Cơn lốc phá rừng ven đường mới Đà Lạt - Nha Trang

Cơn lốc phá rừng ven đường mới Đà Lạt - Nha Trang
TP - Lãnh đạo một cơ quan lâm nghiệp thừa nhận chưa bao giờ rừng phòng hộ ở các xã ven đường mới Đà Lạt- Nha Trang bị tàn phá ồ ạt đến thế. Hàng loạt cánh rừng bị phá trắng hoặc loang lổ da beo…
Cơn lốc phá rừng ven đường mới Đà Lạt - Nha Trang ảnh 1
Cây thông đường kính 60 cm bị cưa, đốt nham nhở

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 136 vụ vi phạm lâm luật, tập trung chủ yếu ở các xã ven đường mới Đà Lạt - Nha Trang. Không chỉ số vụ vi phạm tăng cao so với năm ngoái (cả năm 2006 phát hiện 134 vụ) mà diện tích rừng bị xâm hại cũng gia tăng đột biến.

Địa bàn “nóng” nhất là xã Đạ Sar với cả trăm hécta rừng thông thuần loại bị chặt hạ từ 2005- 2007. Trữ lượng gỗ bị thiệt hại là rất lớn bởi đa số cây bị chặt hạ là rừng trồng, rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi.

Thực tế còn khốc liệt hơn báo cáo của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương bởi dọc con đường mới mở kéo dài mấy chục cây số từ Thái Phiên (phường 12, Đà Lạt) đến thôn Long Lanh (xã Đa Chais, Lạc Dương), chỗ nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh rừng bị chặt phá ngổn ngang.

Hiện trường các vụ phá rừng nhiều khi chỉ cách đường vài trăm mét. Nhiều cây thông lớn (đường kính từ 30 – 60 cm) bị đốn ngã chỉ để lấy vài lóng gỗ đẹp, còn lại bị cắt khúc ra đốt tại chỗ lấy đất sản xuất. Bởi cây thông có mủ nên dẫu là cây tươi, thậm chí khi trời mưa vẫn có thể đốt cháy.

Sáng chặt, chiều đốt là có đất trồng cà phê ngay. Các vườn cà phê như những con rắn khổng lồ mải miết trườn qua các đồi thông thuần chủng vốn có tiếng đẹp nhất nước ta; nhiều diện tích cà phê đang canh tác vẫn còn lổn ngổn gốc cây rừng.

Tại TK 97 xã Đạ Nhim, chỉ cách đường chừng 400m, nhóm phóng viên bắt gặp nhiều người ngang nhiên hạ cây, xẻ gỗ giữa ban ngày. Họ bao biện xẻ gỗ để làm nhà theo chương trình 134.

Thế nhưng, nhiều nguồn tin cho biết không ít đối tượng lợi dụng chủ trương của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số khai thác tận dụng cây rừng làm nhà để cưa xẻ gỗ, buôn bán trái phép.

Theo nhận định của cơ quan kiểm lâm thì số cây bị đốn hạ cao gấp 3 lần UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép. Và điều nguy hại hơn, sau khi cưa xẻ cây, nhiều đối tượng lập tức biến đất rừng thành vườn hộ, sang nhượng bất hợp pháp.

Đường mới Đà Lạt – Nha Trang đi qua huyện Lạc Dương tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Chính quyền địa phương cho phép doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để thuê đất.

Cơn lốc phá rừng ven đường mới Đà Lạt - Nha Trang ảnh 2
Làm chết khô cả cánh rừng để trồng cà phê

Hiện toàn bộ những lô đất thuận lợi hai bên đường đã được giao cho các nhà đầu tư hoặc vào tay đối tượng đầu cơ. Bởi trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nhận thức kém nên thấy có tiền là bán hoặc cho thuê đất ngay. Sau đó, vì địa phương chưa có phương án giải quyết việc làm phù hợp nên đội quân thất nghiệp đông đảo lại phá rừng làm rẫy, sang nhượng...

Vấn đề nóng bỏng của rừng Lạc Dương còn ở nạn ken vỏ làm chết cây để lấn chiếm đất rừng: Những kẻ phá hoại dùng vật sắc bằng sắt thép vạt bỏ vỏ (phần mô biểu bì dẫn nhựa nuôi cây) làm trơ ra lõi thông nên cây vàng úa, chết dần. Và, để sớm kết thúc vòng đời của cây, một số người còn xát thuốc gây hại vào vết thương trên thân cây.

Tháng 3/2007, Hạt Kiểm lâm phối hợp một số ban ngành tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường các tiểu khu ở Đạ Sar, Đa Nhim và Đa Chais phát hiện có tới 6.691 cây (trữ lượng 4.636 m³ gỗ) bị ken gốc. Chỉ riêng lô b, khoảnh 6, TK 115 (xã Đạ Sar) đã có 649 cây thông bị ken.

Đến nay vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý nên tình trạng ken cây vẫn tiếp diễn. Nhiều cánh rừng xuất hiện những cây mới bị ken, nhựa vẫn còn ứa ra. Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì nguy cơ hủy diệt rừng là nhỡn tiền.

Ngoài ra, quá trình san ủi đất để làm đường, các đơn vị thi công đã lấp gốc 1.846 cây thông (trữ lượng 1.279 m³ gỗ), trong đó riêng đường Đà Lạt – Nha Trang có tới 1.476 cây bị lấp gốc. Theo cơ quan lâm nghiệp, toàn bộ số cây này đã và đang chết dần. 

Những thiệt hại về trữ lượng gỗ, đất lâm nghiệp nói trên rõ ràng là rất lớn. Tuy nhiên còn những thiệt hại không kém phần nghiêm trọng đó là sự mất ổn định xã hội, mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường… Đặc biệt, đây là rừng phòng hộ đầu nguồn của các công trình thủy điện lớn.

MỚI - NÓNG