'Cờ thi đua cứ nhận, nợ với dân vẫn còn'

Chánh án Nguyễn Hòa Bình tại hội nghị
Chánh án Nguyễn Hòa Bình tại hội nghị
TP - Ngoài những thành tựu to lớn đã đạt được, ngành tòa án vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Tình trạng đình chỉ án sai, xử án treo sai, áp dụng quy định sai… còn nhiều. Thậm chí việc viết bản án cũng sai về chính tả, ngữ pháp lẫn nội dung.

Lo thi đua, quên xử án

Tại hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2017 (từ 12 đến 14/1), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong ngành tòa án. Trước tiên là số vụ án bị tạm đình chỉ rất nhiều và nhiều vụ tạm đình chỉ sai. “Chúng ta có khoảng 22.000 vụ tạm đình chỉ, có địa phương đến 5.000 vụ. Nhiều vụ tạm đình chỉ tập trung vào tháng 8 tháng 9 (tháng thi đua của ngành - PV) tức là chạy thi đua. Có những căn cứ tạm đình chỉ không theo luật, ví dụ chờ người đại diện, chờ thỏa thuận… Có vụ tạm đình chỉ nhiều lần vì một lý do hoặc căn cứ tạm đình chỉ đã hết nhưng vẫn tạm đình chỉ. Ví dụ nuôi con nhỏ, giờ nó lớn rồi vẫn đình chỉ. Có nhiều vụ tạm đình chỉ quá dài như ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) có vụ từ 2008 tới giờ…” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Đánh giá về việc này, Chánh tòa tối cao cho rằng tạm đình chỉ như vậy là đặt công dân vào tình trạng căng thẳng pháp lý, nhất là với án hình sự. Người dân trở thành bị cáo, bị can nhiều năm. Ông nói: “Tôi cũng đồng tình là nhiều vụ tạm đình chỉ đúng và là một biện pháp tố tụng để giải quyết vụ án nhưng trong tình thế tạm đình chỉ bị lạm dụng quá nhiều thì tôi coi đó là khuyết điểm. Giờ chúng ta phải khắc phục chứ không để tình trạng cờ cứ nhận do tỷ lệ giải quyết án cao nhưng nợ nần với dân thì vẫn còn”.

Án treo rất nhiều

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tỷ lệ các bản án treo rất cao, có địa phương lên tới gần 30%. Tuy nhiên, nhiều vụ áp dụng án treo không đúng và có biểu hiện cố tình treo. Ông chỉ rõ: “Án treo được tuyên cho các vụ kết án 2 lần, phạm 2 tội, chưa xóa án tích… hoặc đối tượng chủ mưu, côn đồ, cầm đầu cũng treo. Tức là quyết tâm treo rất cao, không đúng. Hoặc tòa sơ thẩm xử giam, phúc thẩm xử treo nhưng không nêu lý do. Hoặc tòa sơ thẩm treo sai, phúc thẩm không phát hiện tiếp tục treo, như vậy có sự thông từ trên xuống dưới. Án kinh tế, tham nhũng bị Quốc hội lên án rất nhiều nhưng tình trạng treo các đối tượng phạm tội kinh tế tham nhũng vẫn còn”.

“Tôi xin nói mỗi bản án của thẩm phán phải là một áng văn khuất phục được tội phạm, thuyết phục được cả xã hội. Thế nhưng lời lẽ câu cú không chọn lọc, ngữ pháp không sõi. Người ta bảo tiếng Việt không sõi thì ông ra bản án thế nào được”.

            Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án tòa tối cao nêu vụ việc xử cho Việt kiều Mỹ mua dâm ở Cà Mau án treo. Ông nói: “Đại gia Việt kiều mua dâm, giao cấu trẻ em thì xử án treo khiến người ta đặt vấn đề vì ông đại gia, ông là Việt kiều ở Mỹ nên mới được treo”.

