Coi chừng vé máy bay giả!

Coi chừng vé máy bay giả!
Một số hành khách mua vé máy bay Tết tại TP.HCM "tá hỏa" khi phát hiện mình đã mua phải vé giả.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (24 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú Q.10) cho biết, chị thường mua vé máy bay của phòng vé số 69 Nguyễn Minh Hoàng, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM và thường giao dịch với nhân viên Nguyễn Hoàng Duy của phòng vé này. Trong những lần mua vé trước đây, Duy rất nhiệt tình, mang vé đến tận nhà, thái độ vui vẻ, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Tất nhiên, những lần trước đều là vé thật. Nhưng lần này là vé giả. Quá bức xúc, chị Hà đã đến Công an P.12 (Q.Tân Bình) trình báo. 

Đại diện của Vietnam Airlines cho biết, vé điện tử là thông tin được cung cấp cho hành khách sau khi mua vé tại các phòng vé hoặc đại lý, hoặc mua vé trực tuyến trên website. Hành khách sau khi mua vé sẽ được phòng vé hoặc đại lý cung cấp Tờ hành trình và Phiếu thu tiền cước vận chuyển và phí dịch vụ. Phiếu thu này được xem là chứng từ, hóa đơn đặc thù của hàng không.

Tương tự, theo đại diện của Hãng hàng không Jetstar Pacific, vé máy bay điện tử của hãng đã được đăng ký tại Cục Thuế TP.HCM và được chấp nhận. Phòng vé của hãng hoặc đại lý bán vé máy bay sẽ cung cấp phiếu thu tiền cước vận chuyển và phí dịch vụ cho khách. Nếu hành khách mua vé qua internet thì đến bất kỳ phòng vé nào của hãng để yêu cầu xuất phiếu thu này (mang theo giấy tờ tùy thân và mã đặt chỗ). 

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, ngày 19.12, chị Nguyễn Thị Thu Hà gọi điện thoại đặt mua 3 vé máy bay đi từ TP.HCM ra Đà Nẵng.

Cùng ngày, Duy giao vé và lấy 3.390.000 đồng. Chị Hà kể: "Em mang 3 vé đến phòng vé Ánh Dương để đổi ngày đi, thì bất ngờ nhân viên phòng vé nói mã code trên vé là không đúng. Nếu không đến đổi vé, thì chắc em cũng không thể biết mình và bạn bè đang sở hữu 3 chiếc vé máy bay giả hãng Vietnam Airlines (VNA)". 

Phóng viên đã gửi đến VNA các mẫu vé giả và được hãng này xác định tất cả đều không đúng mẫu vé hiện hành của VNA. Thông tin trên các mẫu vé đều sai và thiếu so với mẫu hiện hành.

Qua kiểm tra cho thấy, đối tượng không có mật khẩu để vào hệ thống bán vé máy bay của hãng mà dùng các thủ thuật để in ra tờ giấy giả mạo vé điện tử của VNA như: gọi điện đến đại lý chính thức của VNA với tư cách là khách hàng, đặt chỗ nhưng không mua vé, chỉ để lấy thông tin chuyến bay và mã số đặt chỗ; sao chép mẫu vé của VNA và tự tạo ra các thông tin khác trên vé.

Theo cơ quan công an, một trường hợp khác là ông Trần Văn Lộc (52 tuổi, ngụ Q.3) cũng gọi điện cho Duy đặt mua 5 vé máy bay đi từ TP.HCM đến Huế, sau đó Duy mang vé máy bay của hãng Jetstar Pacific Airlines (JPA) đến tận nhà giao cho ông Lộc và lấy 7.954.000 đồng. Khi kiểm tra qua mạng internet, ông Lộc đã phát hiện vé giả nên đến trình báo công an.

Coi chừng vé máy bay giả! ảnh 1
Vé máy bay giả - Ảnh: D.Đ.M

Qua điều tra, cơ quan công an đã xác định Nguyễn Hoàng Duy, 26 tuổi, thường trú ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), đã xin vào làm nhân viên bán vé máy bay cho Công ty cổ phần Chân Trời Viễn Đông (số 69 Nguyễn Minh Hoàng, P.12, Q.Tân Bình) vào ngày 11.11.2009, đến ngày 23.11.2009 thì nghỉ việc.

Trong thời gian làm việc tại công ty, Duy đã sử dụng danh thiếp in số ĐTDĐ của mình đưa cho khách hàng quen đặt mua vé khi có nhu cầu.

