Có nên bắn tốc độ... tàu hỏa?

Có nên bắn tốc độ... tàu hỏa?
Nguyên nhân tai nạn tàu E1 bước đầu được xác định do lái tàu chạy quá tốc độ. Có nên bắn tốc độ... tàu hoả? Câu hỏi được đưa ra trong cuộc họp báo chiều 15/3 tại Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội.

Buổi họp báo sau vụ tai nạn tàu E1 thảm khốc thu hút khá nhiều phóng viên báo đài tham dự. Vấn đề được nhiều phóng viên quan tâm nhất là tốc độ của tàu E1. Tại sao lái tàu Bùi Thái Sơn lại phải chạy nhanh như vậy? Phải chăng có sức ép gì?

Ông Trần Đức Giao - Tổng Giám đốc Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết, việc chạy tàu 30 giờ được áp dụng từ năm 2002.

Quá trình chạy tàu 30 giờ từ trước đến nay cho thấy đều đúng giờ, không có chuyện sức ép về thời gian. Tài xế tàu 29, 30 giờ đều là những người lành nghề. Cụ thể, tài xế Bùi Thái Sơn là thợ bậc 3 (bậc cao nhất) và lái tuyến này từ năm 1999. Tài xế Sơn thuộc đường, thuộc tốc độ từng đoạn. Ngoài ra, hàng năm ngành đường sắt đều có quy định chặt chẽ về tốc độ bằng lệnh, ghi rõ lý trình từng đoạn nào được chạy nhanh, chậm.

Nguyên nhân tai nạn tàu bước đầu được xác định là do lái tàu chạy quá tốc độ. Nhưng đã có bao nhiêu lái tàu bị đình chỉ vì vi phạm về tốc độ? Ông Giao trả lời rằng sau mỗi hành trình đều có kiểm tra hộp đen của tàu, ai vi phạm đều bị xử lý. Tuy nhiên, ông ''hồn nhiên'': ''Chưa có số liệu cụ thể vì... chưa thấy cấp dưới báo cáo lên!''. 

Không đồng tình với câu trả lời ''thiếu trách nhiệm'' của người đứng đầu cơ quan chủ quản tàu E1, một phóng viên đưa ra ''giải pháp'': Cũng như với ôtô, có nên bắn tốc độ tàu hoả? Tuy nhiên, lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng, hành trình tàu đi qua các ga đã là ghi nhận về tốc độ. Đây là những điểm giám sát tốc độ giữa 2 ga dựa trên khoảng cách các ga và quy định về tốc độ cung đường như thế nào.

Trả lời câu hỏi rằng liệu có phải ngành đường sắt đã chạy theo thành tích nên để xảy ra những tai nạn đáng tiếc như vậy, ông Nguyễn Đạt Tường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt VN - cho biết: ''Qua tai nạn này, chúng tôi muốn tìm ra những nguyên nhân và tập trung khắc phục hậu quả. Không phải vì ngành đường sắt chạy theo thành tích. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi bao giờ cũng là an toàn. Cũng mong nhân dân hiểu được và có sự đánh giá khách quan về hoạt động của ngành đường sắt!''.

Sau vụ tai nạn tàu E1, dư luận đặt ra về vấn đề có nên duy trì tàu 29 và 30 giờ nữa không? Tại cuộc họp báo, lãnh đạo ngành đường sắt VN cho biết đang rà soát lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến tàu 29 và 30 giờ để làm sao cho thật đảm bảo. ''Tôi khẳng định một khi ngành đường sắt cho chạy đoàn tàu nào thì đó đều là những đoàn tàu an toàn...!'' - Ông Nguyễn Đạt Tường nói.

''Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn này là do tình trạng khép kín của ngành đường sắt hay không? Vì hiện nay từ sản xuất, sửa chữa đến kinh doanh, giám sát đều nằm trong ngành. Có phải do người nhà ''nể nang'' nhau nên dẫn đến tình trạng chạy quá tốc độ và gây tai nạn hay không?'' - Phóng viên một tờ báo phía Nam băn khoăn.

Ông Nguyễn Đạt Tường: ''Ngành đường sắt hoàn toàn không khép kín. Chúng tôi chia thành những bộ phận độc lập. Ví dụ như bên chế tạo phương tiện là một bộ phận độc lập với các đơn vị khác dựa trên cơ sở quan hệ với nhau theo hợp đồng kinh tế, theo đơn đặt hàng. Việc này mang tính chất hoàn toàn thương mại và có cạnh tranh giữa các đơn vị có khả năng tham gia. Sau khi chế tạo xong chúng tôi lại có bộ phận kiểm định độc lập.

Trước đây bộ phận này cũng thuộc đường sắt nhưng hiện nay đã tách ra và nhập vào Cục Đăng kiểm. Đây là một đơn vị để đảm bảo an toàn đối với phương tiện, thiết bị khi đưa ra vận hành, đều phải có giấy đăng kiểm của Cục Đăng kiểm. Về tài xế, sau khi được cấp chứng chỉ, hàng năm được tiến hành tổ chức khám sức khoẻ, được cấp giấy phép lái tàu do bên Cục Đường sắt cấp. Không phải chúng tôi bó gọn...!''.

Người đứng đầu 1 cơ quan bao giờ cũng có trách nhiệm khi cấp dưới gây ra tội lỗi. Một phóng viên đã thẳng thắn hỏi ông Trần Đức Giao: ''Nếu được nhận hình thức kỷ luật, ông đề xuất hình thức nào?'' - Ông Tổng giám đốc Cty Vận tải hành khách đường sắt HN nói: ''Ngành đường sắt sẽ có phân định cụ thể cùng với các cơ quan chức năng!''.

Còn ông Nguyễn Đạt Tường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt VN - cho rằng, ngành đã có quy chế để phân khai trách nhiệm cụ thể. Từ trên xuống dưới, những ai có trách nhiệm, có liên quan đến việc này sẽ có những hình thức kỷ luật phù hợp để không còn xảy ra tai nạn. ''Sẽ nghiêm khắc và cụ thể. Tai nạn này chỉ là ''con sâu bỏ rầu nồi canh''...!''.

''Con sâu bỏ rầu nồi canh''! Phải chăng, tất cả là tại lái tàu?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.