Quốc hội thảo luận về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề:

“Cỗ máy” giáo dục đang vận hành bằng những quy định lạc hậu

“Cỗ máy” giáo dục đang vận hành bằng những quy định lạc hậu
TP - Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua, 7/11, để nghe các báo cáo và thảo luận tại hội trường về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
“Cỗ máy” giáo dục đang vận hành bằng những quy định lạc hậu ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại hội trường

Hoàn cảnh hiện nay -  muốn có một nền giáo dục chất lượng cao là không tưởng

Từ thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay, đại biểu Trần Thị  Thanh Huyền (Thanh Hóa) nêu vấn đề:

“Sẽ là không tưởng, khi mong muốn có một nền giáo dục chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiến kịp với các nước tiên tiến trên thế giới, trong khi “cỗ máy” giáo dục nước ta hiện nay đang vận hành theo những quy định rất lạc hậu, được ban hành ở những thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước. 

Đó là quy định giờ lên lớp của giáo viên từ năm 1979 nay vẫn đang thực hiện; chế độ làm việc của giáo viên cao đẳng, đại học từ năm 1978; quy định giờ chuẩn giáo viên đang thực hiện từ năm 1981; chế độ trả lương dạy thêm và phụ cấp lớp ghép từ năm 1995; chế độ lương mới và phụ cấp đã được điều chỉnh nhiều lần từ năm 2004 đến nay, nhưng hàng vạn các trường chuyên biệt thì bị bỏ quên và hưởng chế độ cũ; giáo viên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa lâu năm không được hưởng phụ cấp…”.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) đề nghị: “Cần tổng rà soát lại tất cả các văn bản quá lạc hậu, quá cũ kỹ, quá bất cập và không phù hợp với tình hình thực tế”.

Nâng cao thu nhập để chống tiêu cực và “bệnh thành tích”

Trong ngày làm việc, Bộ GD & ĐT  cũng báo cáo với Quốc hội (QH) về vấn đề chống tiêu cực trong thi cử và “bệnh thành tích” trong giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm:

“Hiện tượng này trong những năm qua đã không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, đang  làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục… Nếu không khắc phục một cách cơ bản tình trạng tiêu cực trong thi cử và “bệnh thành tích” trong giáo dục thì không thể triển khai có hiệu quả các chương trình đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học cũng như các chương trình khác đang tiến hành hiện nay”.

Vấn đề nêu trên đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Minh (Cần Thơ) cho rằng: “Giải pháp chống tiêu cực và khắc phục “bệnh thành tích” thì chúng ta đã nói nhiều, nhưng tôi lưu ý là chúng ta chưa nói đến một hệ quả, đó là khi chúng ta làm được việc này thì có khả năng từ 30% trở lên số học sinh thường ở cuối cấp sẽ bị rớt lại, dẫn đến “dồn toa”. Như vậy chúng ta có chuẩn bị đón nhận điều này chưa?”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói: “Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh chủ trương “hai không” (không tiêu cực thi cử và không bệnh thành tích) trong giáo dục. Nhưng “hai không” này có phải là chìa khóa vạn năng không?… Tôi cho là tất cả những tiêu cực và “bệnh thành tích” chỉ là “ngọn” thôi, còn “gốc” của vấn đề phát triển chất lượng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục lại nằm ở chỗ khác, trong đó có câu chuyện về thu nhập”.

Đại biểu Thuyết đưa ra dẫn chứng: “1 lớp tiểu học ở Anh có 25 học sinh, 2 cô giáo cùng dạy, lương của cô giáo chính là 2.167 bảng/tháng, tương đương với 65 triệu đồng… Như thế là đời sống nó quyết định rất nhiều, làm sao người ta tiêu cực được. Chúng ta không phải vì vật chất, nhưng phải có đời sống tốt thì chúng ta mới đảm bảo nâng cao được chuyên môn và mới giữ gìn được phẩm cách của mình”.

Hôm nay (8/11), Quốc hội làm việc về dự thảo Luật các vùng biển Việt Nam và dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

MỚI - NÓNG