'Cơn bão” melamine: Các 'nhà' cần khẩn trương vào cuộc!

'Cơn bão” melamine: Các 'nhà' cần khẩn trương vào cuộc!
TP - Rõ ràng sự cố các loại sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa có chứa melamine là một bằng chứng sinh động cho ta thấy hội nhập vừa mang lại những cơ hội, lại vừa gây ra không ít những thách thức.
'Cơn bão” melamine: Các 'nhà' cần khẩn trương vào cuộc! ảnh 1

Nông dân chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Quyền Thành

Mấy ngày gần đây, tôi nhận được khá nhiều thông tin từ bạn bè có nuôi bò sữa quy mô khác nhau về hậu quả của “cơn bão melamine”.

Có người hài hước: “Ba năm trước ông trêu tôi nuôi bò để … “lấy sữa tắm cho đẹp da” thì nay đã thành sự thật! 

Ông lên chỗ tôi, ta cùng tắm sữa rồi cùng chứng kiến cái mô hình tích tụ ruộng đất đa sản phẩm hàng hóa như ông gợi ý và tôi đang làm thử đã sớm thất bại!

Một người bạn khác lại tổng kết theo kiểu “phát minh” về sự “tiến hóa của loài”: Thì ra con bò là… mẹ con lợn và các loại gia cầm. Hai tuần nay chúng uống sữa bò thoải mái! Uống mãi chúng bắt đầu chán, tớ phải đem tưới rau. Không ai mua, mang đổ đi thì có tội với tổ phụ. Liệu có nên bón vào đất, giúp vi sinh vật phát triển để  đất thêm màu mỡ?”. Quả là cười ra nước mắt!

Thế nhưng những thất bát của các bạn tôi vẫn chưa thấm gì so với những thông tin mà nhà báo Quyền Thành cũng như các đồng nghiệp khác đã phản ánh khá chi tiết và cụ thể về những bức xúc của người nông dân nuôi bò sữa trên những địa bàn khác nhau.

Vẫn biết kinh tế thị trường qua những hoạt động kinh doanh là một tất yếu khách quan nhưng khi con người đã rời bỏ lương tâm, vì đồng tiền mà làm hại đồng loại thì những sự cố trớ trêu không mong mà đến tương tự vẫn sẽ xẩy ra, có thể không phải với melamine mà với acid cyanuric (tăng hàm lượng đạm còn mạnh hơn melamine !?) cũng như với các độc tố khác trong lương thực, thực phẩm .

Rõ ràng sự cố các loại sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa có chứa melamine là một bằng chứng sinh động cho ta thấy hội nhập vừa mang lại những cơ hội, lại vừa gây ra không ít những thách thức, làm xáo động mọi hoạt động xã hội, đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh để đầu tư trí tuệ nhằm tạo lập một sự đồng thuận, đề xuất những chủ trương và biện pháp có hiệu lực đích thực, vừa mang tính thời sự, vừa có tác dụng lâu dài.

Hơn thế các Nghị quyết của Đảng gần đây về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về thanh niên, về trí thức… cần được triển khai ngay trong hoạt động thực tiễn. Bởi vậy , chính qua sự cố này, ta có dịp để xem lại những gì đã làm được cùng những gì còn khiếm khuyết trong hoạt động liên kết các “nhà” như gần đây ta vẫn thường nói: “nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước nhà khoa học”. Sau đây là kiến nghị của chúng tôi:

1. Chủ trương thành lập những đoàn kiểm tra nhằm phát hiện melamine trong sữa nguyên liệu, trong sữa đã chế biến cũng như trong các loại bánh kẹo có dùng sữa là đúng và vô cùng cần thiết. Nên chăng chỉ cần trao đổi vài điều? Trước hết, đã có “kiểm tra” tất yếu phải có “trọng tài”.

Bởi thế cần ra đời những tổ chức trọng tài trên cơ sở chọn lựa khách quan từ những phòng hóa phân tích hiện có ở nước ta với quy định rất cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và địa bàn phụ trách. Điều đó cũng dễ hiểu vì đã nói đến “phân tích chất lượng” là nói đến những phương pháp phân tích, nói đến độ nhạy và độ chính xác của phương pháp đem dùng, nói đến tinh thần trách nhiệm  cùng với  tay nghề của phân tích viên …

Hai là yêu cầu mong đạt được của một cuộc kiểm tra là phát hiện có hay không có melamine trong mẫu phân tích? (định tính). Nếu có thì cụ thể là bao nhiêu? (định lượng)

Thông thường những phương pháp định lượng có độ chính xác cao đòi hỏi những thiết bị hiện đại, đắt tiền đang còn rất hiếm ở nước ta. Hơn thế, việc lấy mẫu để phân tích, việc chọn dung môi hòa tan và chuẩn bị dung dịch mẫu cũng như trình tự  kỹ thuật thao tác nên không thể áp dụng trong đại trà.

Theo ý chúng tôi, riêng việc lấy mẫu phải do đoàn kiểm tra thực hiện chứ không phải do cửa hàng bán sữa, những đại lý, những người thu mua trung gian hoặc chủ đàn bò phụ trách. Đấy là một nguyên tắc không thể linh động, châm chước.

Phương pháp phân tích định tính (trả lời câu hỏi “Có melamine hay không?), điều mà gần như tất cả những người tiêu dùng quan tâm hơn “ngưỡng melamine vô hại”, phần lớn dựa trên nguyên lý so màu đơn giản hơn nhiều.  Nên tranh thủ sự  đóng góp của những cán bộ làm công tác hóa phân tích trong cả nước, vô luận đang làm việc hay đã nghỉ hưu.

Danh sách những cán bộ này có thể tìm thấy ở các viện nghiên cứu, các trường đại học …  của tất cả các ngành để sản xuất ra những thiết bị phân tích đơn giản dưới dang “hộp phân tích melamine tại chỗ” (Melamine - kit).  

2. Nhân sự cố “bão melamine” chúng ta cần suy ngẫm  rộng hơn . Chừng nào loài người, đặc biệt là các cháu bé còn cần sữa, chừng nào sức khoẻ con người được xem như một nhân tố hợp thành khái niệm hạnh phúc, là  tiềm năng của mọi lao động sáng tạo…  thì vấn đề vệ sinh thực phẩm cần được coi trọng đúng mức.

Chính vì vậy hơn bao giờ hết việc liên kết các “nhà” cần được xem xét một cách toàn diện , xem từng “nhà” là một mắt xích có tác động tương hỗ trong việc chủ động đảm bảo vệ sinh lương thực, thực phẩm  lâu dài, bền vững lại không đối lập quyền lợi của nhau.

Liên hệ với hiện tượng “Khủng hoảng thừa sữa nguyên liệu “, nỗi đau của  những người nuôi bò sữa hiện nay, tôi rất đồng tình với PGS-TS Đoàn Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, (Bộ NN & PTNT) khi ông đề xuất phải đưa sữa nguyên liệu trong nước về đúng vị trí của nó thay vì chỉ nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài, quy định hạn ngạch nhập khẩu sữa bột, hỗ trợ cho nông dân thông qua việc các doanh nghiệp sữa thu mua sữa cho nông dân để sơ chế chờ kết quả xét nghiệm v… v… 

Nguyễn Vy
Giáo sư, Tiến sĩ Hóa học

MỚI - NÓNG