Còn đây nhạc ngựa miền Tây

Còn đây nhạc ngựa miền Tây
TPO - Miền Tây Nam Bộ hiện còn hai nơi có nhiều xe ngựa là vùng Bảy Núi tập trung vào xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên, An Giang) và xứ Dừa tập trung ở hai xã Tân Thạch, Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre). Dịp Xuân này rộn ràng tiếng vó ngựa với tiếng nhạc ngựa.

Hàng ngày, chừng 5 giờ, bến xe ngựa Vĩnh Trung bắt đầu đông đúc, đến giữa buổi là vắng hoe vì xe ngựa đã toả đi khắp miền phum sóc từ núi Dài, núi Cô Tô sang núi Cấm.

Xe ngựa ở vùng Bảy Núi thật giản đơn và vì vậy cũng linh hoạt, có thể chở người mà cũng có thể chở hàng hoá, bất kể cồng kềnh như thế nào như lúa má, rơm rạ hay bàn ghế, cây cối.

Còn đây nhạc ngựa miền Tây ảnh 1

Bến xe ngựa Vĩnh Trung

Đường đất đá vùng bán sơn địa đa số nhỏ, lại khúc khuỷu, xe ngựa chở hàng đi lại dễ dàng, len lỏi được khắp các nơi từ phum sóc này sang phum sóc khác. Vùng này đông bà con người Khmer. Chạy xe ngựa cũng chủ yếu là người Khmer có ít ruộng đất nên giữ xe ngựa làm nghề sinh sống.

Khách du lịch đến đây thường bao cả chuyến, một xe chở tối đa 10 người, đi Nhà Bàn hoặc Núi Cấm, mỗi chuyến giá 200.000 đồng. Xe không có mui, không có tay vịn, trải chiếu xuống sàn và du khách ngồi bệt lắc lư theo vó ngựa, thoả sức ngắm trời mây non nước.

Ngoài khách du lịch thì người đi xe ngựa ở đây chủ yếu là dân trong vùng, quen với chủ xe, khi thoả thuận giá cả, không kỳ kèo dài dòng và cũng không vội vàng.

Còn đây nhạc ngựa miền Tây ảnh 2

Một xà ích trẻ ở bến xe ngựa Vĩnh Trung

Chủ xe thong thả và hành khách đa phần cũng thảnh thơi, hai bên cứ đứng hay ngồi nói chuyện ung dung như không có mục đích đi đâu nữa.

Ông Chau Quan Na là một người nuôi ngựa lâu năm ở vùng này, kể: “Hồi trước, muốn đi từ phum sóc này sang phum sóc khác chỉ có thể bằng xe ngựa. Bà con đi lên chùa cũng ngồi xe ngựa. Nên hồi đó, cứ dăm nhà thì ba nhà nuôi ngựa, có xe ngựa”. Nay, bến Vĩnh Trung chỉ còn khoảng 50 chiếc xe ngựa.

Không ai biết xe ngựa xuất hiện ở vùng Bảy Núi từ bao giờ. Những người lớn tuổi chỉ còn nhớ, hồi trước xe ngựa chạy bánh gỗ cho đến khoảng năm 1950 mới thay bằng bánh cao su bơm hơi nên chạy êm ái hơn.

Còn xe ngựa xứ này thì vẫn vậy, khung xe làm bằng gỗ núi với hình dáng thấp và không có mui, nhỏ, gọn cho thích nghi với đường nhỏ, gồ ghề. Đây cũng là nét khác biệt với xe ngựa ở Đà Lạt hay miền Đông Nam Bộ thường có mui và trang trí đẹp mắt.

Còn đây nhạc ngựa miền Tây ảnh 3
 
Còn đây nhạc ngựa miền Tây ảnh 4

Xe ngựa chở khách du lịch ở xứ Dừa

Xe ngựa ở xứ Dừa cũng tương tự như xe ngựa vùng Bảy Núi, đơn sơ, gần gũi tạo hình ảnh thân thiện, vài chục năm nay chuyên để chở khách du lịch.

Những ngày này, du khách xa gần về xứ Dừa khá đông nên những con đường qua hai xã Tân Thạch và Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre) dường như dành hết cho xe ngựa. Cứ mỗi chiếc chở 5-6 người, vó ngựa lốc cốc rộn ràng cả ngày lẫn đêm.

Ở ấp 8, xã Quới Sơn, đội xe ngựa mang cái tên đậm nét xứ sở: Hương Dừa, có 23 xe trực đón khách từ dưới thuyền băng sông Tiền đi lên. Ở đây có cả xà ích nữ, các bà các cô chào khách Tây ngọt ngào “hello” với “hi” rồi “goodmorning”.

Khi khách đã ngồi vững trên xe là các bà các cô cầm dây cương, nhón hai chân nhẹ nhàng hất mình một cái ngồi lên thành xe rồi ra roi cho vó ngựa gõ nhịp đường quê.

Đường quê thỉnh thoảng ổ gà dằn xóc lại rộ lên tiếng cười hoà vào tiếng vó ngựa làm cho chuyến đi thêm rộn ràng. Đôi chỗ phải qua chiếc cầu vút cao mà không có thành cầu, xà ích nhảy xuống dắt ngựa cho khách an tâm trong … hồi hộp. Chở khách du lịch nên đến giữa chiều là vãn. Khi ngựa được dắt về chuồng nghỉ ngơi thì các xà ích còn phải đi kiếm bao cỏ cho ngựa.

Nghề xe ngựa vất vả tuy nhiên, Tết nhất cũng kiếm được tiền tiêu, có người còn sơn sửa cửa nhà. Giữa cuộc sống có nhiều phương tiện vận tải hiện đại, chiếc xe ngựa với tiếng vó ngựa lốc cốc, tiếng lục lạc leng keng làm cho cuộc sống vui hơn. Xe ngựa như một nét đẹp dân dã, hồn hậu cứ lưu luyến mãi.

MỚI - NÓNG