Tồn tại tiếp theo của ngành được Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ra là án bị hủy sửa do lỗi chủ quan rất nhiều. Ông nói: “Có vụ giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện, người ta kiện chỉ đòi trả 200 triệu nhưng tòa xử 400 triệu, vượt quá yêu cầu bị hại. Người ta đặt câu hỏi sao tòa hăng hái thế? Phần dôi ra 200 triệu để làm gì? Nội bộ tôi cũng phải đặt ra câu hỏi có gì trong cái này không… Hoặc người cho vay kiện người vay, xử một hồi ông cho vay mất luôn tiền lại còn phải chịu phạt. Những chuyện này rất khó chấp nhận”.

Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cũng có nhiều trường hợp không đúng, ví dụ có chuyện CQĐT thu tiền thu lời bất chính rồi nộp án phí cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ… Hoặc có khi áp dụng biện pháp khẩn cấp không đúng như việc vợ chồng mâu thuẫn nhưng tòa phong tỏa cả doanh nghiệp để người ta khó khăn. “Thôi phong tỏa tài khoản cá nhân, không được bán nhà, xe là chuyện cá nhân nhưng Cty mấy nghìn người cũng phong tỏa hết, lấy đâu trả lương?” - Chánh án đặt câu hỏi.

Mời giáo viên về dạy chính tả

Về phương hướng 2017, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo trọng tâm công tác là nâng cao chất lượng xét xử trên tinh thần: “Tránh nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Đặc biệt, Chánh án cũng đề nghị cán bộ trong ngành phải nâng cao trình độ, hiểu biết pháp luật. Ông cho biết: “Tôi đi địa phương hỏi anh có biết có hướng dẫn của tòa tối cao không, bảo không biết. Trong khi đó dân thì biết, riêng hướng dẫn của tòa tối cao về những điều có lợi cho bị cáo theo nghị quyết của Quốc hội thì một ngày có 30.000 lượt truy cập. Không chỉ có điều tra viên, luật sư, công tố viên mà dân người ta cũng nghiên cứu”.

Năm 2017, tòa án sẽ công khai bản án lên mạng. Tuy nhiên, thách thức lớn với việc này được Chánh án tối cao chỉ ra là việc nhiều bản án viết sai về chính tả, ngữ pháp, không đóng dấu… Ông nêu ví dụ: “Có trường hợp tuyên một đằng, án một nẻo hoặc hai bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung… Người ta sẽ suy luận đủ thứ từ vấn đề này... Tôi xin nói mỗi bản án của thẩm phán phải là một áng văn khuất phục được tội phạm, thuyết phục được cả xã hội. Thế nhưng lời lẽ câu cú không chọn lọc, ngữ pháp không sõi. Người ta bảo tiếng Việt không sõi thì ông ra bản án thế nào được”.

Nhằm khắc phục việc này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ mở lớp tập huấn trực tuyến để viết bản án theo mẫu. “Sẽ mời giáo viên dạy văn đến để người ta dạy về câu cú, chủ ngữ, vị ngữ và từng dấu chấm, dấu phẩy cũng phải học lại. Đừng để người ta nói thẩm phán không sõi tiếng Việt” – Chánh án nói.

Không cần phải biểu diễn

Đó là chỉ đạo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình khi nói về 3.900 phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức trong năm qua. Ông giải thích: “Chúng ta có 3.900 phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng chúng ta chẳng có kinh nghiệm gì vì đây là cái của VKS. Họ xử xong, họ ngồi rút kinh nghiệm với nhau mới có bài học còn ông thẩm phán xong cắp cặp đi về… Bây giờ chúng ta phải rút kinh nghiệm. Đây là con đường tự học, tự nâng cao kiến thức của mình rất rẻ, hiệu quả mà không phải đến trường lớp, thi cử. Chúng ta cần tự học không cần phải biểu diễn bởi công tác của ta ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị, quyền lợi của người dân”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Chất lượng ngành tư pháp do cán bộ ngành tư pháp quyết định chứ không phải do tổ chức, do luật… Đó chỉ là điều kiện cần thôi, điều kiện đủ là cán bộ… Chúng ta có đổi mới đến mấy, công nghệ thông tin hiện đại bao nhiêu, có xe cho xịn nhưng con người hư hỏng sẽ làm ngành tư pháp hư hỏng”…

MỚI - NÓNG