Công chức ngành y không được mở phòng khám tư?

Công chức ngành y không được mở phòng khám tư?
TP - Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (KCB) trình hôm qua nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong đó có ý kiến cấm công chức ngành y thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Công chức ngành y không được mở phòng khám tư? ảnh 1
Bệnh viện quá tải khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi  Ảnh: Tư liệu

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật KCB như Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban về các Vấn đề Xã hội (CVĐXH) cho rằng, việc xây dựng Luật KCB sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực nâng cao chất lượng KCB.

Để chuẩn hóa các tiêu chuẩn về người hành nghề y, Ủy ban cho rằng quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả cán bộ y tế công và tư như dự thảo luật là cần thiết.

Thông qua đó, không chỉ chuẩn hóa được tiêu chuẩn hành nghề y (như phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, giữ gìn y đức) mà còn góp phần nâng cao chất lượng KCB.

    Người ta mất tiền chữa bệnh nhưng thoải mái,  còn ở ta mất tiền mà thấy khó đăm đăm.

Cần quan tâm nhiều đến vấn đề tinh thần phục vụ, y đức, có chế độ đãi ngộ cán bộ ngành y thỏa đáng hơn

Về quy định công chức, viên chức y tế hành nghề KCB tư nhân (Điều 5, khoản 11), Ủy ban CVĐXH cho biết có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo, chỉ cấm “công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành bệnh viện tư nhân”.

Loại ý kiến thứ hai không nhất trí với dự thảo và đề nghị quy định như Pháp lệnh Hành nghề Y dược Tư nhân hiện hành (theo lộ trình đến tháng 12/2010, cấm công chức, viên chức y tế hành nghề y dược tư nhân), cán bộ y tế nhà nước được làm việc cho các cơ sở KCB tư nhân chứ không được đăng ký thành lập cơ sở KCB tư nhân.

Ngoài ra, cần tạo ra ranh giới pháp lý giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, tránh tình trạng lạm dụng các bệnh viện công để phục vụ lợi ích cá nhân.

Nếu để cán bộ y tế nhà nước vừa làm công vừa làm tư như hiện nay sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, cơ sở KCB tư nhân sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với cơ sở y tế nửa công nửa tư như hiện nay. Hơn nữa, lợi nhuận có thể tập trung vào một số cán bộ nhất định.

“Công chức, viên chức ngành y được tham gia làm việc tại các cơ sở KCB ngoài công lập nhưng không nên qui định cho tham gia với vai trò thành lập, điều hành các cơ sở này” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Đào Trọng Thi đồng tình : “Cần tách bạch giữa công và tư, tránh sự lợi dụng uy tín, trang thiết bị của cơ sở KCB nhà nước để hành nghề y tư nhân”.

Nhà nước phải lo cho dân

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo ra môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB của nhà nước với cơ sở KCB tư nhân và đặc biệt lưu ý vấn đề nâng cao y đức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các tổ chức hành nghề KCB (bệnh viện, phòng khám...) phải có tiêu chí rõ ràng, có quy định về tiêu chuẩn đối với người hành nghề.

“Đã là bệnh viện, phải có điều kiện KCB tương đương nhau, tránh chỉ đầu tư cho các tuyến trên quên tuyến dưới, dẫn đến tình trạng bệnh nhân dồn về trung ương. Nhà nước phải có chính sách, phải dồn kinh phí để lo cho dân” – Ông Thuận đề nghị.

Về chế độ với cán bộ y tế, một số ý kiến cho rằng, cần từng bước thực hiện thông qua cải thiện chế độ đãi ngộ bằng nguồn ngân sách nhà nước, cải cách cơ chế tài chính y tế.

Nhưng vấn đề đặt ra chính là nâng cao y đức trong tình hình hiện nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, vấn đề nâng cấp trang thiết bị y tế hiện đại không khó, nhưng để công chức ngành y của ta có tinh thần phục vụ như ở Singapore phải cần tới 20 năm nữa.  

MỚI - NÓNG