Công chứng tư : Liệu có thiếu việc làm?

Công chứng tư : Liệu có thiếu việc làm?
Việc cho phép "Văn phòng công chứng" (VPCC) do công chứng viên (CCV) không phải là công chức nhà nước đứng ra thành lập và có cùng chức năng hoạt động với "Phòng công chứng" (PCC) do Nhà nước thành lập là một điểm mới được nhiều người dân quan tâm chú ý.
Công chứng tư : Liệu có thiếu việc làm? ảnh 1
PCC đã không còn cảnh chen chúc như thế này. Sau khi tách chứng thực ra khỏi hoạt động của các PCC thì lượng khách tới đây đã giảm tới 75%.

Điều đó tạo nên sự cạnh tranh giữa hoạt động của các PCC, góp phần giảm tải và cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho người dân… tại các PCC. Tuy nhiên, do hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên việc thành lập các VPCC vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Một trong những động thái gần đây nhất là 12 CCV của Hà Nội đã được cấp quyết định bổ nhiệm để chuẩn bị thành lập các VPCC riêng, độc lập so với 6 PCC hiện tại của thành phố Hà Nội.

Thống kê cho thấy, từ 1/7/2007, sau khi tách chứng thực ra khỏi hoạt động của các PCC thì lượng khách tới đây đã giảm tới 75%, công việc tại các PCC cũng vì thế mà giảm bớt rõ rệt. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại các PCC còn đang “chơi dài”, thì các VPCC sau khi ra đời sẽ kiếm đâu ra việc để làm

Ông Trần Ngọc Nga (Trưởng PCC số 1 Hà Nội) cho biết, sau thời điểm 1/7/2007, tuy số khách đến PCC có giảm, song số lượng khách đến công chứng hợp đồng ngày một tăng. Trước 1/7 chỉ có khoảng 80 hợp đồng mỗi ngày, nhưng đến nay thì con số này đã tăng lên gần gấp đôi, từ 140-150 hợp đồng mỗi ngày.

Đó là chưa kể số khách đến xin tư vấn, tham khảo thủ tục thực hiện hợp đồng giao dịch… lên tới hàng chục người mỗi ngày. 5 CCV của PCC số 1 phải “vắt chân lên cổ” mới có thể hoàn tất toàn bộ số hợp đồng trong ngày chứ hoàn toàn không có chuyện “chơi dài” như nhiều người nghĩ.

PCC số 2 - đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cũng có tình trạng tương tự như vậy. Theo ông Trần Văn Hạnh (Trưởng PCC số 2) thì mỗi ngày có tới 90-100 khách đến xin tư vấn và ký hợp đồng giao dịch, tăng gấp đôi so với trước thời điểm chứng thực ra “ở riêng”.

Nhìn bề ngoài thì có vẻ vắng khắch, nhưng thực tế, mỗi CCV đều phải “vã mồ hôi” với trên dưới 30 lượt khách/ngày, thậm chí, có hôm phải ở lại làm thêm giờ mới xong việc.

Trên thực tế, việc được phép thành lập VPCC ngoài Nhà nước đã tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các CCV có thêm cơ hội mở rộng hoạt động chuyên môn của mình, kết hợp làm kinh tế với phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Nga, việc tổ chức hoạt động loại hình VPCC này cần được thực hiện theo lộ trình từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho các văn phòng về sau. Điều đó cũng giúp cho người dân từng bước làm quen loại hình hoạt động công chứng mới mẻ này, từ đó tạo dựng lòng tin và gây dựng uy tín lâu dài.

Cùng chung quan điểm với ông Nga, ông Đặng Mạnh Tiến (Trưởng PCC số 4, thành phố Hà Nội) cũng cho rằng không nên mở rộng một cách ồ ạt các văn phòng công chứng do hiện nay các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa có một hành lang pháp luật để quản lý chặt loại hình này.

Trước mắt, thành phố có thể giới hạn cho phép mỗi năm thành lập từ 2-3 Văn phòng công chứng (tùy theo yêu cầu của từng địa phương) và phải có quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, thứ tự những đối tượng công chứng viên được ưu tiên cho phép mở văn phòng trước, tránh để "phân biệt" gây thiếu minh bạch, hạn chế tình trạng "mạnh ai nấy làm".

MỚI - NÓNG