Công bố các luật, nghị quyết vừa được thông qua

Công bố các luật, nghị quyết vừa được thông qua
TPO - Hôm nay, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước Công bố các luật, nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII.

Trong đó, có Luật Giáo dục Đại học, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Biển Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi họp báo.

Luật Giáo dục Đại học được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.

Luật quy định 4 vấn đề mới cơ bản, gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng.

Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá. Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, đối tượng được bảo hiểm tiền gửi là tiền gửi của cá nhân.

Đối với loại tiền được bảo hiểm, luật này quy định, chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng VND. Luật này cũng giao Thủ tướng quy định, quyết định trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về mô hình của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm.

Về Luật Biển Việt Nam, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.

Theo ông Sơn, cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa hình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam bao gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật Biển Việt Nam đã quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải nước ta. Cụ thể, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam…

Luật Biển Việt Nam cũng quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân bố luồng giao thông trong lãnh hải, khi cần thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam; tàu ngầm và các phương tiện đi lại khác khi ở trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải nổi trên mặt nước…

Theo Luật Biển Việt Nam, Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sữa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo…

Về tuần tra, kiểm soát trên biển, Chương V, Luật Biển Việt Nam quy định rõ, các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng…

Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013.

Cùng ngày, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng được công bố. Theo đó, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được kéo dài lên 6 tháng so với 4 tháng hiện nay. Người lao động sẽ được nghỉ Tết Âm lịch thêm 1 ngày.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mực phát tiền tối đa với tổ chức được nâng lên 2 tỷ đồng, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Luật này cũng quy định, không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Đối với Luật Quảng cáo, quy định đáng lưu ý là cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG