Có nhiều tiền để… nghèo!

Có nhiều tiền để… nghèo!
Suốt 1 tuần liền, cả làng Cót, hầu như nhà nào được nhận tiền đền bù đất cũng làm cỗ bàn đánh chén hỉ hả. Người thì tính toán tậu một cái xe máy, người thì tính chuyện mua vàng dự trữ... Thế nhưng, đó chỉ là cái “áo diêm dúa” khoác lên bề ngoài.

Tính bình quân, mỗi năm Hà Nội có hơn 1.000ha - trong đó chiếm 80% là đất nông nghiệp - bị thu hồi, giải tỏa để nhường chỗ cho những khu công nghiệp, khu đô thị mới, vui chơi giải trí...

Năm 2008, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục thu hồi 1.500ha (trong đó có 904ha là đất nông nghiệp). Điều này đồng nghĩa với việc gần 40.000 hộ dân trồng rau, cấy lúa ở ngoại ô sẽ bị mất đất sản xuất.

Đó là những số liệu mà cơ quan chức năng ở Hà Nội vừa nêu ra trong một cuộc hội thảo về giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất vừa được tổ chức mới đây.

“Làng sung sướng”!

Cách đây 2 - 3 tuần, cả làng Cót (thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu kéo nhau đến trụ sở HTX để nhận tiền đền bù dự án đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài và dự án khu đô thị mới Nam Trung Yên.

Gần 100 hộ gia đình có ruộng “rơi” vào dự án. Tổng số tiền đền bù lên tới hơn 30 tỷ đồng. Vậy là, tính trung bình, mỗi gia đình bỗng dưng nhận được khoảng 300 triệu đồng từ “cơ hội bị mất đất nông nghiệp”.

Có khoảng 10 gia đình nhận được mức tiền trên 1 tỷ đồng. Số hộ được nhận 400 - 500 triệu đồng khá nhiều - những món tiền mà từ xưa đến nay, có nằm mơ họ cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Đặc biệt, có một gia đình nhận được tới hơn 1,6 tỷ đồng. Ngay khi Ban quản lý dự án bàn giao tiền, đã có đại diện của một chi nhánh ngân hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đến tận trụ sở xã để “mở quầy tiết kiệm” cho bà con gửi tiền vào.

Người nhận được bọc tiền nhiều nhất xã là gia đình bà T. Sau khi gửi tiết kiệm 1,6 tỷ đồng xong, bà vẫn còn thừa số lẻ, mang về đủ để sửa sang lại khu nhà cửa.

Theo thống kê, từ năm 2000 - 2007, Hà Nội đã triển khai gần 3.000 dự án đầu tư liên quan đến việc thu hồi đất (trung bình mỗi năm có 300 dự án) làm ảnh hưởng đến hơn 178.000 hộ dân.

Theo số liệu điều tra của Sở LĐTB-XH Hà Nội, có gần 58% người dân sử dụng tiền đền bù để xây dựng nhà cửa. Đầu tư cho sản xuất phi nông nghiệp chỉ chiếm 1,27%, cho học nghề là 2,55%.

Suốt 1 tuần liền, cả làng Cót, hầu như nhà nào được nhận tiền cũng làm cỗ bàn khao đãi, đánh chén hỉ hả. Người thì tính toán tậu một cái xe máy cho con gái. Người thì tính chuyện mua vàng dự trữ. Kẻ lại giục mua một cái ô tô. Kẻ lại khuyên nên xây một ngôi nhà lớn để ở cho sung sướng…

Ai cũng nhận ra rằng, từ nay họ không còn phải đi ra đồng làm lụng, lấm lem như trước nữa.

Những hộ gia đình cũng có ruộng nằm ở khu cánh đồng làng, giáp khu dự án, nhưng chưa bị thu hồi thì đang chờ đến lượt bị thu hồi đất.

Nhiều người còn nhanh chân, ra biến thửa ruộng của mình thành vườn cây ăn quả. Gọi là vườn cây ăn quả, nhưng toàn là chuối. Trồng xong bỏ hoang ở đấy, đậu quả cũng chẳng cần ra thu hoạch. Tất cả là để chờ ngày đền bù, giải tỏa. Bởi vì, một mét vuông đất trồng cây ăn quả sẽ có mức đền bù cao gấp 1,5 - 2 lần trồng lúa.

Thế nhưng, làng Cót chỉ mới là khúc dạo đầu của một bản nhạc buồn. Đã có hàng chục ngôi làng nằm ở Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh… mà sau khi bị mất đất, nông dân đã cười ra nước mắt, khi tiền đền bù thì tiêu mất, lại chẳng có việc để làm…

Mỹ Đình, Mễ Trì (Từ Liêm), Xuân Đỉnh, Xuân La, Cổ Nhuế (Tây Hồ) có lẽ là nơi tiêu biểu nhất cho bi kịch nông dân mất đất.

Ở đây, sau khi nhận tiền đền bù, gia đình nào nhanh tay xây 1 - 2 cái nhà nghỉ thì bây giờ còn thu hoạch được chút tiền. Nhưng nếu nhà nào cũng xây nhà nghỉ thì “loạn nhà nghỉ”. Bao năm đói nghèo, túng thiếu. Bởi vậy, có sẵn đồng tiền, phần đông đều nghĩ đến việc tiêu xài. Người được đền bù ít, vài chục triệu đồng, thì tiện tay tậu 1 con xe “a còng” để vi vu cho sành điệu.

