Có thể lọt, nhưng không thể oan, sai

TP - Tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), Luật Tạm giam, tạm giữ và một số luật liên quan khác. Chắc chắn câu chuyện làm sao hạn chế oan sai, quyền im lặng của bị can, bị cáo sẽ tiếp tục được đưa ra “mổ xẻ”.

Tiền Phong trao đổi với đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa và nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ xung quanh câu chuyện này. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa:

Xử tội phạm bằng chứng cứ, chứ không phải ép cung

Vừa qua khi thảo luận về Dự thảo Bộ luật TTHS tại tổ, một số đại biểu lo ngại rằng việc quy định “bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình” là dung dưỡng cho tội phạm, ông bình luận thế nào về sự lo ngại trên?

Có thể lọt, nhưng không thể oan, sai ảnh 1

ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đây là quyền của con người, quyền của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tôi là công dân thì tôi có quyền được suy đoán vô tội. Chứ tự dưng anh nghi tôi phạm tội, anh bắt tôi phải khai, phải trả lời cái này, cái kia là không được. Tôi là một công dân bình thường, tôi không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của anh. Tại sao anh lại kết luận người ta là tội phạm, trong khi chưa có bản án có hiệu lực. Cho nên cách suy diễn như thế là không phù hợp. Người ta không khai, nhưng anh có chứng cứ đầy đủ thì vẫn chứng minh hành vi phạm tội. Thậm chí anh không khai thì điều đó có khi lại bất lợi cho anh. Anh khai để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Vì thế việc dự thảo quy định bị can, bị cáo không buộc phải khai báo những điều bất lợi cho mình là hoàn toàn phù hợp. Còn nghĩa vụ của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng là phải chứng minh người ta phạm tội bằng chứng cứ chứ không phải lời khai.

Phải chăng Dự thảo cũng cần bổ sung quy định buộc cơ quan điều tra khi tạm giữ, bắt ai đều thông báo rằng “anh có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình” như ở các nước vẫn làm khi nói: “Anh có quyền im lặng”, thưa ông?

Theo Dự thảo Bộ luật TTHS thì khi bắt, khi tạm giữ, tạm giam thì cơ quan tiến hành tố tụng phải phổ biến ngay cho người bị bắt biết một số quyền ban đầu. Thứ hai là tạo điều kiện cho người đó gặp luật sư. Tuy nhiên theo tôi kinh nghiệm mà một số nước đang thực hiện là khi bắt, cảnh sát thường nói: “Anh có quyền im lặng, những gì anh nói có thể là bằng chứng chống lại anh…” theo tôi cũng rất đáng học tập. Cách làm này thể hiện cơ quan tố tụng tôn trọng quyền con người. Người ta không đặt vấn đề là anh phải khai ngay. Anh không khai thì mặc anh, chúng tôi sẽ có đủ chứng cứ, vật chứng để chứng minh hành vi phạm tội của anh.

Về biện pháp ghi âm, ghi hình cũng có ý kiến lo ngại rằng lúc bức cung, nhục hình thì người ta đâu có ghi âm, ghi hình. Vì thế quy định là xa vời thực tiễn, lãng phí?

Tôi cũng cho rằng ghi âm, ghi hình không phải là biện pháp có thể giải quyết hết được tình trạng bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai. Nhưng trong tình hình hiện nay và kinh nghiệm ở các nước cho thấy biện pháp này có thể giải quyết được một phần. Nó khẳng định, những bản cung có giá trị pháp lý phải là những bản cung được ghi âm, ghi hình. Bị can, bị cáo cũng phải được thông báo rằng buổi hỏi cung được ghi âm, ghi hình nên ít nhiều cũng có tác dụng.

Cùng với việc sửa đổi Bộ luật TTHS thì một loạt các luật khác như: Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Hình sự… cũng đã và đang được sửa đổi. Ông kỳ vọng gì về việc sửa đổi lần này sẽ góp phần giảm án oan sai?

