, đồng bào trong vùng lũ ngoài thiếu nước sạch, thiếu lương thực, giờ đây còn thêm thiếu điện.

7h sáng ngày 22/7, Đội Thanh niên xung kích của Công ty Điện lực Yên Bái được triệu tập, nhiệm vụ được phổ biến rõ: Hỗ trợ cho Điện lực Nghĩa Lộ, một trong những vùng bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ của tỉnh Yên Bái, khắc phục hậu quả của bão, khôi phục lại đường dây và cấp điện cho bà con một cách nhanh nhất.

Chiếc xe chở 12 thành viên chạy một mạch từ thành phố Yên Bái tới huyện Văn Chấn, người ra đón là anh Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ. Trong bộ đồ bảo hộ vẫn vương đầy vết bùn, mũ cối và ủng còn ướt lướt thướt, anh Hà cho biết: xã Nậm Mười bị lũ thiệt hại nặng nhất của huyện Văn Chấn, ngoài các thiệt hại về nhà ở, tài sản và hoa mầu, còn có 7 người bị lũ cuốn trôi hiện vẫn chưa tìm thấy. Hệ thống điện bị nước lũ phá hủy gần như hoàn toàn, trong đó có 18 cột trung thế và khoảng 30 cột hạ thế. Cùng với đường dây đã bị lũ cuốn trôi, việc cấp lại điện cho nhân dân vùng tâm lũ là vô cùng khẩn thiết. 

Con đường dẫn vào xã Nậm Mười ngập trong lầy lội, mùi tanh nồng của bùn và cát ngập khắp sân vườn, ao cá, nhà sàn, nhiều ngôi nhà chìm ngập gần như hoàn toàn trong bùn nước. Nhiều ngôi nhà gỗ bị cuốn trôi chỉ còn trơ lại cột. Đến bờ suối, chúng tôi phải đi quá giang trên nóc một chiếc máy xúc mới sang được bờ bên kia. Đón chúng tôi ở bờ suối là anh Hà Minh Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực và các đồng nghiệp của Điện lực Nghĩa Lộ, cứ nhìn những bộ quần áo lấm lem bùn đất, hốc mắt thâm quầng và những đôi mắt vằn tia đỏ vì mất ngủ là có thể biết anh em đã bám trụ ở đây gian nan, vất vả biết nhường nào?

Nhóm tôi được giao cùng với một số anh em của Điện lực khắc phục lại đường dây hạ thế đã bị đứt tại bản Cò Lỳ với khoảng 40-50 hộ người dân tộc Thái. Cả bản chỉ còn cây cầu là đường giao thông duy nhất nối giữa 2 bên. Hết đường bê tông, con đường đất dẫn vào bản rất nhỏ và trơn trượt lại bị nước lũ phá hỏng nhiều chỗ, xe không vào được. Anh em phải thay nhau gồng gánh vật tư đi bộ vào vị trí công tác. Thấy sắc áo đỏ của chúng tôi đi qua, ai cũng hỏi chào. Các bà, các mế vừa dọn nhà vừa hỏi thăm: “Thợ điện vào sửa điện cho bà con à, sửa nhanh lên nhé”! “Thợ điện đi vất vả quá”; “Bao giờ thì có điện đấy các chú ơi”.

Đến được nơi làm việc cũng đã quá 3h chiều, mọi người ai cũng thấm mệt, nhưng tất cả quyết định làm luôn không nghỉ. Chúng tôi kéo dây qua bờ ruộng bên này suối, ngập bùn, anh em bám vào sợi dây, oằn người, chân ngập sâu trong bùn đất, các ngón chân bấm vào bùn trơn trượt. Nước chảy xiết làm cả 5 người loạng choạng nhưng rồi người sau đỡ người trước, cuối cùng cũng đứng được, đường dây chầm chậm được kéo dần ra xa. Nhưng sợi cáp vừa tiếp xúc với mặt nước thì sức đẩy của dòng nước xiết làm dây bị kéo phăng đi, người nghiêng ngả, oằn xuống dưới sức nặng. Những bắp tay cuồn cuộn nổi sóng, tì dây vào lưng, vào vai mà kéo, anh em khuôn mặt đỏ căng, mồ hôi nhễ nhại.

Đường dây được kéo chầm chậm đến giữa suối, càng ra giữa nước càng sâu và chảy mạnh, đồng thời, lực nước cuốn vào dây càng lớn, hai tay bám chặt dây đã tê dại, các bắp chân căng cứng mỏi nhừ, mồ hôi tràn vào mắt cay xè, những đôi môi cắn chặt đến bật máu. Đường dây chậm dần, chậm dần rồi không nhúc nhích nữa. Anh em đang định bỏ cuộc thì nghe tiếng nói: “giúp thợ điện kéo dây đi, không kéo được nữa rồi”. 4-5 thanh niên người Thái cởi trần, đen trũi mặc mỗi quần đùi nhào xuống và kéo cùng chúng tôi.

Việc nặng nhọc nhất là rải dây đã xong, mọi người bắt đầu chia nhau làm các công việc đã quen thuộc, bắt đai, móc, kẹp hãm dây, lên dây trên cột. Nhưng sau một ngày di chuyển rồi lại làm luôn không nghỉ ngơi ăn uống, nên anh em cũng đã mệt lử, lên dây được trên cột và căng dây lấy độ võng xong thì trời đã tối hẳn.

Không có máy nổ, anh em phải kéo dây và đấu nối trong ánh đèn pha của xe máy và đèn pin soi ếch mượn của người dân. Tất cả bà con trong bản quây lấy chúng tôi để xem, những ánh mắt háo hức, chờ mong. 20h30, việc đấu nối đã xong, anh Hà Minh Tuấn ra lệnh chuẩn bị đóng điện. Chúng tôi thu dọn hiện trường, rút các biện pháp an toàn rồi cùng với bà con ngồi chờ đóng điện. 5 giây, 10 giây trôi qua…, rồi tất cả đèn bừng sáng. “Có điện rồi”! Tiếng reo vang khắp nơi trong bản và cả chỗ chúng tôi làm. Tất cả người dân ùa về nhà, ai cũng vui mừng, bọn trẻ con reo hò ầm ĩ. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, xếp lên xe. Nhìn nét mặt tuy mỏi mệt của những người thợ điện - những người đồng nghiệp, tôi nhận thấy trong mắt họ ánh nên niềm vui lấp lánh.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".