Người có nhiều tiền tranh thủ xây nhà cửa cho thật khang trang, hoành tráng. Nhà nào cũng 3 - 4 tầng, cầu thang cuốn, chóp. Chỉ sau 1 năm, cả làng Mỹ Đình, Mễ Trì đã biến thành một “phố làng” sầm uất ở sau khu đô thị mới Mỹ Đình, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, đường Lê Đức Thọ…

Thế nhưng, đó chỉ là cái “áo diêm dúa” khoác lên bề ngoài. Xây nhà xong thì thường tiền đền bù cũng cạn sạch. Nhiều nhà còn phải vay mượn thêm mới hoàn thiện. Nên xây xong nhà thành con nợ.

Để có tiền mưu sinh hàng ngày, nuôi con em ăn học, chi trả tiền điện, nước, mua rau, gạo… thay vì trông vào sào rau, thửa ruộng, hàng ngàn phụ nữ phải đi đóng than tổ ong, bán nước chè, ghi số đề thuê trước sân vận động Mỹ Đình, bán bánh mì rong trong bến xe Mỹ Đình… Đàn ông thì đi kéo, đổ đất thuê, làm phụ hồ, chạy xe ôm, bơm vá xe đạp dọc cao tốc Láng - Hòa Lạc…

Đó là những công việc mà người có tuổi phải làm. Còn đám thanh niên, chiếm lực lượng rất đông đảo, sau khi học xong PTTH, không phải ai cũng kiếm được một việc làm tạo thu nhập. Nhiều con em tụ tập ở quán game, ngồi ngáp vặt trong quán nước. Không ít kẻ rơi vào vòng xoáy ma túy, trở thành trộm cắp vì “nhàn cư vi bất thiện”…

Theo bà Nguyễn Thị Gấm, một hộ dân ở xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội), hiện trong xã có 10 dự án, đã “ngốn” mất 100% đất nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ có… 10 người của xã được nhận vào làm việc trong dự án. “Còn lại khoảng 2.700 lao động hiện không biết sẽ làm gì để sinh sống”.

Ông Bùi Quốc Phê, ở xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh - Hà Nội) thì bức xúc: “Hiện xã chúng tôi đang có hơn 2.000 người mất đất không có việc làm. Nhiều hộ sau khi nhận 500 - 600 triệu đồng tiền đền bù nhưng chỉ ăn tiêu 2 - 3 năm đã hết sạch, giờ lại trở thành hộ nghèo”.

Thực tế, có tới 60% nông dân trả lời, rằng chính bản thân họ cũng không muốn cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “chân lấm tay bùn” mãi.

Trả ruộng, vườn cho nhà nước để nhà nước làm khu đô thị, khu công nghiệp, vui chơi giải trí là điều mà họ cũng đang mong mỏi, với điều kiện những công trình được đầu tư xây dựng thực sự mang lại lợi ích bền vững, đích thực, được quy hoạch hợp lý hơn, để cho bộ mặt đô thị ngày càng mở mang, hiện đại như nhiều nước trên thế giới.

Bởi vì, hiện nay tại nhiều nơi ở ngoại ô, ngoại trừ những làng trồng rau xanh, hoa, cây cảnh thì những làng còn trồng lúa, hầu như chỉ là “lấy công làm lãi”.

Thế nhưng, rất tiếc là ở nước ta, sau khi người dân mất đất thì họ lại không biết phải làm gì để sống?

Mức hỗ trợ, mức đền bù không thỏa đáng. Mất đất, không có việc làm, nhiều người đã trở thành nghèo, số không ít rơi vào tệ nạn xã hội, phải phiêu bạt đi tứ xứ mưu sinh, cuộc sống ngày càng khốn khó…

Bởi vậy, tạo việc làm và dạy cho họ có đủ trình độ tay nghề, thu hút họ vào những khu vực sản xuất tập trung, ngay tại chỗ là rất cấp bách. Nhưng xem ra, yêu cầu này Hà Nội lại không làm được, không thực sự được chú trọng.

Theo thống kê, năm 2007 trong tổng số 20.000 lao động bị thu hồi đất ở Hà Nội thì chỉ có chưa đầy 5.000 người được học nghề và số được tạo việc làm thì còn ít nữa.

Hiện không gian đô thị của Hà Nội đang “Tây tiến” về Hà Tây (kể cả khi Hà Tây không được sắp sáp nhập về Hà Nội). Hàng trăm dự án mới đã và đang được ào ạt triển khai ở đây (hiện trên địa bàn Hà Tây đang có tới 150 dự án lớn).

Tổng số đất cần thu hồi là 3.100ha. Như vậy, sẽ có thêm hàng ngàn hộ dân ở vùng “Hà Nội tương lai” bị mất đất nông nghiệp.

Bởi vậy, nếu việc quy hoạch không tính đến những giải pháp lâu dài, bền vững như có chính sách hỗ trợ cho người nông dân, tạo việc làm và dạy nghề cho họ, Hà Nội không có được một người tài, nhìn xa trông rộng về quy hoạch thì sẽ có một cuộc “đại thất nghiệp” ở Hà Nội.

Theo Văn Phúc Hậu
SGGP

MỚI - NÓNG