Có thể xử lý hình sự vụ vứt bệnh phẩm nội tạng người bừa bãi

Có thể xử lý hình sự vụ vứt bệnh phẩm nội tạng người bừa bãi
TP - Hôm qua, 7/10, ông Trần Quang Trung - Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết, vụ vứt bừa bãi 30 kg bệnh phẩm nội tạng người, bị bắt quả tang hôm 3/10, là lần đầu tiên xảy ra.
Có thể xử lý hình sự vụ vứt bệnh phẩm nội tạng người bừa bãi ảnh 1
2 túi màu đen chứa bệnh phẩm nội tạng người bị bắt quả tang vứt ở thùng rác Bệnh viện Giao thông Vận tải, Hà Nội sáng 3/10

Điều này là không thể chấp nhận được đối với một cán bộ đã có quá trình công tác trong ngành y tế 10 năm.

Ông Trung cho biết thêm sau khi có kết quả kiểm nghiệm bệnh phẩm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và có kết quả họp liên ngành bàn hướng xử lý vụ việc này, Thanh tra Bộ Y tế sẽ có quyết định xử lý chính thức với ông Nguyễn Ngọc Quân, mức xử lý có thể xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn sẽ xử lý hình sự. 

Trước đó, ngày 3/10, các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội và tổ bảo vệ của Bệnh viện Giao thông Vận tải đã bắt quả tang Nguyễn Ngọc Quân, cán bộ của Bộ môn Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học (GPB-TBH), Đại học Y Hà Nội vứt 2 túi nylon màu đen vào thùng đựng rác thải của Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Khi 2 chiếc túi nylon này được mở ra tại hiện trường, không ít người chứng kiến phải rùng mình, run sợ khi bên trong đó là nội tạng người như: dạ dày, tử cung, túi mật, gan, tay.

Theo lời khai của Nguyễn Ngọc Quân, đây là số bệnh phẩm của Khoa GPB-TBH sau khi xét nghiệm, chẩn đoán bệnh giao cho Quân mang đi tiêu hủy tại Trung tâm GPB-TBH, Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, do cũng phải đến Bệnh viện Giao thông Vận tải để nhận tiếp mẫu bệnh phẩm mới nên Quân đã “tiện tay” vứt luôn số bệnh phẩm cần phải tiêu hủy này vào thùng đựng rác thải của bệnh viện này.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, đây không phải là lần đầu tiên Quân thực hiện hành vi này.

Ông Trần Văn Hợp, Chủ nhiệm Bộ môn GPB-TBH, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, để phục vụ công tác nghiên cứu, chẩn đoán, Khoa GPB-TBH đã ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn, xét nghiệm chẩn đoán mô tế bào học với Bệnh viện Nông nghiệp I và Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Theo định kỳ, khoa sẽ cử cán bộ của mình là Nguyễn Ngọc Quân đến lấy mẫu bệnh phẩm về khoa để phân tích, sau đó thu gom lại, khoảng 1 tháng sẽ đi xử lý một lần.

Trung bình số bệnh phẩm mà Khoa nhận xét nghiệm cũng như đi tiêu hủy là khoảng 10kg/tháng nhưng từ trước đến nay, Khoa GPB-TBH lại chưa hề ký bất kỳ một hợp đồng với đơn vị có chức năng nào về xử lý chất thải y tế mà chỉ đem đến Trung tâm GPB-TBH của Bệnh viện Bạch Mai để “nhờ” xử lý hộ.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của người quản lý đối với hành vi không thể chấp nhận của Nguyễn Ngọc Quân, đặc biệt là đối với môi trường giáo dục như Trường Đại học Y Hà Nội, ông Hợp thừa nhận những thiếu sót trong công tác quản lý cán bộ nhưng hình thức xử lý Nguyễn Ngọc Quân do chính ông đề nghị lên lãnh đạo Đại Học Y Hà Nội chỉ là… cắt tiền thưởng một năm.

Theo nguyên tắc, tất cả các bệnh phẩm sau khi xét nghiệm, dù là bệnh phẩm tươi, hay bệnh phẩm đã ngâm formol đều phải được tiêu huỷ hoặc chôn lấp vì đây là chất thải cực kỳ độc hại của ngành y tế do nguy cơ phát tán mầm bệnh nếu không được xử lý đúng quy trình.

Thái Hà, SGGP

MỚI - NÓNG