Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm

'Còn lợi ích nhóm nếu vẫn một ông thu, một ông tiêu'

Người dân khám chữa bệnh BHYT sẽ được hưởng giá thuốc rẻ hơn so với hiện nay nếu thay đổi đơn vị đấu thầu. Ảnh: Bá Anh.
Người dân khám chữa bệnh BHYT sẽ được hưởng giá thuốc rẻ hơn so với hiện nay nếu thay đổi đơn vị đấu thầu. Ảnh: Bá Anh.
TP - Ngày 24/9, bà Đỗ Thị Xuân Phương nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, sẽ còn lợi ích nhóm trong đấu thầu thuốc nếu cứ để cơ chế như hiện nay: một ông đứng ra thu và chi trả (là BHXH Việt Nam), còn một ông cứ thế tiêu (là Bộ Y tế).

Bắt tay với bệnh viện để ăn chia hoa hồng

Theo bà Phương, thực tế, trong quá trình chỉ định điều trị, lãnh đạo các bệnh viện và các khoa điều trị thường đưa các máy móc vào bệnh viện theo hình thức xã hội hóa. “Thực chất, các máy móc xã hội hóa này được mua từ tiền của các ông lãnh đạo. Vì bỏ tiền ra mua nên muốn thu hồi vốn nhanh để có tiền lãi chia nhau. Đó là một loại lợi ích nhóm ”, vị nguyên lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.

Cũng bà Phương cho biết có những bệnh không cần chụp CT, cắt lớp, X quang… nhưng các bệnh viện vẫn chỉ định để người bệnh đi chụp, rõ ràng là các bệnh viện đang lạm dụng Quỹ BHYT. Thực tế, BHXH chỉ giám định được khoảng 30-40% số hồ sơ của các bệnh viện, nên tình trạng bệnh viện lạm dụng Quỹ BHYT rất nhiều và Quỹ BHYT thất thoát rất lớn tại các bệnh viện. 

“Nên giao đấu thầu thuốc cho BHXH Việt Nam vì sẽ khách quan hơn so với việc để cho Bộ Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu. Vì dù sao, BHXH Việt Nam là cơ quan giữ tiền của nhà nước. Để BHXH Việt Nam đứng ra tổ chức đấu thầu mới đúng và lúc đó việc đấu thầu mới có chất lượng”.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội

“Các hãng dược cũng bắt tay với các bệnh viện để ăn chia hoa hồng. Có những bệnh không cần sử dụng thuốc A, nhưng các bác sỹ vẫn kê toa. Thậm chí, thuốc nội dùng điều trị được, nhưng các bác sỹ vẫn không kê mà đi kê thuốc ngoại đắt tiền hơn. Nguyên nhân kê toa như vậy là các bệnh viện đã ăn chia hoa hồng với các hãng dược nước ngoài. Khốn khổ nhất vẫn là người bệnh phải chịu chi phí điều trị cao”, bà Xuân Phương nói.

Theo phân tích của bà Phương đáng lẽ cơ quan nào chịu trách nhiệm trước nhà nước về Quỹ BHYT thì cơ quan đó phải là chủ đầu tư, được mở thầu, đóng thầu… Giá thuốc bao nhiêu, căn cứ để giám định, chi phí cho bệnh nhân BHYT thì việc đó phải là của BHXH Việt Nam chứ không phải của Bộ Y tế. Bộ Y tế chỉ chữa bệnh, kê đơn. Thuốc gì trong danh mục BHYT, giá cả thế nào, đáng lẽ phải do BHXH Việt Nam quyết định.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, nếu giao cho BHXH đấu thầu thuốc, sẽ khách quan hơn. Vì BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm trước nhà nước về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT. Khi quản lý, BHXH Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm rất cao. Nếu nói hình tượng, một ông thì thu, quản lý, chi trả làm sao cho cân đối Quỹ BHYT, còn ông kia (Bộ Y tế) cứ thế chỉ việc tiêu. “Một ông thu, một ông tiêu. Ông giữ quỹ mà không đảm bảo an sinh xã hội, không đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân sẽ bị phê bình; còn ông kia cứ bốc thuốc kê đơn lại không chịu trách nhiệm gì cả thì thật vô lý”, vị này nói.

Giao đấu thầu thuốc cho BHXH sẽ khách quan hơn?

Ngày 24/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc đấu thầu thuốc hiện nay đang có rất nhiều vấn đề. “Nên giao đấu thầu thuốc cho BHXH Việt Nam vì sẽ khách quan hơn so với việc để cho Bộ Y tế đứng ra tổ chức đấu thầu. Vì dù sao, BHXH Việt Nam là cơ quan giữ tiền của nhà nước. Để BHXH Việt Nam đứng ra tổ chức đấu thầu mới đúng và lúc đó việc đấu thầu mới có chất lượng”, ông Lợi nói.     

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng giao cho BHXH Việt Nam đứng ra đấu thầu công khai thuốc. Trong khi đó, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam), thực tế, BHXH Việt Nam đã trình lên Thủ tướng một Đề án thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia do BHXH Việt Nam chủ trì.

Cũng theo ông Sơn, khi xây dựng đề án này, đã được nhiều bộ ngành ủng hộ (như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT…). Thế nhưng, hiện nay, đang vướng ở chỗ là Luật Đấu thầu lại giao cho Bộ Y tế chủ trì đấu thầu tập trung cấp quốc gia và chỉ đạo lộ trình thực hiện tập trung đấu thầu ở địa phương. Tuy nhiên, hiện, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và tập trung đấu thầu cấp địa phương.

“Chúng tôi đang đợi ý kiến quyết đáp cuối cùng của Thủ tướng là giao cho BHXH Việt Nam đấu thầu phần thuốc thanh toán BHYT có số lượng tổng giá trị sử dụng lớn. Khi Thủ tướng đồng ý, trước mắt, sẽ cho thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm và có thể là chuyển việc đấu thầu tập trung này qua Trung tâm mua sắm tập trung được thành lập ở Bộ Tài chính”, ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.