Có tình trạng mắc bệnh tâm thần phân liệt thể… khiếu kiện

Ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
Ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
TPO - Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh điều này để nêu lên thực trạng “nghiện” tố cáo của không ít người, khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo sáng 14/3.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, giải quyết khiếu nại tố cáo rất vất vả, phức tạp, đa chiều. Theo ông Việt, trước tiên cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ thuê cả đối tượng giang hồ đến khống chế người tố cáo, dẫn đến nhụt ý chí, rồi vì miếng cơm manh áo mà không dám lên tiếng. Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt”, ông Việt cho hay.

Thống nhất với tờ trình của Chính phủ chỉ giải quyết đơn thư chính thống, theo ông Việt, lúc này lại đi giải quyết đơn thư nặc danh thì “loạn". Mặt khác, có tình trạng nhiều người đã tố cáo sai lại còn chây ì, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, rồi dựng chuyện vu khống. Ông Việt nhấn mạnh và đề nghị chưa nên đưa hình thức tố cáo nặc danh vào. 

Không gọi là nặc danh, song ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, trên thực tế vẫn còn tình trạng lợi dụng tố cáo. Tình trạng nhắn tin liên tục cho rất nhiều người, tối ngày đi kiện, kiện hết chuyện này đến chuyện khác mà chưa có cách nào xử lý vấn đề này. 

“Bên y nói có người bị tâm thần phân liệt thể khiếu kiện. Quanh năm chỉ đi kiện, kiện hết chuyện này đến chuyện khác. Bên y nói Việt Nam chưa có cách xử lý bệnh này”, ông Bình cho hay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, vào mỗi dịp đại hội, bầu cử thường rất phức tạp, tố cáo người này người kia rất nhiều. Không ít trường hợp tố cáo do người trong cuộc đẩy ra, đứng sau lưng người tố cáo và đó là những người có chức quyền chứ không phải dạng xoàng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị nên xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm người tố cáo sai sự thật, làm mất danh dự, quyền lợi chính trị của người bị tố cáo. “Có người nói cái gì bỏ được chứ còn tố cáo em không bỏ được. Nhiều người nhắn tin tố cáo liên tục, vừa xong cuộc này lại tố cáo tiếp cuộc kia, mất rất nhiều thời gian của cơ quan pháp luật”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, phải quy định thế nào để đủ sức răn đe. Tố cáo phải công khai chứ không phải đứng sau kiểu ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe. Nên tập trung vào tố cáo có danh, nếu nặc danh thì phải có sự việc cụ thể mới xem xét, nếu không thì rất mênh mông, làm tất cả sẽ rất rộng.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì cho rằng, tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin thuộc cơ quan điều tra sẽ thiết thực hơn, nếu không sẽ nhiễu hết. Ông cũng cho biết, cá nhân ông liên tục nhận được tin nhắn tố cáo, điều này rất khó cho công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng tình với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên ông Tỵ cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn về tố cáo mạo danh, nặc danh, nếu có thông tin chính xác, dù nặc danh cũng phải nghiên cứu, xem xét.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải hết sức lưu ý đến việc bảo về người tố cáo, điều này rất cần thiết vì tâm lý xưa nay là người tố cáo rất sợ bị trả thù. Do vậy cần quy định chính sách bảo vệ ra sao, để người tố cáo yên tâm, đi đến cùng vấn đề.

MỚI - NÓNG