Theo Công an Q.Tân Bình, hành vi lừa đảo bán vé máy bay giả đã từng xảy ra trên địa bàn quận này.

Cụ thể là vào khoảng tháng 5.2009, Nguyễn Văn Hưng (24 tuổi, quê Bình Định, tạm trú Q.8) cùng với một số người bạn tên Trường, Hạnh, Bảy, Thảo (chưa xác định lai lịch) hùn vốn mở phòng bán vé máy bay K300 tại số 3 Nguyễn Minh Hoàng, P.12, Q.Tân Bình do Trường đứng tên trên giấy phép kinh doanh.

Sáng 10.8.2009, một hành khách là chị Phạm Thị Diệp Anh đã đến phòng vé máy bay K300 gặp Hưng để mua 1 vé máy bay đi từ TP.HCM - Hà Nội. Chiều cùng ngày, Hưng mang 1 vé máy bay có mã đặt chỗ là TYD6KQ đến khách sạn giao cho chị Diệp Anh và nhận 1,3 triệu đồng.

Cùng ngày 10.8.2009, anh Ngô Sơn (38 tuổi, quê Quảng Nam, tạm trú Q.Tân Bình) cũng gặp Hưng đặt mua 8 vé máy bay khứ hồi về quê ăn Tết với số tiền là 14,4 triệu đồng. Hưng đã sử dụng code đặt chỗ TYD6KQ đã bán cho chị Diệp Anh trước đó, rồi in vé ra bán cho anh Sơn.

Ngày 28.11.2009, anh Sơn đến phòng bán vé máy bay chính thức của hãng JPA để đối chiếu vé thì phát hiện vé của mình mua là vé giả. Quay trở lại phòng vé K300 thì Hưng đã trả mặt bằng và phòng vé không còn hoạt động nữa. Hưng đã xin vào làm nhân viên tại một công ty trang trí nội thất trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú.

Ngày 2.12.2009, anh Sơn tình cờ phát hiện Hưng tại đây nên đã báo cho Công an P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, sau đó vụ việc được chuyển cho Công an Q.Tân Bình thụ lý. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Cẩn trọng khi mua vé

Cả hai hãng hàng không VNA và JPA đều khẳng định phòng vé số 69 Nguyễn Minh Hoàng, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM và Công ty cổ phần Chân Trời Viễn Đông không phải là đại lý của hãng mình.

Đại diện của JPA cho hay, vé máy bay điện tử được phân phối đến tất cả các kênh bán thông qua một hệ thống quản lý đồng nhất. Tình trạng chỗ trống trên chuyến bay được nhìn thấy ở bất kỳ kênh bán nào cũng như nhau, không có chuyện đại lý này nhìn thấy còn vé mà đại lý khác không thấy, kể cả các phòng vé chính của hãng cũng được bảo đảm đồng nhất như đại lý, khi chuyến bay đã hết vé đồng nghĩa với việc không có kênh bán nào có thể bán được vé.

Có thể còn nhiều trường hợp mua nhầm vé giả tương tự, nhưng chưa được phát hiện. Theo khuyến cáo của JPA, để kiểm tra vé máy bay đã mua, khách hàng có thể liên lạc với tổng đài của JPA qua số điện thoại 19001550 hoặc 08.3 9550550, nhân viên phục vụ khách hàng sẽ cung cấp đầy đủ tình trạng vé cho khách bao gồm hành trình, tình trạng thanh toán, tình trạng xác nhận chỗ...  Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đến trực tiếp tại các phòng vé chính thức của Jetstar Pacific trên toàn quốc để kiểm tra tình trạng vé.

Còn VNA thì đề nghị hành khách liên hệ trực tiếp qua website: vietnamairlines.com.vn; tổng đài điện thoại 38320320 hoặc phòng vé và các đại lý chính thức VNA. Đại diện VNA cho hay, nguồn thông tin của VNA là thống nhất trên các kênh phân phối. Sau khi khách hàng mua vé, có thể kiểm tra lại thông tin qua một trong những kênh phân phối trên trong trường hợp có sự nghi ngờ, tránh những phát sinh đáng tiếc khi ra sân bay mới phát hiện ra, ảnh hưởng đến quá trình đi lại của khách trong dịp cao điểm.

Theo Mai Vọng - Đàm Huy
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.