Còn ai dám ra khơi đánh bắt xa bờ?

Còn ai dám ra khơi đánh bắt xa bờ?
Nhiều ngư dân cho biết trong cơn bão vừa qua chỉ có tàu của ngư dân Việt Nam lâm nạn, chẳng thấy thuyền bè của các nước khác bị bão, vì thực chất họ đã nhận được tin báo bão chính xác từ trước đó nên đã tránh nạn an toàn.
Còn ai dám ra khơi đánh bắt xa bờ? ảnh 1
Tột cùng niềm vui ngày trở về

Nước ta có bờ biển dài trên 2.300km, bao bọc phía đông và nam của Tổ quốc. Cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, biển Việt Nam đã đem lại nguồn lợi thủy hải sản phong phú và là thế mạnh, một mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia.

Tầm quan trọng này đã được khẳng định bằng việc Chính phủ có hẳn một Bộ (Bộ Thủy sản) để chuyên lo việc đánh bắt, nuôi trồng và phát triển ngành này. Mấy năm gần đây, Nhà nước lại đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho đề án đánh bắt xa bờ, khuyến khích ngư dân vươn ra khơi xa hơn nữa để đạt hiệu quả kinh tế cao trong những chuyến đi biển.

Thế nhưng bấy lâu nay, mối liên hệ giữa ngành thủy sản với ngư dân, thông tin về dự báo bão cho người đi biển lại yếu đến không ngờ. Hậu quả thảm khốc của cơn bão số 1 vừa qua đối với các tỉnh miền Trung là một minh chứng. Nếu không được đổi mới, khắc phục kịp thời chắc chắn sẽ có nhiều Chanchu khác gõ cửa ngư dân Việt Nam.

Đem con  bỏ... biển

Hiện nay cũng như cả chục năm trước đây, việc ngư dân ra khơi dài ngày là khá dễ dàng. Chủ tàu chỉ việc đến đồn biên phòng địa phương đăng ký là xong, ra khơi bao lâu cũng được, có khi số thuyền viên trên tàu nhiều hơn số đăng ký cũng chẳng ai biết.

Có thể nói, lâu nay ngư dân vẫn độc hành một mình trên biển. Rời khỏi bến là chẳng ai biết họ trôi dạt đến phương nào, ngoại trừ những thân nhân ở nhà thỉnh thoảng liên lạc với họ, còn ngành thủy sản ở địa phương - cơ quan chủ quản cũng ít khi quan tâm đến những chuyến ra khơi này.

Trong khi đó việc đánh bắt xa bờ có rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, đáng lẽ ngành thủy sản phải đi sát cùng người ngư dân, đồng hành với họ trên biển.

Thế nhưng một mặt khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, mặt khác họ chẳng hề theo dõi, liên lạc gì với ngư dân lênh đênh ngoài khơi. Mối dây ràng buộc, trao đổi thông tin giữa ngư dân và các cấp, ngành thủy hải sản đã không được thực hiện.

Chết vì "ông" khí tượng...

Ngành khí tượng thủy văn vốn dĩ từ rất lâu đã không có sự thay đổi, cả về hình thức cũng như chất lượng thông tin dự báo, bao nhiêu năm nay vẫn là: “... Có giông rải rác vài nơi...”.

Việc dự báo thời tiết một cách chung chung, thiếu kịp thời và trên diện quá rộng nhiều khi đã dẫn đến những kết quả đau lòng. Qua hậu quả của cơn bão lần này mới thấy rằng, sự quá chậm trễ đến mức quan liêu trong dự báo của ngành khí tượng thủy văn đã khiến ngư dân các tỉnh miền Trung phải trả một cái giá quá đắt.

