Có một người thơ tên Hà Quang Dự

TP - “Ta như lữ khách đường chiều/Sương giăng lữ quán chân đèo còn xa …” (Mơ hồ). Đọc hai câu thơ trên không ai nghĩ đây là thơ của một người suốt đời làm chính trị - cựu Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cựu Bộ trưởng Hà Quang Dự.

Khi tôi chuyển 30 bài thơ trong tập thơ sắp xuất bản của ông cho một nhà thơ quen biết đọc, anh bảo “Được lắm, một người thơ lạc bước…”.

Một chính khách lạc bước vào thơ hay một người thơ lạc bước vào con đường làm chính trị?

“Một đời/Sáng tối qua mau/Thảo nguyên cỏ nát, đất nhàu bước chân/Ngẩng tìm trên dải sông ngân/Ngôi sao nào rọi phù vân/ một đời …” ( Một đời) ; “ Em đừng hỏi/Tuổi đá nào quyến rũ/ Tuổi đá nào im lặng sương rơi …” (Chợ tình cao nguyên đá) và “ Thế là chia tay/Mỗi người mỗi ngả/Tôi về chiều đông/Anh chờ mùa hạ/Chỉ còn vàng thu lá rụng giữa hai mùa …” (Nhẹ nhàng lá rụng)… Quả là những vần thơ đúng là thơ, như thơ của một nhà thơ chuyên nghiệp.

Có một người thơ tên Hà Quang Dự ảnh 1

Còn nhớ, cuối năm 1975, tôi là phóng viên báo Tiền Phong, lên Tuyên Quang công tác, tình cờ đọc một chùm thơ đăng trong  “Văn nghệ Tuyên Quang” của Hà Quang Dự, tôi rất thích chùm thơ này và cứ nghĩ Hà Quang Dự là một nhà thơ ở vùng đất này mà tôi chưa quen biết.

Năm 2005, ông gửi tặng tôi tập thơ “Đôi khúc hát ru” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, tôi có một bài viết về tập thơ này đăng báo.

 Mấy lần hẹn, nay mới có dịp ngồi trò chuyện với ông. Trong bữa cơm đạm bạc, cựu Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cựu bộ trưởng Hà Quang Dự bộc bạch nhiều điều về thơ, về các con. Ông nói, ông đến với thơ rất sớm và từ đó cho đến giờ ông vẫn sáng tác thơ. “Cổng làng xưa, hưng phế thời mở cửa /Ngõ đời nay, xô lệch chốn quan trường”. Tôi rất thích hai câu thơ này trong một bài thơ mà ông gửi cho tôi để đưa vào một tuyển tập thơ tôi soạn nhiều
năm nay.

Có một điều mà ông ân hận mãi là đã không có điều kiện chăm sóc hai cô con gái vào thời điểm những năm cuối 70, đầu 80 của thế kỷ trước. “Dạo đó thiếu thốn đủ thứ; tuy đã là bí thư T.Ư Đoàn nhưng đến hộp sữa cũng không có cho con, cả tuần mới có được vài miếng thịt, viết được bài báo, có thêm vài đồng nhuận bút mới dám mua con gà… Vì thiếu thốn nên các con không phát triển được đầy đủ…” và đó cũng là điều mà ông “ân hận suốt đời…” .  Nghe ông nói vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên. Hai cô con gái của ông đều xinh xắn,  khỏe mạnh, học hành giỏi giang, sao lại nói không phát triển đầy đủ?  Cựu bộ trường bảo “Nhưng, các con mình chỉ cao bằng bố thôi…” . Ra là vậy. Chiều cao của ông quả là khiêm tốn.

 Hai cô con gái của ông nếu được phát triển đầy đủ như ông nói hẳn không chỉ là những cô gái xinh xắn mà còn là những cô gái đẹp “chân dài”, có thể đoạt giải cao trong các cuộc thi hoa hậu. Phải rồi, ông là người yêu cái đẹp. Khi báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 búa rìu đã không ngớt giáng xuống chúng tôi cái tội tầy đình lúc đó: Tuyên truyền lối sống tư sản, lối sống Mỹ… Nếu lúc đó ông không là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, không phải là người yêu cái đẹp ắt hẳn chúng tôi còn khốn khổ hơn … Cả nhiều năm về sau ông cũng luôn ủng hộ các hoạt động đổi mới của báo Tiền Phong. Có lần, đã mười giờ tối, ông còn dẫn tôi qua nhà ông Trần Xuân Giá lúc đó là bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ để xin cái công văn thừa lệnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu toàn quốc lần thứ 3 ở đó.

