Có nên cấm những người nhiễm HIV/AIDS sinh con?

Có nên cấm những người nhiễm HIV/AIDS sinh con?
TP - "Đây là việc cần được nghiên cứu, xem xét bởi lẽ những người nhiễm bệnh sinh con thì đứa trẻ cũng bị nhiễm. Và nếu họ đẻ vô tội vạ sẽ để lại hậu quả nặng nề cho xã hội” -

Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, ông Tào Hữu Phùng đã lên tiếng như vậy khi hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào ngày hôm qua (20/2).

Về chính sách đối với người bị nhiễm HIV/AIDS, ông Tào Hữu Phùng cũng đưa ra quan điểm rất đáng lưu ý. Ông nói rằng trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, lại phải lo trăm công, nghìn việc thì không thể “gánh” được phần chính sách cho tất cả những người nhiễm bệnh này.

“Bác sĩ khi điều trị cho bệnh nhân bị lây nhiễm hay người bị lây nhiễm HIV/AIDS thuộc gia đình nghèo thì ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo chính sách chứ còn người nhiễm bệnh do hút hít là con nhà giàu mà ngân sách Nhà nước tài trợ là vô lý”- Ông Phùng phân tích.

Ông Tào Hữu Phùng nói thêm: “Đa số những người bị nhiễm HIV/AIDS do nghiện hút là con nhà giàu. Con những Bộ trưởng, Thứ trưởng do nghiện hút mà lây nhiễm HIV/AIDS cũng không ít”.

Một điểm mới được bổ sung cũng rất đáng chú ý ở dự thảo luật lần này là quy định người tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng được nhiều đại biểu tán thành.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết về danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả. Mặc dù Ban soạn thảo không tán thành việc tổ chức trường, lớp học riêng cho những trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học bị nhiễm HIV/AIDS nhưng một số đại biểu đã đề nghị cần cân nhắc về điểm này.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn bổ sung quy định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành các quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, giáo dục, trường giáo dưỡng với người bị bệnh AIDS đã quá nặng.

Một trong những quy định quan trọng của dự thảo là việc “bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động bị nhiễm HIV/AIDS”.

Như vậy, những người đang giữ chức vụ nào đó nếu bị nhiễm HIV/AIDS có bị hạ chức vụ đang giữ để chuyển sang công việc khác? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói rằng không có chuyện như vậy. “Nếu Chủ nhiệm ủy ban như tôi mà bị nhiễm thì vẫn làm việc bình thường, không sao cả”- Bà nói.

Bà Hoài Thu cũng cho biết thêm, quy định bố trí công việc phù hợp sẽ chỉ áp dụng đối với các trường hợp người lao động bị nhiễm HIV/AIDS ở những nghề nghiệp dễ gây lây nhiễm cho người khác (các loại ngành nghề này sẽ do Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB-XH quy định).

MỚI - NÓNG