Còi, đèn ưu tiên: Phạt cả xe chở quan chức biển xanh?

Nếu không siết chặt quản lý, còi, đèn ưu tiên trở nên nhàm với người đi đường. Ảnh: Như Ý
Nếu không siết chặt quản lý, còi, đèn ưu tiên trở nên nhàm với người đi đường. Ảnh: Như Ý
TP - Về tình trạng loạn dùng còi, đèn ưu tiên, Thượng tá Ngọ Quang Tuyết, Phó trưởng phòng Tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt) cho biết, phát hiện và phạt cả xe biển xanh chở quan chức vi phạm.

Nhiều xe biển xanh cũng vi phạm

Ông Tuyết cũng nói: Để người dân bớt bức xúc, các cơ quan nhà nước nên tự tiết giảm việc đi xe ưu tiên.

Còi, đèn ưu tiên: Phạt cả xe chở quan chức biển xanh? ảnh 1 Thượng tá Ngọ Quang Tuyết

Hiện, tình trạng xe cá nhân sử dụng trái phép còi đèn ưu tiên tràn lan, Cục có biện pháp nào để chấn chỉnh, thưa ông?

Các xe tư nhân biển trắng dùng còi, đèn ưu tiên chắc chắn là trái phép nên họ thường lén lút trong chốc lát. Vì thế, việc phát hiện để xử lý sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra xử lý trong thời gian tới. Với các xe giả cứu thương lắp đặt thiết bị phát tín hiệu ưu tiên như Tiền Phong phản ánh cũng vậy, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra.

Được biết, từ năm 2013, Cục triển khai việc tuần tra kiểm soát và tịch thu còi, đèn ưu tiên sử dụng không đúng quy định, kết quả ra sao?

Chúng tôi đã thực hiện 2 đợt kiểm tra theo kế hoạch sau khi Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BCA-BCT của Bộ Công an và Bộ Công Thương quy định về thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền có hiệu lực. Có 36 trường hợp được phát hiện xử lý; trong đó, 20 trường hợp đúng đối tượng, nhưng chưa được cấp phép. Còn 16 trường hợp không thuộc đối tượng được sử dụng, nhưng vẫn lắp đặt đã bị tịch thu. Trong 16 trường hợp này có cả xe biển xanh.

Theo quy định, xe ưu tiên chủ yếu phục vụ các lực lượng có nhiệm vụ khẩn cấp như cảnh sát phòng cháy, CSGT và xe cấp cứu… Vì sao, có nhiều xe của các bộ ngành không có những công việc khẩn vẫn thích dùng tín hiệu ưu tiên?

Có thể đây không phải là chủ trương của lãnh đạo mà do anh em lái xe tự lắp để sử dụng. Theo quy định của pháp luật, xe của các bộ trưởng cũng không thuộc diện được cấp phép lắp đặt thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Với các cán bộ thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp đã có xe cảnh sát dẫn đường.

Sau Thông tư liên tịch về việc lắp thiết bị phát tín hiệu ưu tiên phải được đăng ký và cấp giấy phép sử dụng. Khi triển khai thông tư này, chúng tôi đã tuyên truyền phổ biến rộng rãi; đối tượng nào tiếp tục được lắp đặt phải làm thủ tục cấp phép; đối tượng nào không được cấp phép phải tự tháo bỏ. Tuy nhiên, qua việc phát hiện các xe biển xanh vi phạm (sử dụng còi đèn ưu tiên) vừa qua, chứng tỏ việc sử dụng không đúng quy định là có.

Vì sao nhiều xe ưu tiên, dân không tránh?

Với những cán bộ có chức quyền đi xe biển xanh lắp còi, đèn ưu tiên sai quy định, lực lượng CSGT có dám xử lý?

Khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ dừng để kiểm tra như các phương tiện khác và chúng tôi sẽ tịch thu còi, đèn, xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt thực hiện chặt chẽ việc cấp phép. Nhiều cơ quan ban ngành quan trọng ở trung ương gửi hồ sơ đề nghị cấp, nhưng vì sai đối tượng nên chúng tôi không thực hiện.

Ngoài CSGT, theo ông, các cơ quan nhà nước phải làm sao để kiểm soát còi, đèn ưu tiên?

Chúng tôi đề nghị các cơ quan ban ngành thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nếu dùng tràn lan thì không những làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về còi, đèn ưu tiên, mà còn làm mất trật tự an toàn của xã hội, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Thực tế, việc sử dụng tràn lan còi, đèn ưu tiên đã làm người dân bức xúc. Nhiều trường hợp khi sử dụng còi, đèn ưu tiên đúng quy định, nhưng người tham gia giao thông vẫn không cho vượt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường vào cuộc quyết liệt để kiểm soát việc nhập, kinh doanh thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trên thị trường. Bởi vì theo quy định, việc kinh doanh các thiết bị này phải được cấp phép, bán đúng đối tượng.

Cảm ơn ông!

*Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Hành vi không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn bị phạt 600.000 đến 800.000 đồng. Mức phạt với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

* Đến nay, CSGT 63 tỉnh thành cấp cho 3.033 phương tiện; trong đó ô tô 2.445 chiếc; mô tô 588 chiếc. Cục CSGT Đường bộ-Đường sắt cấp cho 147 phương tiện (bao gồm xe của Bộ Công an, xe cứu thương và xe của Bộ Y tế...) ở Trung ương. Xe quân đội, do Bộ Quốc phòng cấp và quản lý. Theo quy định, thanh tra giao thông không được lắp còi, đèn ưu tiên. Tuy nhiên, đang phổ biến việc xe của lực lượng này lắp các thiết bị ưu tiên tùy tiện.

Quản lý thị trường kêu khó

Chiều 11/3, một đội trưởng quản lý thị trường tại Hà Nội cho biết, theo quy định, việc kinh doanh còi, đèn ưu tiên nhà nước không cấm. Tuy nhiên, việc quản lý các đại lý, cửa hàng bán có đúng đối tượng hay không là rất khó. Về nguyên tắc, người kinh doanh phải có giấy phép; còn người có nhu cầu mua phải có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 04. Theo vị đội trưởng quản lý thị trường, thực ra nhu cầu cũng như các địa điểm bán loại còi đèn ưu tiên với số lượng ít nên khó kiểm tra.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), hiện, tại địa bàn TP Hà Nội chỉ có khu vực Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) có bán loại hàng hóa này. Việc kiểm tra các cửa hàng có giấy phép hoạt động hay không thuộc trách nhiệm của Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, mà trực tiếp là Đội Quản lý Thị trường Hai Bà Trưng.

Phong Cầm

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.