Niềm ân hận mà nghe qua tưởng ông nói cho vui thật ra là rất sâu sắc. Ông đã thể hiện điều đó qua nhiều bài thơ ông làm, trong bài “Lời ru cho các cháu” ông viết   “Mẹ các cháu sinh ra trong thời nghèo khó/cơm độn ngô khoai/miếng thịt mua tem phiếu nhăn nheo lờ lợ/giờ nhớ lại ông còn thấy sợ …Khoảng lặng này trong ông/giờ không bù được nữa / có ai hiểu thời gian mắc nợ/nợ chính lòng mình/đến mãi ngàn thu …” . Ông nói, ông có nhiều bài thơ dạy các con, các cháu. Ông dạy các con mình, giờ là các cháu là dạy phương pháp tư duy, là dạy kinh nghiệm tiếp cận, xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Ông kể, khi con gái đầu của ông là Hà Hồng Diệp đang làm luận án thạc sĩ thì xảy ra cuộc chia tay đột ngột với người yêu. Một cú sốc lớn với Diệp. Ông đã thức nhiều đêm đến hai ba giờ sáng bên con, tâm sự, cảm thông, động viên, chia sẻ với con… Và Hà Hồng Diệp đã vượt qua cú sốc tình cảm, luận án thạc sĩ của Diệp đạt 9,9 điểm.

“Vợ chồng chúng tôi luôn coi các con như những người bạn, tâm tình cởi mở, hướng dẫn chứ không bao giờ áp đặt. Chúng tôi dạy các con yêu thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, dạy con biết yêu cái đẹp. Có được ngày nghỉ là vợ chồng dẫn hai con đi chơi  vườn hoa hay ra ngoài đồng nội, chỉ cho các con từng loài hoa, loài cỏ phân biệt các loài cây… Bây giờ các con chúng tôi tuy định cư ở nước ngoài nhưng vẫn giữ truyền thống kính trên nhường dưới, sống hài hòa với thiên nhiên, nhà ở có vườn hoa rất đẹp…”.

Tôi biết, con người thơ trong ông luôn nhất quán, cả sự rung cảm hồn nhiên, nhiều khi là sự ngây thơ, cả tin… Điều mà tôi thiển nghĩ không có lợi cho con đường chính khách của ông và những gì mà ông vấp váp có lẽ cũng từ đây…

Tôi nhớ trước đây, những lần đến căn hộ tập thể phố Đội Cấn nơi ông ở thường thấy trên bàn trong phòng khách một lọ thủy tinh cắm vài bông hoa. Tuy đó là thời mà nhà thơ Tố Hữu đã viết “Cơm còn không đủ, chơi hoa nỗi gì”. Hai cô con gái của ông lúc đó còn tết tóc đuôi sam xinh xắn chạy ra chạy vào… Thời gian quả là kỳ lạ …

Hà Hồng Diệp cô con gái đầu sinh năm 1973, giờ là tiến sỹ Y khoa, đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng Adelaide (Úc). Cô con gái thứ hai là Hà Hoàng Lan sinh năm 1976, tiến sỹ kinh tế ở Đức, giờ làm việc cho một công ty Anh quốc. Hai người con rể của ông cũng là tiến sỹ làm việc ở nước ngoài.

Tôi biết ông là người sống tình cảm nhưng nghiêm khắc. Có lần tình cờ đến nhà ông, ông đi vắng, tôi chào vợ ông, bà Lâm Bích Đào.  Bà Đào cũng tốt nghiệp đại học nông nghiệp, về làm ở Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn. Tôi thấy hai cô con gái ông đang hí húi làm bài. Tôi bảo “Chủ nhật mà các cháu cũng học à ?”. Cả hai đều bảo “Bố cháu ra đề văn, chúng cháu phải làm cho xong ngày hôm nay” .

Ông từng là đại biểu Quốc hội, ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng phụ trách Công tác thanh niên và thể thao; Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên Việt Nam; rồi là Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục và thể thao Việt Nam.

Ông là người yêu thơ, làm thơ. Ngay từ khi làm Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang ông đã có thơ đăng trên báo. Ông đã xuất bản hai tập thơ . Ông bảo tập thơ mới của ông sẽ xuất bản năm nay và đang nhờ nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc…

Ông có nhiều bài thơ được nhiều người ưa thích. Có nhiều câu thơ hay mà tôi tâm đắc như “Lâu rồi tôi đợi thu sang/để thu thả bớt lá vàng vào đông…”.

Có tờ báo viết bài về ông, rút tít “Có một người trầm tư tên Hà Quang Dự”. Cũng phải! Người làm thơ nào chả trầm tư! Cho đến nay tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn giữ được sự hồn nhiên, lãng mạn trong tâm hồn, tuy ông là một quan chức lâu năm,  một chính khách và cũng là một chính khách nhiều lần “bất đắc chí”, tôi thiển nghĩ vậy.

            Nhà vườn Sóc Sơn 2016

Cựu Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cựu Bộ trưởng Hà Quang Dự sinh năm 1945 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, trong một gia đình nho học, ông là người dân tộc Tày. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp, ông tham gia công tác đoàn, từng làm Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang. Ông chuyển về làm Bí thư  rồi Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 5 (1987) tôi cũng được bầu vào ban chấp hành, rồi ban thường vụ T.Ư đoàn được phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của đoàn, kiêm tổng biên tập báo Tiền Phong. Đó cũng là thời kỳ ông đảm nhận vai trò Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, trở thành thủ trưởng trực tiếp của tôi. Năm 1988, ban Thường vụ Trung ương Đoàn do ông đứng đầu đã có một quyết định “ lịch sử” là đề nghị bỏ quy định phải là đoàn viên mới được vào đại học, mới được đi du học nước ngoài. Tuy bị phản ứng quyết liệt từ nhiều phía nhưng cuối cùng đã thành công.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.