Hà Nội:

Cơm "bụi" khan hiếm

Cơm "bụi" khan hiếm
TP - Không chỉ giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng cao, sau Tết Nguyên đán nở rộ nhiều dịch vụ thi nhau “chặt chém” khách hàng, giá cả tăng vô tội vạ. Khổ cho các nhân viên văn phòng, công sở là chuyện đầu năm đi lùng cơm “bụi”!

Nhiều nhân viên văn phòng, công sở không chỉ đối mặt với việc giá cả nhiều loại dịch vụ đua nhau tăng cao mà còn vất vả trong việc đi tìm các quán cơm “bụi” trong những ngày đi làm đầu năm. Dù nhiều cơ quan, đơn vị đã trở lại làm việc mấy ngày nay, nhưng hầu hết các quán cơm bình dân trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn chưa mở cửa trở lại.

Con phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Văn Hưu, Khương Trung..., nơi tập trung nhiều quán cơm bình dân, cơm văn phòng ngày thường nhộn nhịp là thế mà nay vắng hoe vắng ngắt. Hầu hết các quán cơm ở đây đều chưa mở cửa trở lại.

Nhiều tuyến phố chỉ thấy có duy nhất một hàng cơm bụi mở cửa, nhưng đông khách và món ăn cũng không nhiều mà giá tăng vùn vụt.  Những công chức, nhân viên văn phòng làm việc xung quanh khu vực trên, mấy ngày nay đã phải vất vả lùng sục đi tìm các quán cơm.

“Ăn bánh chưng, thịt cá mãi cũng chán, nay đi làm muốn ăn cơm bụi mà cũng không có, nhiều bữa ở lại cơ quan đành phải nhịn bụng”-Anh Thắng, nhân viên của một Cty có trụ sở tại số 6 Quang Trung (Hai Bà Trưng) than thở.

Cũng như anh Thắng, kể từ ngày đi làm trở lại đến nay, nhiều người đã phải đi bộ lóc cóc lùng sục đi tìm quán cơm “bụi”. “Quanh khu vực làm việc chưa có quán cơm nào mở, tìm mãi đến tận đầu phố Trần Quốc Toản may mới có quán cơm văn phòng nhưng giá ở đấy đắt đỏ kinh khủng”-Một nhân viên cùng cơ quan anh Thắng thêm lời.

Do nhiều quán cơm chưa mở cửa trở lại nên mấy ngày nay nhiều công chức, nhân viên văn phòng người “nhịn” bữa, người thì tìm đến các hàng ăn nhanh như: các hàng bún, miến, mỳ, phở... cho qua bữa!

“Sau Tết đi làm khổ quá, bói một quán cơm bụi cũng không ra, nhà xa nhưng trưa đành phải về để kiếm bát cơm”-Một công chức bộc bạch.

Cánh sinh viên nhiều nơi thèm cơm “bụi” vào những ngày này cũng nháo nhác đi tìm quán cơm vì hầu hết các quán cơm phục vụ cho sinh viên vẫn chưa mở cửa trở lại.

Dạo quanh khu vực các trường ĐH Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Sư phạm..., nơi tập trung nhiều quán cơm sinh viên, chỉ lẻ tẻ một vài quán cơm mở cửa.

“Hầu hết các quán cơm phục vụ sinh viên đều mở cửa sau rằm tháng giêng vì phải chờ sinh viên lên đông đủ, mở hàng sớm lại sợ ít khách ăn”-Một chủ quán cơm ở KTX ĐH Sư phạm cho hay.

Khác hẳn cảnh các cơm “bụi”, cơm bình dân “cửa đóng then cài” thì  nhiều nhà hàng, quán “nhậu” vào những ngày này lại tấp nập người ra vào. Tại nhiều quán bia hơi, nhà hàng từ sáng đến tối luôn chật cứng người.

Ngay cả các quán lẩu “vỉa hè” trên phố Phùng Hưng, Cao Bá Quát, thực khách vào ra tấp nập. “Muốn có một chỗ, khách phải đặt trước chứ không thể xếp ngay được vì khách ăn nhậu sau Tết  rất đông”-Nhân viên một nhà hàng bia hơi trên đường mới Kim Liên-Ô Chợ Dừa nói.

Giá nhiều dịch vụ tăng vô tội vạ

Những ngày đầu năm, người dân Thủ đô, khách thập phương đi thăm viếng lễ chùa tăng đột biến. Các bãi gửi xe, hàng quán, hàng rong vì thế cũng thi nhau mọc lên, lấn cả ra lòng đường, chật kín lối đi.

Khách đông, các dịch vụ trông xe cũng tranh thủ “kiếm tiền” bằng cách tăng giá vé lên nhiều lần so với quy định. Tại bãi trông giữ xe vào Phủ Tây Hồ do một hợp tác xã dịch vụ quản lý, những người trông xe đã tự ý thu 5000đồng/1 xe máy, mặc dù giá tiền theo quy định ghi trên vé chỉ là 2000 đồng.

“Hỏi sao thu cao hơn quy định, họ không thèm trả lời. Ngày Tết, không muốn đôi co rách việc nên tôi trả tiền cho xong” – Anh Hùng, quê Hà Tây đi lễ Phủ cho biết.

Tương tự, Chùa Quán Sứ, Đền Quán Thánh, Ngọc Sơn..., các bãi gửi xe cũng quá tải, giá vé thì mỗi nơi thu một kiểu, nhưng đều tăng so với ngày thường.

Khảo sát cho thấy, các bãi xe tự phát mọc lên quanh các điểm di tích, du lịch vui chơi giải trí cũng đều tăng giá trông giữ xe máy và ô tô tự tăng lên vài lần, vé xe máy phổ biến 10.000đồng/1 lượt, ôtô 30.000-50.000đồng/lượt.

Do tâm lý đầu năm mới, nhiều người dễ dàng chấp nhận nên nhiều bãi trông giữ xe ở đây được thể làm mưa làm gió, nhưng không hiểu sao không bị cơ quan chức năng xử lý.

Nếu mỗi xe chỉ thu tăng 3.000-5.000đồng, thì chỉ mấy ngày đầu năm, một bãi gửi xe cũng có thể kiếm được tới cả trăm triệu đồng do việc tùy tiện tăng giá vé.

Các dịch vụ ăn theo hoạt động tại các đền, chùa, phủ... cũng thả sức “chặt chém” như dịch vụ viết sớ đã tăng giá lên 20.000-30.000đồng/sớ thay vì ngày thường cao nhất là 10.000 đồng; hoa quả vàng hương đội giá tới 2-3 lần, nhiều chủ hàng nhìn mặt khách để ra giá.

Trong khi đó, các loại hàng quà ăn nhanh như phở, bún, bánh trái các loại cũng đều nhích giá lên từ 1-2 lần. Một đĩa bánh đúc nguội ngắt giá 10.000 đồng, nhưng đó là thứ quà rẻ nhất ở khu vực Phủ Tây Hồ!

MỚI - NÓNG