Còn đó, nỗi lo chìm đò

Còn đó, nỗi lo chìm đò
TP - Vụ đắm đò sáng 7/10 trên bến Chôm Lôm (Con Cuông, Nghệ An) làm 19 học sinh chết và mất tích, để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân vùng sông nước. Và, thảm họa đò ngang vẫn còn lơ lửng, nếu tiếp tục tình trạng “thiếu cầu”, “thừa đò ngang” trên các dòng sông.
Còn đó, nỗi lo chìm đò ảnh 1
Đến cuối ngày hôm qua, lực lượng cứu hộ và người dân bản Chôm Lôm mới tìm thấy thi thể của 13 học sinh  

Ẩn họa đò ngang

Sông Lam chảy qua huyện Con Cuông với chiều dài trên 22km. Địa hình bị chia cắt bởi núi non trùng điệp, độ dốc lớn, dòng chảy mạnh, là những yếu tố bất lợi cho các chuyến đò chở khách sang sông.

Toàn huyện có bảy bến đò ngang, hầu hết các chủ đò hành nghề bằng “kinh nghiệm sông nước”, không được trang bị phao cứu sinh, thiếu ý thức chấp hành các qui định an toàn giao thông đường thuỷ.

Xã Lạng Khê - nơi xảy ra vụ đắm đò ngày 7/10 hiện có ba bến đò: Đồng Tiến, Chôm Lôm, Yên Hoà, càng lên phía thượng nguồn địa hình miền núi càng bị chia cắt, độ dốc càng lớn, mức độ nguy hiểm càng cao bội phần.

Đi xuống hạ lưu, Con Cuông dày đặc các bến đò ngang: bến Cam Lâm (xã Cam Lâm); Bãi Ổi, Lam Khê (xã Chi Khê); Khe Rạn (xã Bồng Khê). Ngày lại ngày, hàng trăm chuyến đò ngang chở đầy người sang sông, kể cả khi trời khô ráo hay mùa mưa bão và lũ lụt hoành hành.

Hiểm họa đò ngang trên sông Lam đoạn qua huyện Con Cuông nói riêng, các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn nói chung, vẫn luôn rình rập. Tại bến Chôm Lôm (Lạng Khê), trong vòng một thập kỷ lại đây xảy ra ba vụ đắm đò, khiến 24 người thiệt mạng. Bến đò Bãi Ổi (Chi Khê) cũng từng bị chìm đò.

Cầu treo, vừa xây đã hỏng

Năm 2003, một chiếc cầu treo được xây dựng tại bản Lam Khê, xã Chi Khê (Con Cuông), đến năm 2005 đưa vào sử dụng phục vụ ba xã: Chi Khê, Đôn Phục, Cam Lâm. Nhưng cầu vừa xây xong, một cơn lũ tràn về đã cuốn trôi cây cầu treo trị giá 2,6 tỷ đồng xuống sông.

Nguyên nhân khiến chiếc cầu trị giá bạc tỷ sụp đổ do đâu? Cầu này rộng 2,4m nhưng đặt ở vị trí quá thấp. Khi nước dâng lên, gỗ trôi dưới sông đập vào thành cầu làm gia tăng áp lực, khiến dây cáp đứt, cầu hư hại nặng.

Hơn nữa, trọng lượng của cầu rất lớn nhưng cột sắt đỡ dây cáp chỉ được ghép với trụ cầu cố định bằng bốn ốc vít với tấm sắt dày khoảng hơn 2cm, không đủ lực để giữ cầu.

Toàn bộ gầm, giằng, gỗ ván đã bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại sợi dây cáp và bốn cọc sắt nằm tênh hênh hai bên bờ sông. Từ tháng 8/2005 đến nay, người dân thượng nguồn sông Lam lại phải sử dụng đò ngang để vượt sông, các em học sinh của Lam Khê hàng ngày phải qua đò để đến trường.

Huyện Con Cuông đã có văn bản đề nghị trên cấp kinh phí và cử thợ xuống khắc phục sự cố cầu, nhưng tất cả “nằm trong im lặng”.

Trên đường về bến Chôm Lôm, trong mắt người bạn tôi ầng ậng nước: “Nghe bảo để xây dựng một cây số đường nhựa, cần dăm bảy tỷ, trong khi một chiếc cầu treo chỉ vài tỷ đồng. Giá như bớt đi một đoạn đường để xây cầu cho các em qua sông, sẽ giảm đi những thảm họa kinh hoàng như ở bến Chôm Lôm”.

Bao giờ bản làng Chôm Lôm heo hút mới có một cây cầu nối hai bờ sông, để các em khỏi phải qua những chuyến đò rét mướt? Bao giờ, cho đến bao giờ?

MỚI - NÓNG