Sau hàng loạt vụ đình công tự phát ở miền Trung:

Công đoàn cơ sở yếu: Người lao động chịu thiệt

Công đoàn cơ sở yếu: Người lao động chịu thiệt
Hội thảo “Lấy ý kiến soạn thảo Pháp lệnh về đình công” khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa diễn ra tại Đà Nẵng hôm qua (8/8) dưới sự chủ trì của bà Cù Thị Hậu – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp của đại diện LĐLĐ các tỉnh và đặc biệt là Công đoàn các doanh nghiệp vừa xảy ra đình công.

Công đoàn cơ sở yếu: Người lao động thiệt thòi

Người phát biểu đầu tiên và cũng rất tâm huyết về vấn đề ai lãnh đạo và giải quyết các cuộc đình công là bà Nguyễn Thị Chiến – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng.

Bà Chiến cho rằng: “Thủ tục để tiến hành một cuộc đình công hiện nay là quá phức tạp và rườm rà, do đó tất cả các cuộc đình công nổ ra tự phát là điều tất yếu”.

Bà Chiến lấy ví dụ ở Đà Nẵng, chỉ trong vòng 2 tháng giữa năm 2005 đã liên tiếp xảy ra 5 vụ đình công tự phát quy mô lớn nhưng không hề có tham gia của Công đoàn cơ sở (CĐCS), điều đó chứng tỏ vai trò của cán bộ CĐCS trong vấn đề này hầu như không tồn tại.

Nguyên nhân là năng lực và bản lĩnh của cán bộ Công đoàn yếu. Để giải quyết triệt để vấn đề tự phát đình công, ý kiến của ông Phạm Phú Cường – Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam - cho rằng trong tương lai, CĐCS cần nắm vai trò chủ động trong việc lãnh đạo và giải quyết các vụ đình công.

Nhưng vấn đề đặt ra là phải lãnh đạo như thế nào, có hay không có sự tham khảo, phối hợp với Công đoàn cấp trên. Ông Cường cũng như hầu hết các đại biểu đều thống nhất dù là ai lãnh đạo thì trước hết phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động.

Ông Cường cho rằng cán bộ CĐCS không thật sự có bản lĩnh thì dù đình công, đòi được quyền lợi thì mọi chuyện rồi đâu sẽ vào đấy. Đối tượng chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động.

1 cổ 2 tròng

Trước những ý kiến cho rằng năng lực và bản lĩnh của cán bộ CĐCS yếu và thiếu, phần “phản bác” của chính các đại diện cán bộ CĐCS các doanh nghiệp vừa xảy ra đình công lại gây nhiều bất ngờ. Ông Hà Văn Nhật – Chủ tịch CĐ Cty TNHH Quốc Bảo thẳng thắn: “Ai cũng nói CĐCS là yếu, là thiếu nhưng có ai biết nội tình chúng tôi như thế nào đâu. Khi xảy ra đình công, chúng tôi phải chịu cảnh 1 cổ 2 tròng, một bên là lãnh đạo Cty, một bên là quyền lợi công nhân”.

Ông Nhật nêu trường hợp cụ thể ở Cty Quốc Bảo, khi nhiều Uỷ viên BCH CĐCS là quản đốc phân xưởng. Nếu lãnh đạo đình công thì trước hết cá nhân thuộc CĐCS phải gánh chịu hậu quả, đặc biệt là đối với những Cty của nước ngoài như Cty TNHH Quốc Bảo.

Ông Nhật cũng cho rằng CĐCS  ở các doanh nghiệp hầu như chỉ tồn tại chiếu lệ. Giải quyết những vấn đề đình công là nằm ngoài khả năng bởi họ không thể tác động đến quyền lực của lãnh đạo Cty.

Ý kiến này được ông Hoàng Tiến Thành – Chủ tịch CĐ Cty TNHH Valley View phát triển thêm. Ông Thành cho rằng: “Chúng tôi phải tự cứu mình trước, còn chuyện giải quyết đình công, đòi quyền lợi cho người lao động tính sau”.

Ông Thành cho biết ông đã biết trước chuyện CN sẽ đình công ở Cty Valley View nhưng khi báo lãnh đạo Cty để bàn hướng giải quyết thì chỉ nhận được câu: “Không phải trách nhiệm của ông, ở đây ai là chủ?”. Sau đó Thanh tra Sở LĐ về thanh tra 20 ngày, thấy rõ sai phạm nhưng không chế tài, không phạt, để dẫn đến đình công. Vậy không thể nói CĐCS yếu hay mạnh được.

Nhiều ý kiến của CĐCS  cũng cho rằng nếu muốn họ tồn tại và hoạt động hiệu quả thì phải cần có cơ chế bảo vệ sau đình công. Còn trước mắt, công việc lãnh đạo và giải quyết đình công cứ giao cho UBND TP và LĐLĐ và các Sở, ban ngành.

MỚI - NÓNG