Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột

Khách chụp ảnh lưu niệm tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột
Khách chụp ảnh lưu niệm tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột
Bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác như một lời mời thân thương tới bạn bè muôn phương quả thật rất phù hợp với những gì đang diễn ra tại “thủ phủ” cà phê khi tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương hoàn tất các công việc quan trọng chuẩn bị cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 16/3/2019 với chủ đề "Tinh hoa đại ngàn".

Ngoài các hoạt động chính như Lễ khai mạc; Hội nghị xúc tiến đầu tư; Hoạt động triển lãm ảnh 44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, triển lãm lịch sử cà phê thế giới; hội thảo cà phê đặc sản Việt Nam; Lễ hội đường phố; Hội voi Buôn Đôn; Phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn; Hội thi ẩm thực cà phê… UBND tỉnh Đắk Lắk còn cho mở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột rất độc đáo mới lạ. Dù đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều du khách tìm đến tham quan, “check in”.

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột dài khoảng 100m, nằm tại hẻm số 2 đường Phan Chu Trinh nối đường Nguyễn Tất Thành (phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) – phía sau Nhà Thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột. Tại đây, những bức tường cũ nhốm màu thời gian sẽ được “thay áo” bằng những tấm bích họa sinh động về phong cảnh tuyệt đẹp, hoạt động sản xuất cà phê Buôn Ma Thuột cũng như tái hiện đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa ở Đắk Lắk như Ê Đê, M’Nông... Tuyến đường sẽ có 23 gian hàng chia thành các khu vực đọc sách, uống cà phê, trưng bày đồ lưu niệm và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, giao lưu văn hóa, biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên... Dự kiến Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trước Tết nguyên đán 2019 và mở cửa từ 7h - 22h hàng ngày. Đây là điểm tham quan lý thú cho du khách khi đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019.

Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột ảnh 1

Đường sách cà phê sẽ đi vào hoạt động trước Tết Nguyên đán

Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột ảnh 2

Ngôi nhà dài ở buôn Ako Dhong

Bên cạnh đó, nếu muốn trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc của người Ê Đê, du khách có thể vào các buôn làng để tận thấy cuộc sống giản đơn, bình dị của họ. Buôn Ako Dhong được ví là “buôn trong phố”, nằm ở cuối đường trần Nhật Duật (thuộc phường Tân Lợi). Theo tiếng Ê Đê “Ako” có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là lũng: Lũng đầu nguồn, buôn lũng đầu nguồn ăn nước con suối Ea Nhôn. Ako Dhong được xem là "buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên, "buôn đẹp nhất TP. Buôn Ma Thuột”, hay “Buôn Ama Rin và cũng là buôn duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của một buôn làng người Êđê. Đây là một trong những buôn biết cách làm ăn, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc khá cao là nơi thu hút nhiều lượt khách đến tham quan bởi nét văn hóa riêng và lòng mến khách của người Ê Đê.

Xưa kia, Ako Dhong là rừng rộng lớn được ông Ama Rin người chủ buôn quê ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M’Drăk tìm đến khai hóa đất đai, biến rừng hoang thành Buôn Ako Dhong hùng mạnh như ngày nay. Cuộc sống của người Ê Đê nơi đây rất dung dị giản đơn dưới nhà dài như tiếng chiêng ngân. Ngày ngày lên rẫy làm cà phê, trồng lúa... tối đến lại quây quần bên bếp lửa kể cho nhau nghe những câu chuyện sử thi hấp dẫn hay nhâm nhi bên ché rượu cần cùng những món ăn đậm chất núi rừng. Là “buôn trong phố” Ako Dhong cũng ít nhiều chịu tác động của quá trình đô thị hóa. Song với quyết tâm gìn giữ văn hóa của cha ông, những người con buôn  Ako Dhong đã biết cách thích nghi với thời thế. Họ biết khai thác văn hóa vào hoạt động du lịch để làm giàu cho bản thân, buôn làng. Những du khách đã từng đặt chân đến đây đều ngỡ ngàng khi thấy Ako Dhong vừa hiện đại pha chút truyền thống thể hiện qua việc người dân vẫn gìn giữ những ngôi nhà dài Ê Đê truyền thống bên cạnh những ngôi nhà hiện đại. Họ vẫn lưu giữ những thói quen sinh hoạt thường nhật tạo cho du khách sự gần gũi, thân thương.

Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột ảnh 3

Phụ nữ Ê Đê diện trang phục truyền thống đi hội ở buôn Ako Dhong

Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột ảnh 4

Khách tham quan khu du sinh thái lịch Ko Tam

Còn thương nhau thì… về Buôn Ma Thuột ảnh 5

Khu du sinh thái lịch Ko Tam như một Đắk Lắk thu nhỏ

Cách trung tâm thành phố khoảng 9km về hướng Đông Nam (đường đi Nha Trang), có khu du lịch sinh thái KoTam (thuộc phường Tân Hòa, xã Ea Tu) hiện đang nổi lên như một địa điểm đầy mới mẻ và cuốn hút trong lòng du khách thập phương mỗi khi đặt chân lên cao nguyên đầy nắng gió này. Đến Ko Tam du khách như một Đắk Lắk thu nhỏ khi có cả nhà dài, bến nước, rừng cây... Đặc biệt phải kể đến con đường rực rỡ sắc hoa, bốn mùa bung nở trong đó loài hoa dã quỳ rất đặc trưng khi đến với đất xứ đất đỏ bazan. Trong các ngôi một nhà dài truyền thống còn trưng bày các tranh ảnh, nhạc cụ dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa người Ê – đê, nơi diễn ra lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội cúng voi, cúng bến nước… Khu vực bến nước được tái hiện theo cách tự nhiên nhất thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người đồng bào. Tại đây, du khác sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị về văn hóa các dân tộc bản địa ở Đắk Lắk.

Không nhộn nhịp sôi động như thành phố mang tên Bác hay cổ kính bằng thủ đô Hà Nội, cao nguyên Đắk Lắk vẫn níu chân du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng cũng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào bản địa. Và “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột” ... Ánh mắt ấy tiếng nói ấy thương thương hoài/Gió thế đấy nắng thế đấy không vơi đầy...

MỚI - NÓNG