Anh Nguyễn Đức Trung, thuyền viên may mắn sống sót trên tàu ĐNA 90354, nét mặt còn chưa hết kinh hoàng, nhớ lại những ngày khủng khiếp:

“Ngày 12/5 nghe tin báo bão đổ bộ vào Việt Nam, các tàu kéo nhau chạy lên phía bắc tránh bão, thế nhưng đến ngày 15 tin từ đài Bạch Long Vĩ qua máy ICOM báo là bão chuyển lên hướng bắc đúng vào chỗ tàu thuyền nước mình lánh nạn, lúc này chạy không kịp nữa vì bão đi quá nhanh, sóng phủ tàu, thổi bay cả người, thấy tàu khác đắm ngay bên cạnh kêu cứu mà không làm gì được, neo chung với tàu chúng tôi có hơn 40 chiếc khác, thế mà sáng hôm sau chỉ còn chưa đầy 20 tàu”. 

Ngay từ ngày 12/5, Đài khí tượng thủy văn của Hồng Kông, Hải quân Mỹ cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã có những dự đoán chính xác về sự đổi hướng đi lên phía bắc cũng như sức mạnh khủng khiếp của cơn bão Chanchu.

Vậy mà 3 ngày sau đó, bản tin lúc 3 giờ 30 ngày 15/5 Đài khí tượng thủy văn của Việt Nam vẫn còn dự báo bão đi theo hướng Tây - Tây bắc. Chính vì tin vào dự đoán này mà hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đang đánh cá ngoài khơi, cách đất liền trên 1.200km mới chạy lên hướng Bắc tránh bão, và thế là “sa lưới” vào tâm bão đi qua.

Khi họ nhận được tin bão chuyển lên hướng Bắc thì cũng là lúc bão đã ở sau lưng, hết đường chạy. Tốc độ của bão từ 15 đến 20 km/giờ, trong khi tàu thuyền chạy trong thời tiết biển động chỉ từ 3 đến 4 km/giờ, làm sao tránh được bão.

Để biện minh cho điều này, mới đây ông Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia phát biểu trước báo giới là ông không hề hay biết ngư dân ở quá xa bờ.

Một câu trả lời quá đúng! Bởi ông có quản lý ngành thủy sản đâu mà biết được ngư dân đang ở chỗ nào! Trách nhiệm của ông là dự báo chính xác và kịp thời hướng đi, địa điểm và sức mạnh của cơn bão.

Chỉ cần bấy nhiêu thôi là ngư dân có đủ thời gian tránh nạn, thế nhưng ở trường hợp này, ngành khí tượng thủy văn đã không làm được điều đó.

Chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều ngư dân, họ cho biết trong cơn bão vừa qua chỉ có tàu của ngư dân Việt Nam lâm nạn, chẳng thấy thuyền bè của các nước khác bị bão, vì thực chất họ đã nhận được tin báo bão chính xác từ trước đó nên đã tránh nạn an toàn.

Còn ai dám ra khơi đánh bắt xa bờ? ảnh 2
Các ngư dân may mắn sống sót đứng trên boong tàu hướng về đất liền trước khi tàu cập bến

Trang bị ngành cứu hộ quá yếu

Trong thảm họa vừa qua, phải ghi nhận những nỗ lực to lớn của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội biên phòng, lực lượng hải quân trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Nhưng phải khẳng định một điều, họ chỉ làm nhiệm vụ tiếp tế, trung chuyển chứ không trực tiếp vớt xác hoặc cứu được bất cứ một thuyền viên nào từ dưới biển khơi, hoàn toàn là do các ngư dân tự cứu lấy nhau.

Bởi lẽ vị trí ngư dân gặp nạn cách bờ biển Đà Nẵng trên 1.200 cây số, nếu tàu cứu hộ nhổ neo ngay sau khi nhận được tin thì cũng phải mất ít nhất 2 đến 3 ngày mới tới nơi, liệu còn ai sống sót sau chừng ấy ngày chìm trong nước biển?

Vấn đề đặt ra là phương tiện cứu hộ cứu nạn của nước ta quá yếu và chậm chạp, không thể ứng cứu kịp thời những tình huống như thế này trên biển.

