Còn một vết chân khổng lồ khác?

Còn một vết chân khổng lồ khác?
TP - Nhiều ngày nay, tại phường Bến Gót, TP Việt Trì, Phú Thọ, ở khu vực cảng Việt Trì, người người ùn ùn về xem vết chân lớn in hằn trên phiến đá ven sông Lô.

Những bát nhang, nải quả để thờ vọng vừa đặt lên bàn chân khổng lồ khiến nơi đây vốn thanh bình trở nên huyên náo.

Còn một vết chân khổng lồ khác? ảnh 1
Vết chân khổng lồ ở Bến Gót

Con đường dẫn chúng tôi ra cảng bụi tung mù mịt bởi những đoàn xe ra vào tấp nập. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến một bãi đất rộng nơi có tấm biển “Nhận trông xe giá 2.000 đồng/ lượt”.

Thấy tôi gọi, một đàn ông trạc 60 cầm phấn ra ghi số vé. Đi theo đoàn người chủ yếu là thanh niên và phụ nữ ra sát bờ sông, tôi thấy ngót trăm người đang xúm quanh một phiến đá lớn, đúng ra là một ghềnh đá lớn khiến Sông Lô đổi dòng.

Một dấu chân trái rõ nét có đầy đủ cả năm ngón như ai đó bước từ dưới sông lên để lại trên nền cát non. Tôi loay hoay ngắm nghía ở mọi góc cạnh rồi tranh thủ chụp mấy tấm hình làm tư liệu.

Có người bảo, đây rõ ràng do ai đó thuê thợ đá Hải Lựu về làm thành vết chân này. Từ vết chân đến mép nước khoảng 3,5 mét. Theo dân địa phương, những năm trước, tảng đá này chìm dưới nước.

Trỏ sang hữu ngạn sông Lô, một bà cụ đang đứng nhai trầu ngắm nhìn đoàn người hiếu kỳ nói: “Đấy là chùa Bạch Hạc hay còn gọi là chùa Đại Bi”. “Theo cụ vết chân ở dưới kia có từ bao giờ, thưa cụ”.

“Thế anh nghĩ ngẫu nhiên mà nơi đây lại có tên là Bến Gót hả? Bên kia cũng có một vết chân nhưng là chân phải và do người ta đục đá thành". 

Hoài nghi Bến Gót

Ông Phạm Xuân An đã đến định cư tại khu phố 25 phường Bến Gót này từ năm 1983. Khi được hỏi về vết chân khổng lồ dưới ven sông, ông kể: “Nhiều người khi đến đây xem vết chân rồi bàn tán là do ai đó tạo nên để nhằm mục đích nào đó. Năm 1983, tôi về ở đất này cho đến nay, nghỉ hưu nhiều năm rồi. Nhưng tôi chưa từng thấy ai đến đây đục đẽo cả.

Ngày trước không ai nhìn thấy vết chân này được là bởi tảng đá lớn đó chìm dưới nước sông. Năm nay, nước cạn quá, phiến đá lộ ra nhiều ngày rồi nhưng đất cát lấp đầy ai thấy đâu. Mới đây, khi trong khu trại giam tát ao cá bơm nước ra sông và đất cát trôi đi mới thấy.

Nhớ lại cách đây mấy chục năm, khi tôi mới đến ở đất này, tôi được nghe các bậc cao niên kể lại là tính từ dưới Kiểm lâm lên đến trạm thủy văn có một vết chân nhưng dân trong vùng không ai thấy và liệu đây có phải không thì tôi cũng chịu”.

Một giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố Việt Trì, thầy giáo Chu Văn Huỳnh niềm nở tiếp chúng tôi: “Tôi sống ở đây từ năm 1976 và đến bây giờ cũng mới biết có vết chân này. Tuy nhiên, tôi được biết dấu tích của vết chân khổng lồ này đã có sự tu tạo của con người. Ngày trước, dấu tích chỉ là một vết lõm hình gót chân thôi và người ta chủ động làm nó rõ nét hơn. Cái tên cổ ở vùng này là Vật Trì - Bến Gót.

Vùng đất này có những cái tên địa danh gắn liền với nhau như Bến Gót, nơi có gót chân người. Bên kia sông là Bạch Hạc, nơi có cò trắng đậu. Tam Giang là vùng ngã ba sông. Tất nhiên, vết chân kia hoàn toàn có ý nghĩa với tên Bến Gót của quê tôi”. 

Ông Trần Anh Ký - Chủ tịch UBND phường Bến Gót, cho biết: “Đây là vấn đề mới nảy sinh tại địa phương, việc này khiến lãnh đạo phường đau đầu nhiều ngày nay và đang xin ý kiến chỉ đạo của thành phố”.

Theo ông Ký, vết chân đó là do con người tạo ra để đánh đấu tên địa danh của mình. Hiện tại, chính quyền đang ra sức can thiệp để tránh tình trạng mê tín dị đoan. Ông Ký khẳng định, vết chân là do người ta mới tạo nên vài năm nay, nhưng chưa biết cụ thể năm nào.

MỚI - NÓNG