Còn bao nhiêu 'Vedan' nữa?

Còn bao nhiêu 'Vedan' nữa?
TP - Lại thêm một vụ “Vedan” nữa. Chữ “lại” trong câu này nghe có vẻ nhàm, vì những thông tin về môi trường hiện có tần suất xuất hiện trên mặt báo rất cao: nào hộp xốp có chất độc hại, nào cá mực nhiễm hóa chất, nào bún miến có formaldehide…

Sau Vedan, sau Hào Dương, giờ cảnh sát môi trường lại phát hiện một công ty tiếp tục xả thẳng nước thải ra môi trường.

Ai đó có thể nghĩ tích cực rằng, luật về môi trường ngày càng nghiêm nên càng ngày càng nhiều những vụ vi phạm bị phát hiện. Điều này có thể đúng. Nhưng vấn đề đáng lo là dù đã phát hiện nhiều, kể cả những vụ rúng động dư luận, nhưng có vẻ tình trạng vi phạm không hề thuyên giảm.

Bằng chứng là vụ Vedan bức tử sông Thị Vải được phanh phui trong năm 2009 thì gần một năm sau, người ta phát hiện tiếp công ty sản xuất khung nhôm Tung Kuang (vốn đầu tư từ Đài Loan) vi phạm với mức độ, tính chất và thủ đoạn gần như tương tự đang giết chết sông Cầu Ghẽ.

Việc xử lý chưa đủ sức răn đe, đối tượng vi phạm bất chấp pháp luật, hay còn vì lý do gì khác? Nếu nói công ty Vedan đã có ít nhất gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam và cơ sở hạ tầng được xây dựng ở những thời điểm mà vấn đề môi trường chưa thực sự được quan tâm như hiện nay thì đi một nhẽ.

Nhưng nhà máy của Tung Kuang ở Cẩm Giàng, Hải Dương mới đi vào hoạt động từ năm 2003 và lãnh đạo Tung Kuang từng tuyên bố nhà máy được ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hiện đại nhất miền Bắc.

Điều gì khiến lãnh đạo Tung Kuang tráo trở với ngay những tuyên bố về bảo vệ môi trường của mình, bất chấp pháp luật đến vậy, nếu không phải từ lí do lợi nhuận và thách thức pháp luật nước sở tại? Được biết năm 2007, Tung Kuang đã từng bị phạt cả trăm triệu đồng về vi phạm Luật Môi trường từ những vi phạm không nghiêm trọng như hiện nay.

Dư luận lấy làm khó hiểu, ngay sau vụ Vedan, Sở Tài nguyên- Môi trường Hải Dương cùng các cơ quan chức năng tỉnh này, có cả công an, đã vào kiểm tra nhưng không phát hiện được gì. Vậy mà theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C 36), việc này có thể đã diễn ra trong một thời gian dài.

Trong vụ việc này, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có dây chuyền xử lý hiện đại, có kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng địa phương nhưng vi phạm nghiêm trọng vẫn cứ diễn ra.

Để phá án, cảnh sát môi trường đã phải sử dụng đặc tình, kết hợp tin báo của quần chúng, dù họ chỉ biết những hiện tượng bên ngoài như nước thải nhiều bọt, nhà máy xả nhiều khói, chứ ít người dân hiểu rõ chất chrome 6 hay mangan từ đâu ra và ảnh hưởng như thế nào.

Qua các vụ Vedan, Tung Kuang, dư luận nhức nhối một câu hỏi, liệu các Cty trên quá khôn khéo, quá tinh vi đến mức họ có thể làm mờ mắt các quan chức địa phương đến nỗi phải dùng đến đội đặc nhiệm chuyên trách?

Nước sủi bọt có màu khác thường, khói khét lẹt, ùn ùn che cả mặt trời, từng ngày như thế và người ta xem đó là chuyện thường ngày và vô tâm đi qua nó. Đó phải chăng là sự vô cảm hay là một điều gì khác sau nó làm mờ đi sự thẩm định đánh giá và mối quan tâm của những người có trách nhiệm trước đời sống của người dân?

Có một Vedan, lại thêm một Vedan nữa. Còn những Vedan tiềm năng nào chưa lộ diện? Đó là câu hỏi khó với những người không có đôi mắt trong.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.