Đáng lẽ phải có những tàu cứu nạn lớn, có thể đậu được trực thăng, có máy bay cứu hộ đủ tầm vươn tới những vùng biển xa nhất mà ngư dân đánh bắt.

Tiếc thay, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam chưa có được điều này. Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị với Chính phủ cho đóng tàu cứu nạn dài 60 mét để có thể chuyên chở được trực thăng cứu hộ.

31 năm sau ngày thống nhất đất nước, hợp tác quốc tế của nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, đối với các nước trong khu vực, việc hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực đều có những bước tiến dài.

Thế nhưng Việt Nam chưa hề ký kết với một quốc gia nào trong khu vực một hiệp định hay thỏa thuận mang tính pháp lý trong công tác tìm kiếm cứu nạn đối với ngư dân trên vùng biển của khu vực.

Nếu có được hiệp định này thì khi sự cố xảy ra, tàu thuyền, ngư dân các nước có thể được trú bão ở lãnh hải bất cứ nước nào hay được cứu giúp một cách nhanh nhất.

Nhiều ngư dân may mắn sống sót trở về cho biết, họ muốn đưa tàu vào những vị trí an toàn trong lãnh hải của một số nước, vùng lãnh thổ để lánh nạn, nhưng lực lượng hải quân của họ nhất quyết không cho nên đành neo đậu ngoài khơi xa.

Nếu có được những hiệp định về cứu hộ cứu nạn thì có lẽ ngư dân đánh bắt xa bờ Việt Nam không phải gánh chịu hậu quả quá nặng nề của cơn bão Chanchu vừa qua.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, số ngư dân của các tỉnh miền Trung chết tìm thấy xác trong cơn bão vừa qua là 20 (thêm một thi thể do tàu cứu nạn Trung Quốc mới tìm thấy), số người mất tích lên đến hơn 250, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam 153 người, Đà Nẵng 73 người, Quảng Ngãi 23 người...

Thiên tai, bão lũ là những thảm họa của tự nhiên, luôn xảy ra bất ngờ và hậu quả thường rất nặng nề.

Thế nhưng nếu chúng ta có sự tổ chức tốt, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ, dự báo dự đoán chính xác, kịp thời dựa vào máy móc hiện đại, trình độ chuyên môn giỏi và nhất là cần những ngừơi có trách nhiệm cao với công việc mình được giao phó thì thiệt hại sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Cụ thể ở cơn bão số 1 vừa qua, nếu những dự báo của ngành khí tượng thủy văn sớm như các nước khác thì có lẽ ngư dân các tỉnh miền Trung đã không lâm vào thảm kịch nặng nề: Hơn 270 người chết và mất tích, cả trăm tỷ đồng tài sản và hàng chục tỷ đồng kinh phí cho việc tìm kiếm cứu nạn.

Biết đến bao giờ hậu quả của cơn bão này mới nguôi ngoai khi còn hàng chục mảnh đời góa bụa, hàng trăm trẻ em của các làng chài nghèo ven biển không biết bấu víu vào đâu, sinh sống, học hành và lớn lên thế nào khi bên họ không còn những người chồng, cha, anh là trụ cột gia đình.

Gánh nặng bỏ lại cho xã hội là quá lớn. Trên nét mặt của các ngư dân sống sót trở về vẫn hằn in những nét kinh hoàng về khoảng thời gian có lẽ là đen tối nhất trong cuộc đời họ.

Đã đến lúc chúng ta cần mổ xẻ và phân tích kỹ sự việc, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ một cách rõ ràng, đưa ra kinh nghiệm xương máu từ thảm kịch lần này, từ đó cải tổ ngay những điều bất ổn tồn tại bấy lâu nay để không còn một “Chanchu 2” ám ảnh ngư dân.

Theo Minh Tân
Công an TPHCM

MỚI - NÓNG