Còn duy nhất TPHCM chưa gửi Đề án sáp nhập huyện, xã

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh QH
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh QH
TPO - Sáu tỉnh, thành cuối cùng đã có đề án sáp nhập huyện, xã và được Uỷ ban Pháp luật thẩm định. Như vậy, đến thời điểm này chỉ còn duy nhất TP. HCM chưa trình đề án.

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 26, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành, gồm: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị thực hiện sắp xếp 47 ĐVHC xã. Trong đó, 33 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp và 3 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 11 cấp xã liền kề liên quan đến việc sắp xếp. Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 là 6 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 giảm xuống còn 260 (giảm 26 đơn vị).

Tại Lào Cai, có 1 đơn vị cấp huyện (Si Ma Cai) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện trong đợt này. Theo đề án, số lượng cấp xã ở Lào Cai thực hiện sắp xếp là 19 đơn vị. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị mở rộng thành phố Lào Cai và điều chỉnh ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Lào Cai; mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát; mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng; thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.

Còn theo Đề án của thành phố Hà Nội thì có 10 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, nhưng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2017 – 2021 là 5 đơn vị. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).

Theo Đề án của thành phố Cần Thơ, số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 3 đơn vị. Sau sắp xếp, số lượng cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 2 đơn vị).

Theo Đề án của Khánh Hòa, tỉnh này có 1 ĐVHC cấp huyện (Khánh Sơn) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021, nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 2 đơn vị, nhưng đề nghị chưa sắp xếp 1 đơn vị.

Về Đề án của tỉnh Cao Bằng, tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 2 ĐVHC cấp huyện và 76 ĐVHC cấp xã. Riêng đối với việc sắp xếp 4 ĐVHC cấp huyện còn lại (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.

Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy Cao Bằng đã có văn bản số báo cáo giải trình để làm rõ thêm các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng tiếp tục kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đối với 4 ĐVHC cấp huyện còn lại. Cụ thể: nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

Với đa số đại biểu tán thành, kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và ra Nghị quyết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành phố đợt này. Dự kiến thời gian có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 1/3/2020. Như vậy, đến thời điểm này, Chính phủ cơ bản hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định Đề án sắp xếp ĐVHC của các tỉnh, thành và chỉ còn duy nhất TP. Hồ Chí Minh chưa trình Đề án.

MỚI - NÓNG