Có nhất thiết phải sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội?

Nhiều Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đề nghị không nên sửa Điều 60 Luật BHXH. Ảnh Dũng Nguyễn.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đề nghị không nên sửa Điều 60 Luật BHXH. Ảnh Dũng Nguyễn.
TPO - Nhiều đại biểu quốc hội đoàn thành phố Hà Nội cho rằng không nên sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội. Thay vào đó, Quốc hội nên ra Nghị quyết quy định về thời gian và lộ trình thực hiện điều luật này.

Hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về việc sửa hay không sửa điều 60 Luật BHXH. Tại phiên họp tổ sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội đã nêu quan điểm về vấn đề này.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, khi trình ra Quốc hội, điều 60 Luật BHXH đã thể hiện được ý chí của toàn dân, trên cơ sở lựa chọn phương án tốt nhất, người lao động về hưu đảm bảo an sinh xã hội.

Về tình trạng phản ứng của người lao động muốn được lấy bảo hiểm một lần, đại biểu Khánh cho rằng, không phải do luật không phù hợp mà do việc tuyên truyền chưa tốt.

“Cớ gì chúng ta cứ phải chạy theo số ít? Người lao động nhận tiền một lần bây giờ, sau này không có nữa, về hưu không có lương lại trở nên nghèo khổ, không đảm bảo cuộc sống. Lúc đó rồi lại bảo giá như ngày xưa tôi không lấy bảo hiểm một lần. Chúng ta nên tuyên truyền cho tốt để người lao động hiểu”, đại biểu Khánh nêu quan điểm, đồng thời đề nghị không sửa Điều 60, Luật BHXH.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng, điều 60 thể hiện một chính sách an sinh xã hội, phù hợp với xu hướng của thế giới.

Về phản ứng của một bộ phận người lao động, đại biểu Nhi cho rằng, cũng có nguyên nhân do người lao động khó khăn thực sự, không có khả năng tiếp tục đóng bảo hiểm, nhưng cũng có tình trạng không ít người chưa hiểu được chính sách nên vẫn còn a dua.

“Vì sao Luật thể hiện quan điểm của Đảng, phù hợp Hiến pháp như vậy mà lại sửa? Nếu sửa chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt cho một bộ phận người lao động, còn tác động đến chính sách là không tốt. Nếu sửa thì số người hưởng trợ cấp một lần sẽ tăng lên, số người không có lương hưu cũng tăng, sẽ làm mất đi sự đúng đắn của chính sách an sinh xã hội, mặt khác không khuyến khích được người tham gia bảo hiểm tự nguyện”, đại biểu Nhi nêu quan điểm và đề nghị không nên sửa điều 60, đồng thời cho rằng Chính phủ nên có giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người lao động.

Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc sửa Điều 60. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, quá trình làm luật hoàn toàn chuẩn, không có gì sai, việc thẩm tra cũng rất chuẩn. Mặc dù vậy, đại biểu An vẫn kiến nghị sửa điều 60. Lý do vì trong xã hội vẫn còn đó một bộ phận, một góc khuất ở đâu đấy có nhiều người còn khó khăn.

Từ thực tế 43/47 người lao động khu công nghiệp đề nghị có chính sách hưởng bảo hiểm một lần, đại biểu An đồng tình với chủ trương nên sửa luật. “Điều 60 Luật BHXH không sai nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng nên sửa để người lao động có lựa chọn tốt hơn. Ai chẳng biết gạo nếp ngon, nhưng nhiều người lại không ăn được nên phải cho họ lựa chọn, dù ăn khoai cũng được” – đại biểu An nói.

Đại biểu Phạm Huy Hùng cho rằng với cơ chế lương hiện nay rất khó để tuyên truyền cho người lao động tham gia bảo hiểm. “Về hưu mà lương chỉ có hơn triệu bạc, không giải quyết được việc gì. Cán bộ cao cấp sau 37 – 38 năm công tác, khi về hưu, lương cũng chỉ vài triệu đồng, không đủ sống”, đại biểu Hùng nêu thực trạng, với mong muốn chính sách bảo hiểm thực chất hơn.

Nhiều Đại biểu đoàn thành phố Hà Nội đều thống nhất không nên sửa điều 60, mà Quốc hội nên ra Nghị quyết, quy định về thời gian và lộ trình thực hiện.

Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện người lao động đông nhưng lại tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính ổn định không cao, lương thấp. Thế nên người lao động không tiếc khi bỏ việc về quê. Nếu người lao động phải chờ 20 năm mới được hưởng bảo hiểm sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, theo đại biểu Son, không nên vội sửa Điều 60 mà trước mắt chỉ nên ra Nghị quyết.

“Chính sách ưu việt nhưng không phù hợp thực tiễn. Nhưng lúc này không nên sửa mà nên ra nghị quyết và có lộ trình thực hiện. Nếu luật chưa thi hành đã sửa bây giờ, nhiều thế lực thù địch sẽ lợi dụng điều này đấu tranh, chống phá chúng ta”, đại biểu Son nói.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.