Đổi mới là việc chúng ta cần phải làm. Tuy nhiên để đổi mới không phải là điều dễ, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả xã hội, hệ thống chính trị. Như chúng ta thấy, qua thảo luận vẫn có những ý kiến muốn chậm lại quá trình đổi mới, chậm lại quá trình cải cách tư pháp, thậm chí còn quy chụp là “diễn biến hòa bình”. Đổi mới bao giờ cũng có trở lực, bao giờ cũng khó khăn thách thức. Nó đòi hỏi tất cả các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra và cả đội ngũ luật sư phải sửa đổi nhưng hiện trạng, thói quen, cách suy nghĩ cũ để đáp ứng được yêu cầu. Nhưng vì quyền con người, quyền công dân thì chúng ta vẫn phải làm, phải nâng tầm của mình lên để đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên có ý kiến nói rằng, sửa đổi các luật nhưng vẫn những cán bộ tố tụng cũ, con người cũ thì án oan khó giảm, thưa ông?

Đúng là luật pháp đều phải thông qua con người. Nhưng nếu luật pháp càng tốt thì con người càng khó vi phạm. Luật pháp càng chặt chẽ thì con người càng khó lạm dụng, khó lách. Luật pháp càng nghiêm minh thì con người càng không dám vi phạm nữa.  Khi bị xử lý nghiêm minh thì người ta sẽ không dám tái phạm nữa. Có như thế thì mọi người trong xã hội mới không còn nghĩ rằng vào tù, vào trại tạm giam, tạm giữ trước hết là bị đánh, bị đe dọa. Chứ nếu luật pháp lỏng lẻo thì việc đầu tiên của điều tra viên không phải là đi thu thập chứng cứ, suy nghĩ xem vì sao hành động thế này, hành động thế kia mà việc đầu tiên là đánh can phạm để họ buộc phải khai ít hoặc nhiều.

Cảm ơn ông!

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ:

Không thể nói là “dung dưỡng cho tội phạm”

Có thể lọt, nhưng không thể oan, sai ảnh 2

ĐB Trần Văn Độ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tôi không ủng hộ quan điểm cho rằng việc Dự thảo Bộ luật TTHS quy định  bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình là “dung dưỡng cho tội phạm”. Vì thực tế pháp luật của chúng ta hiện tại cũng đã có quy định về vấn đề này. Tức là bị can bị cáo có quyền trình bày lời khai và chứng cứ. Có quyền ở đây nghĩa là người ta có thể thực hiện, hoặc không. Việc quy định như vậy trong dự thảo luật lần này là muốn nhấn mạnh thêm yếu tố quyền đặc biệt đó, khi người ta thực hiện cái quyền đó thì trong quá trình xét xử vụ án, không được coi đó là tình tiết tăng nặng, hay ngoan cố… Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng cấm tất cả các biện pháp để buộc người ta phải khai báo chống lại mình.

Quy định này cũng không thể coi là dung dưỡng cho bị can bị cáo, vì trách nhiệm chứng minh tội phạm đó là của cơ quan buộc tội. Quy định đó để họ thực hiện quyền bào chữa, để bảo vệ mình bằng các biện pháp hợp pháp. Điều này cũng góp phần chống được bức cung nhục hình do thành tích, hay do động cơ nào đó, dẫn đến oan sai. Điều quan trọng ở đây, làm thế nào để người dân tin vào công lý, các cơ quan tố tụng thực hiện một cách khách quan, chính xác và đảm bảo về quyền con người, thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện, xử lý tội phạm.

Nhiệm vụ đặt ra trong hoạt động tư pháp là không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, nhưng nhiệm vụ không làm oan phải được đặt lên hàng đầu. Có thể lọt tội phạm, nhưng không thể để oan, vì nếu xảy ra oan, sai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau trong cuộc sống.

MỚI - NÓNG