Còn đó rủi ro hoa quả độc hại

Lấy mẫu để kiểm tra dịch hại tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn
Lấy mẫu để kiểm tra dịch hại tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn
TP - Từ 1-7, cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra dịch hại và dư lượng chất độc hại có trong nông sản. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, khó kiểm soát hoa quả độc hại nhập khẩu vào Việt Nam.

> Mười con lợn bán ngoài chợ, sáu con mất vệ sinh
> Vòng luẩn quẩn

Lấy mẫu để kiểm tra dịch hại tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn
Lấy mẫu để kiểm tra dịch hại tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn.

Chưa thể kiểm tra tại chỗ

Tân Thanh (Lạng Sơn) là cửa khẩu xuất, nhập chính các loại rau, củ, quả (chiếm khoảng 90%) kim ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có hàng chục, lúc cao điểm có hàng trăm xe hàng nông sản (nhập: cam, quýt, táo, lê, nho, cà rốt, khoai tây, tỏi…; xuất: dưa hấu, thanh long, chuối…) thông quan. Do lượng hàng lớn, số cán bộ kiểm dịch ở đây có 10 người, đông nhất trong các trạm ở Lạng Sơn.

Ông Đàm Anh Dũng, kiểm dịch viên cửa khẩu Tân Thanh, cho biết hiện tất cả lô hàng có nguồn gốc thực vật xuất, nhập qua cửa khẩu đều được lấy mẫu, nhưng chỉ có thể kiểm tra dịch hại, chủ yếu là côn trùng, cỏ dại, nấm. Thông thường, trong vòng 24 giờ sau khi lấy mẫu, phải có kết quả thông báo cho chủ hàng; nếu lô hàng bị nghi ngờ có đối tượng dịch hại, thời gian kiểm tra sẽ lâu hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Kiểm dịch vùng 7 (thuộc Cục BVTV, đóng tại Lạng Sơn), hiện máy móc phòng kỹ thuật của trạm ở cửa khẩu chỉ soi được các đối tượng dịch hại, còn những chất độc hại (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản...) trên hoa quả chưa kiểm tra được.

“Chúng tôi vẫn gửi mẫu thường xuyên về Cục BVTV. Cán bộ của cục cũng thường xuyên lên cửa khẩu lấy mẫu về kiểm tra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua kiểm tra nhiều đợt, các dư chất độc hại trên rau, củ, quả, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép”, bà Hà nói.

Năm 2010, Chi cục BVTV vùng 7 phát hiện 36 loài sinh vật gây hại, trong đó, 26 loài trên hàng nhập khẩu, là các loại côn trùng, cỏ dại, nấm bệnh.

“Từ ngày 1-7 tới, đơn vị kiểm dịch phải tăng thêm chức năng kiểm soát về an toàn thực phẩm, khối lượng công việc nhiều hơn, phức tạp hơn. Chúng tôi đang lên kế hoạch tập huấn toàn bộ cán bộ kiểm dịch, từ cách lấy mẫu, đến bảo quản, vận chuyển mẫu về các phòng thí nghiệm chỉ định trong cả nước để phân tích”- Bà Hà nói.

Cán bộ kiểm dịch đang kiểm tra mẫu hoa quả
Cán bộ kiểm dịch đang kiểm tra mẫu hoa quả.

Phải chấp nhận rủi ro

Lâu nay, người tiêu dùng thường lo lắng trước hiện tượng cam, quýt, táo, lê... nhập từ Trung Quốc, mua về để cả tháng vẫn tươi. Vì thế, nhiều bà nội trợ tẩy chay hoa quả Trung Quốc, bởi những lo ngại có chứa chất độc hại quá mức cho phép.

Trước nỗi lo này, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT), phát biểu: “Dư luận có nhiều luồng, còn khi làm với phía Trung Quốc, cách thức kiểm tra của họ còn chặt chẽ hơn ta”.

“Chúng tôi đã đến vườn quýt của họ ở Nam Ninh, thì thấy các nhà vườn phải đăng ký với cơ quan chức năng sử dụng từng loại thuốc BVTV gì, liều lượng dùng thế nào, thậm chí, có phòng kiểm tra dư lượng thuốc riêng biệt. Các thương lái mang hộp xốp đến tận vườn đóng gói. Cán bộ kiểm dịch thực vật Trung Quốc có thể trực tiếp bóc quýt ăn luôn. Do vậy, bảo hoa quả của họ dùng chất bảo quản để tươi lâu là không có cơ sở” - Ông Trung nói.

Theo ông Trung, cũng có thông tin các thương lái Việt Nam sau khi nhập hoa quả về, đã sử dụng các hóa chất bảo quản để giữ hoa quả tươi lâu. Tuy nhiên, hóa chất đó là gì, dùng thế nào, hiện chưa rõ. Do vậy, cần phải có chứng cứ, thông tin cụ thể.

Từ 1-7, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, theo quy định, các lô hàng đều được lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm. Các mẫu này được gửi đến các phòng, trung tâm kiểm nghiệm chỉ định để phân tích, 3-4 ngày sau mới cho kết quả. Tuy nhiên, việc do áp lực giải phóng hàng hóa sớm, nên việc thông quan vẫn áp dụng trong vòng 24 giờ với hàng hóa thông thường.

Ông Trung cho biết: “Hàng hóa chưa có kết quả kiểm dịch đã bán ra thị trường, điều này rất khó quản lý, và chúng ta phải chấp nhận một sự rủi ro nào đó. Thực tế, không thể giữ hàng hóa như rau, củ quả tươi lâu được. Trong trường hợp phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn, sẽ xử lý lô hàng theo quy định hiện hành, có thể tiêu hủy, bắt tái chế, thay đổi mục đích sử dụng; sau đó tăng tần suất kiểm tra, thậm chí đình chỉ nhập khẩu loại hàng đó”.

Được biết, tới đây, Cục BVTV phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, sẽ cho kiểm tra tại gốc hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước, có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Việt Nam.

Hiện cả nước có 16 phòng thí nghiệm và 2 trung tâm kiểm nghiệm phân tích được chỉ định phân tích về các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Cục BVTV, hằng năm Việt Nam kiểm dịch từ 26-30 triệu tấn hàng hóa có nguồn gốc thực vật xuất nhập khẩu, trong đó, hàng xuất khẩu chiếm 70%.

Theo đánh giá chung, hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại hàng nông sản ở Việt Nam ở mức trung bình 7% so với các nước trong khu vực, như Thái Lan khoảng 10%, Malaysia 3-24%, Ấn Độ khoảng 14%, Trung Quốc 3-18 %.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).